Doanh nghiệp Nhà nước vẫn loay hoay thoái vốn ngoài ngành
Các doanh nghiệp Nhà nước vẫn đang “treo” khối lượng vốn khổng lồ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư ngoài ngành chưa thể thoái vốn.
- 11-09-2016Tiền thoái vốn DNNN nên dùng làm “mồi nhử” để thu hút đầu tư
- 08-09-2016Bộ Công thương: Thoái vốn, thu cả tỷ USD
- 01-09-2016Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh quá trình thoái vốn nhà nước
Suốt một thời gian dài, các doanh nghiệp nhà nước đua nhau đầu tư ngoài ngành một cách dàn trải, kém hiệu quả, thậm chí gây thua lỗ lớn. Hệ quả là cho đến nay, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn đang “treo” khối lượng vốn khổng lồ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng tại các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm. Việc xử lý thoái vốn đầu tư ngoài ngành vẫn là bài toán khó và chưa thể hoàn thành một sớm một chiều.
Chỉ riêng tại Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), kết quả thanh tra của thanh tra Chính phủ mới đây cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6/2013, tập đoàn này đã đầu tư tài chính ngoài ngành 2.225 tỉ đồng vào các lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản, trong đó đầu tư với giá trị lớn không đúng quy định.
Chẳng hạn như, tăng vốn đầu tư vào PG Bank 400 tỷ đồng, tăng vốn trên 170 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex mà không có sự chấp thuận của Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ. Tăng vốn đầu tư 51 tỷ đồng vào Công ty CP Bất động sản Petrolimex mà không có sự chấp thuận của Bộ Công Thương; sử dụng vốn kinh doanh gần 231,9 tỷ đồng để đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, không đúng với Nghị quyết của HĐQT.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), việc xử lý sai phạm trong đầu tư ngoài ngành của Petrolimex sẽ phải căn cứ vào thời điểm trước hay sau khi Chính phủ có quy định cấm đầu tư ngoài ngành để có hướng xử lý. Tuy nhiên, kể cả trong giai đoạn doanh nghiệp được phép đầu tư ngoài ngành, nhưng lại tham nhũng hay thua lỗ thì vẫn phải xử lý sai phạm.
“Đối với doanh nghiệp Nhà nước nói chung và Petrolimex nói riêng phải cổ phần hóa nhanh. Việc đầu tiên là phải niêm yết theo đúng Quyết định 51 của Chính phủ để công khai minh bạch mọi hoạt động. Tiếp theo là thoái vốn, chuyển giao cổ phần Nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chứ Bộ Công Thương không nên ôm nữa, nếu không sẽ xảy ra lợi ích nhóm tiêu cực”, ông Hải nói.
Không chỉ có Petrolimex, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác cũng bị phát hiện đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào các lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản. Trở lại giai đoạn khoảng 8 năm về trước, khi đầu tư ngoài ngành được cho phép. Hầu hết, doanh nghiệp nhà nước đều góp vốn vào kinh doanh bất động sản, ngân hàng, chứng khoán…thậm chí có thể đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính đến 30% vốn.
Cho đến nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang chật vật thoái vốn ngoài ngành. Không ít doanh nghiệp rơi vào tình cảnh trớ trêu khi trước đây ham đầu tư lớn vào ngân hàng, nhưng khi phải bán vốn thì loay hoay mãi không xong. Chẳng hạn như tại Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), trong số 791 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành, thì nhóm “Ngân hàng, tài chính, chứng khoán” chiếm 536 tỷ đồng. Thực hiện yêu cầu của Chính phủ về thoái vốn ngoài ngành, Sabeco vẫn đang mắc kẹt với cổ phiếu ngân hàng dù rao bán với giá rẻ.
Trường hợp như của Sabeco không phải là ít. Nhiều doanh nghiệp khác bỏ lượng vốn lớn vào ngân hàng, chứng khoán…nhưng nay việc bán vốn không hề đơn giản do thị trường ảm đạm, rồi nợ xấu ngân hàng vẫn là mối lo lớn.
Trong Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Nghị định 91/2015 của Chính phủ đã cấm các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành tại các lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, quy định là như vậy, nhưng tại nhiều tập đoàn, tổng công ty vẫn còn nhiều lĩnh vực đầu tư ngoài ngành.
“Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thoái vốn từ các hệ thống ngân hàng nhưng vẫn còn các hoạt động ngoài ngành như chứng khoán, bất động sản. Các doanh nghiệp nhà nước khác cũng tương tự, đầu tư sang những lĩnh vực xa lạ so với chuyên môn như nhà hàng, khách sạn, chứng khoán, rủi ro cao và không dễ gì kiểm soát lợi ích nhóm. Cho nên những lĩnh vực mà vượt xa chuyên môn chính của ngành thì thoái vốn triệt để và rút lui, tập trung vào ngành có liên quan có thể hỗ trợ lẫn nhau và giảm thiểu rủi ro, thua lỗ. Đã đến lúc phải nghiêm hơn, xử phạt hành chính hoặc thậm chí xử lý hình sự với sai phạm nghiêm trọng”, chuyên gia Lê Đăng Doanh phân tích.
Tính đến cuối năm 2015, nhiệm vụ thoái vốn đầu tư ngoài ngành khá nặng nề, với khoảng 17.655 tỷ đồng đầu tư ra ngoài lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính. Trong đó, lĩnh vực ngân hàng là 11.000 tỷ đồng, bất động sản gần 6.000 tỷ đồng. 8 tháng năm 2016, các doanh nghiệp mới thoái vốn đầu tư ngoài ngành được 2.921 tỷ đồng. Như vậy, số lượng vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước cần phải thoái trong thời gian tới vẫn rất lớn.
Theo Bộ Tài chính, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào 5 lĩnh vực nhạy cảm đang được triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, do phải tiếp tục thực hiện cổ phần hóa các đơn vị chưa hoàn thành theo kế hoạch giai đoạn 2011 – 2015, đồng thời xây dựng kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nên tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn từ đầu năm đến nay chưa đạt được như kỳ vọng.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính cho biết: “Quy định cấm là cấm đầu tư mới, còn những đầu tư ngoài ngành trước đây thì sẽ phải thoái vốn, cái đó sẽ giảm dần. Cuối năm 2015 còn hơn 17.000 tỷ đồng và 8.000 tỷ đồng đầu tư tăng thêm. Hiện nay vẫn đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành. Cho đến nay cũng đã giảm dần nhưng hiện còn nhiều doanh nghiệp khó khăn. Thực tế thoái những khoản mà kinh doanh không hiệu quả và thua lỗ thì rất khó trong bối cảnh thị trường hiện nay vì nó gắn liền với nợ xấu ngân hàng, bất động sản”.
Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải tiếp tục thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn nhà nước ở doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước và theo lộ trình hợp lý, bảo đảm hiệu quả kinh tế cao nhất.
Đối với những trường hợp đầu tư ngoài ngành đang thua lỗ, khẩn trương có phương án thoái vốn để cắt lỗ, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Các chuyên gia cho rằng, mặc dù chủ trương thoái vốn ngoài ngành là rất quyết liệt, nhưng tại không ít tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn “đủng đỉnh” dậm châm tại chỗ, những trường hợp này cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh, thì mới đẩy nhanh tốc độ thoái vốn ngoài ngành tại các doanh nghiệp nhà nước./.
VOV