MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Nhà nước dẫn dắt nền kinh tế số: Hồi sinh và dẫn dắt

Doanh nghiệp Nhà nước dẫn dắt nền kinh tế số: Hồi sinh và dẫn dắt

Trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, định hướng phát triển kinh tế đất nước 2021-2030, Đảng ta tiếp tục coi trọng việc phát triển kinh tế nhiều thành phần trong đó Kinh tế nhà nước, Kinh tế tập thể và Kinh tế tư nhân đều xác lập được vị trí quan trọng. Là bộ phận hợp thành Kinh tế Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện vẫn đang khẳng định vai trò dẫn dắt nền kinh tế.

Từng được ví như "quả đấm thép" của nền kinh tế, nhưng có thời gian dài, nhiều DNNN "tan chảy" khi tràn lan đầu tư ngoài ngành, dẫn đến làm ăn thua lỗ, suy yếu tiềm lực, tăng nợ khó đòi, thậm chí không ít tập đoàn, tổng công ty, lãnh đạo, cán bộ vướng vòng lao lý. Nhưng với quyết tâm "đứng lên từ nơi ngã", nhiều tập đoàn, tổng công ty đã hồi sinh trở lại.

Sự trở lại

Cách đây 7 năm (2014), tình hình hoạt động của hàng loạt DNNN "quả đấm thép" được cập nhật trong báo cáo tình hình quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước với một bức tranh màu xám, u ám. Báo cáo Kiểm toán thời điểm đó chỉ ra: Nhiều DNNN có kết quả kinh doanh thua lỗ nặng, thậm chí âm vốn chủ sở hữu tới vài chục cho đến cả trăm lần. Nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt, dẫn đến thất thu, quá hạn, nợ khó đòi, thậm chí "vướng nặng" vòng lao lý như các lãnh đạo của Mobifone, PVN.

Bức tranh điển hình về thất thoát vốn Nhà nước thời điểm đó là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Khoản đầu tư ngoài ngành 800 tỷ đồng rót vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) gây mất vốn khi mất toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông (Ngân hàng này được Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng). Hàng loạt lãnh đạo của PVN và một số lãnh đạo của các đơn vị của PVN đồng thời vướng vòng lao lý.

"Ngã đâu đứng lên từ đó", 6-7 năm qua là quãng thời gian vô cùng khó khăn của PVN. Tái cơ cấu doanh nghiệp, chèo lái con thuyền dầu khí trong bối cảnh "liêu xiêu" vì thủng vị trí, trống nhân sự cấp cao cũng như những hệ lụy từ đầu tư đa ngành. Thế rồi, vượt qua khó khăn, PVN lại ngẩng cao đầu, kiêu hãnh đứng lên với quyết tâm lấy lại vị trí, thị phần.

Cùng nhìn lại để thấy nỗ lực của Tập đoàn này. Năm 2020, tác động kép của dịch bệnh COVID-19 khiến giá dầu xuống mức âm, nhiều tập đoàn dầu khí thế giới đóng cửa nhưng PVN vẫn duy trì đảm bảo sản xuất kinh doanh với khoản lãi 17.500 tỷ đồng. Tổng doanh thu PVN năm 2020 đạt 566.000 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước toàn tập đoàn đạt 83.000 tỷ đồng, đạt trên 100% kế hoạch năm. Năm 2021, trên cơ sở dự báo kinh tế thế giới, trong nước còn nhiều khó khăn, hoạt động dầu khí có nhiều biến động khó lường, tuy nhiên, một lãnh đạo tập đoàn cho biết: PVN đã hoàn thành xây dựng kế hoạch tổng thể của tập đoàn năm 2021 trình cơ quan chức năng với tâm thế sẵn sàng.

Thời gian qua cũng là quãng khó khăn của Mobifone với việc dính vào "đại án" do lùm xùm mua AVG. Thương vụ này không chỉ gây thất thoát gần chục ngàn tỷ của Nhà nước mà còn khiến vô số cán bộ Mobifone dính vòng lao lý. Tuy nhiên, Mobifone đã vượt qua khủng hoảng, với nỗ lực của ban lãnh đạo mới và cán bộ nhân viên, người lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh của Mobifone từng bước ổn định, phát triển. Giai đoạn 2016 - 2020, MobiFone có doanh thu hơn 175.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 27.303 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước gần 26.000 tỷ đồng. Năm 2020, doanh thu Mobifone ước đạt gần 30.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ Mobifone ước đạt 4.600 tỷ đồng.

Mobifone hay PVN chỉ là một trong số nhiều DNNN đã "đứng lên" sau khủng hoảng. Thống kê trong 3 năm gần đây (2017, 2018, 2019), tổng tài sản của 17 tập đoàn kinh tế, tổng công ty là DNNN đang có xu hướng tăng, với mức tăng trung bình khoảng 1%- 2% so với năm trước. Tổng vốn chủ sở hữu bình quân của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước này khoảng 1.240.000 tỷ đồng, tỷ lệ trung bình tăng 4% so với năm trước đó. Vốn chủ sở hữu cũng tăng chủ yếu từ nguồn quỹ đầu tư phát triển được trích lập từ lợi nhuận sau thuế, chênh lệch đánh giá lại tài sản và thặng dư vốn thu được trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên, đơn vị phụ thuộc. Tổng doanh thu của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước cũng có xu hướng tăng khá đều, với mức bình quân là 1.465.493 tỷ đồng và tỷ lệ trung bình tăng là 8%.

Dẫn dắt

Tại văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Kinh tế nhà nước được khẳng định là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng điều tiết dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường. Đây là chức năng quan trọng của Kinh tế nhà nước, đồng thời cũng là điểm đặc trưng khác biệt, tiến bộ của Kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, tổ hợp tác có vai trò cung cấp dịch vụ cho các thành viên; liên kết phối hợp sản xuất kinh doanh, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện để các thành viên nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững. Tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã.

Kinh tế tư nhân được khẳng định là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế và được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ được hỗ trợ thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao.

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, sau gần 35 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới, DNNN tại Việt Nam vẫn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sự hiện diện của DNNN trong các ngành, lĩnh vực nhằm đảm bảo mục tiêu chiến lược về quốc phòng, an ninh quốc gia, an toàn xã hội. DNNN là công cụ khắc phục những thất bại hoặc thiếu hụt của thị trường (như các thành phần kinh tế khác không muốn tham gia hoặc không có khả năng tham gia; không có thị trường hoặc chưa hình thành được thị trường cạnh tranh).

Doanh nghiệp Nhà nước dẫn dắt nền kinh tế số: Hồi sinh và dẫn dắt - Ảnh 1.
Người lao động ngành dầu khí nỗ lực vượt khủng hoảng kép do dịch COVID-19 và giá dầu sụt giảm

Chia sẻ với PV Tiền Phong về vai trò và sứ mệnh của DNNN trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) khẳng định vai trò của kinh tế nhà nước đã được khẳng định trong nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. "Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng có nhiều nghị quyết nói về sắp xếp đổi mới, cải cách doanh nghiệp nhà nước. Điều đó chứng tỏ, các nghị quyết của Đảng đã quan tâm, thấy được vai trò của doanh nghiệp nhà nước đóng góp với sự phát triển của kinh tế quốc gia. Bối cảnh hiện nay, nghị quyết có điểm mới là phát triển kinh tế gắn với chuyển dịch kinh tế số, xã hội số và cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Lựa chọn doanh nghiệp vừa là doanh nghiệp nhà nước, vừa gắn với kinh tế số là sự lựa chọn phù hợp. Việc này đáp ứng cả nhu cầu của chính sách, nghị quyết và thực tiễn hội nhập nền kinh tế", ông Thành nói.

Theo đánh giá của Bộ KH&ÐT, sau gần 35 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới, DNNN tại Việt Nam vẫn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Có hai điểm nhấn trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII là chuyển đổi số và khát vọng dân tộc, đưa đất nước đến các mốc lịch sử 2030 (100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam) đến 2045 (100 năm thành lập nước Việt Nam) thành một quốc gia, dân tộc hùng cường. Theo định hướng ấy, ông Thành phân tích: Các DNNN đang có lợi thế rất lớn bởi nguồn lực nhà nước đang có, chuyên sâu về các lĩnh vực đó. Lợi thế rất lớn còn là năng lực quản trị của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã hoạt động hơn 30 năm và đội ngũ lạnh đạo được đào tạo bài bản, kinh nghiệm.

"Cơ chế pháp lý nhà nước ngày càng rõ ràng, công khai, minh bạch, là nền tảng cơ bản để doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhiệm vụ đề ra. Ngoài ra, còn điểm quan trọng là vấn đề cải cách thể chế, 3 trụ cột chuyển đổi chiến lược của đất nước, trong đó có trụ cột chuyển đổi thể chế", ông Nguyễn Chí Thành - TGĐ Tổng Công ty SCIC kiến nghị.

Theo Quỳnh Nga - Khánh Huyền - V.Linh

Tiền phong

Trở lên trên