Doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra nước ngoài lãi, lỗ ra sao?
TPO - Tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước là 6.622,92 triệu USD, trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thị phần lớn nhất với 4.026,93 triệu USD, chiếm 60,80% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài.
- 05-10-2023Doanh nghiệp sở hữu mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam kinh doanh thế nào?
- 03-10-2023Cách tổng đài tích hợp AI tối đa hóa cuộc gọi và tăng doanh thu cho doanh nghiệp
- 02-10-2023Doanh nghiệp Nhà nước sợ cảnh '9 lãi huân chương, 1 lỗ ngồi tù'
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc vừa thay mặt Chính phủ gửi báo cáo tới Quốc hội về tình hình hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2022 .
Tổng hợp số liệu cho thấy, đến cuối năm 2022, cả nước có 827 doanh nghiệp (DN) có vốn góp của nhà nước (NN). Trong đó 478 DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 DN do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Tổng tài sản DNNN lên tới 3.821.459 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021, còn vốn chủ sở hữu là 1.807.999 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng giá trị vốn nhà nước đang đầu tư tại các DNNN là 1.712.644 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2021.
Chính phủ cho biết, tổng doanh thu năm 2022 của các DNNN đạt 2.643.545 tỷ đồng, con số này tăng 29% so với năm 2021. Số lãi phát sinh trước thuế đạt 241.165 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2021. Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con là 221.671 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021, chiếm 92% tổng lãi phát sinh trước thuế.
Ở chiều ngược lại, có 64 DNNN có lỗ phát sinh với tổng lỗ 29.456 tỷ đồng; có 144/676 DNNN còn lỗ lũy kế với tổng số 69.892 tỷ đồng.
Báo cáo cũng cho thấy, tổng nợ phải trả là 1.981.967 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2021. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 55% tổng số nợ phải trả của các doanh nghiệp nhà nước.
Liên quan đến tình hình đầu tư ngoài nước, báo cáo của Chính phủ nêu rõ đến hết 2022, có 30 DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện đầu tư ra nước ngoài theo hình thức trực tiếp đầu tư và đầu tư thông qua các công ty con cấp 1, cấp 2.
Cũng trong năm 2022, số vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện là 61,55 triệu USD tại 14 dự án, chủ yếu tại các dự án của các công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); các dự án của Tập đoàn công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel).
Tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài là 6.622,92 triệu USD (bằng 55,44% số vốn đầu tư đăng ký). Trong đó, PVN có số vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện lớn nhất với 4.026,93 triệu USD, chiếm 60,80% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài; Tiếp theo là Viettel với 1.471,90 triệu USD, chiếm 22,22%; Đứng thứ ba là Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) với 772,6 triệu USD, chiếm 11,67%.
Tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của 3 doanh nghiệp này chiếm 94,69% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của khối DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Theo Chính phủ, các lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài tiếp tục duy trì chủ yếu trong các lĩnh vực dầu khí; viễn thông; trồng, chế biến mủ cao su và các lĩnh vực khác. Trong đó, lĩnh vực dầu khí, lĩnh vực viễn thông và lĩnh vực trồng, chế biến mủ cao su với 3 tập đoàn có số đầu tư lớn là các lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài lớn nhất.
Kết quả cho thấy, năm 2022, có 94 dự án phát sinh doanh thu với tổng doanh thu là 9.688,55 triệu USD, tăng 24,43% so với năm 2021. Trong đó, có 67 dự án mang lại lợi nhuận, với tổng lợi nhuận sau thuế là 569,55 triệu USD (giảm 240,65 triệu USD, tương ứng 29,70% so với năm 2021). Ngược lại, có 29 dự án bị lỗ với tổng số lỗ 263,40 triệu USD (số lỗ giảm 72,12 triệu USD so với năm 2021).
Như vậy, đến 31/12/2022, tổng cộng có 43 dự án có lỗ lũy kế, với tổng số lỗ lũy kế là 1.441,06 triệu USD. Con số này tăng 105,96 triệu USD, tương đương 7,94% so với năm 2021.
Tiền phong