Doanh nghiệp Nhật, Mỹ quan tâm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam
Các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm đến Việt Nam, tin tưởng đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng thời gian tới. Doanh nghiệp Mỹ đề xuất Việt Nam sớm mở cửa lại để có điều kiện tiếp cận các đối tác và thị trường Việt Nam.
- 04-06-2020Hà Nội: Kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh có doanh thu lớn
- 03-06-2020Vingroup và DOJI nằm trong Top 750 doanh nghiệp gia đình lớn nhất thế giới
- 01-06-2020Hà Nội đề xuất dùng tiền cổ phần hóa doanh nghiệp làm đường sắt đô thị
Đến chào Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chiều 4-6 nhân dịp bắt đầu nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio chia sẻ các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm đến Việt Nam, bày tỏ tin tưởng đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng thời gian tới.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio (trái) đến chào Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh - Ảnh: Bộ Ngoại giao
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, lâu dài, đề nghị Đại sứ Yamada khuyến khích, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tích cực mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đồng ý hai bên cần tích cực trao đổi về việc từng bước tái khởi động việc đi lại giữa hai nước trên cơ sở bảo đảm các biện pháp phòng dịch, tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.
Đại sứ Yamada nhận xét Việt Nam là quốc gia thành công nhất trong kiểm soát dịch Covid-19; bày tỏ cảm ơn Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản thời gian qua cũng như tạo điều kiện để các nhà quản lý, chuyên gia của doanh nghiệp Nhật Bản quay lại Việt Nam làm việc. Đại sứ Yamada khẳng định Chính phủ Nhật Bản luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam, sẵn sàng tiếp tục tích cực hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, trong bối cảnh Việt Nam đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Đại sứ I-a-ma-đa chia sẻ các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm đến Việt Nam, bày tỏ tin tưởng đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng thời gian tới.
Ngày 3-6 (giờ địa phương), tại Washington D.C. (Mỹ), Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cùng Đại sứ Philippines Jose Manuel Romualdez đã tham dự buổi trao đổi trực tuyến do Trung tâm quốc tế Meridian tổ chức với chủ đề "Ứng phó của ASEAN trong giai đoạn phục hồi kinh tế hậu Covid-19".
Buổi trao đổi trực tuyến - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam
Buổi trao đổi có sự tham dự của đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ, một số Đại sứ quán và đại diện cấp cao 2 hiệp hội doanh nghiệp lớn của Mỹ (USABC và USCC), đại diện hơn 30 công ty trong nhiều lĩnh vực như dinh dưỡng và y tế (Abbott, Mead Johnson), thực phẩm và nông nghiệp (Cargill), đồ uống (PepsiCo), công nghệ (Dell Technologies, 3M), năng lượng (ExxonMobil, GenX, Emerson Electrics), bảo hiểm (Sahouri), luật (Squire Patton Boggs, L&L…).
Đại sứ Hà Kim Ngọc thông báo để đón dòng vốn chuyển dịch đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu, vừa qua Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó các doanh nghiệp Mỹ. Đại sứ bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Mỹ với tiềm năng lớn về công nghệ, chuyên môn và vốn sẽ tiếp tục chọn Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn và an toàn cho các hoạt động kinh doanh và chuyển dịch nguồn cung. Đại sứ cho rằng ngoài hợp tác y tế và sản xuất vắc-xin, còn nhiều lĩnh vực nhiều tiềm năng như thương mại kĩ thuật số, cơ sở hạ tầng và năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo. Đây đều là những lĩnh vực mà doanh nghiệp Mỹ có lợi thế trong hợp tác và đầu tư với Việt Nam.
Đại diện các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục bày tỏ quan tâm cao đến Việt Nam, chúc mừng thành công của Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh, đồng thời đánh giá cao các chính sách mở cửa và phục hồi kinh tế. Các doanh nghiệp Mỹ bày tỏ mong muốn ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp tục duy trì chuỗi cung ứng, nhất là các sản phẩm, thiết bị y tế, đồng thời đề xuất Việt Nam sớm mở cửa lại để các doanh nghiệp Mỹ có điều kiện tiếp cận các đối tác và thị trường Việt Nam.
Trung tâm quốc tế Meridian được thành lập từ năm 1960, là một tổ chức phi lợi nhuận có uy tín của Mỹ và là đối tác của Bộ Ngoại giao cũng như nhiều cơ quan chính phủ của Mỹ trong tổ chức các hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác giữa Mỹ với các nước.
Trước đó, gặp Đại sứ Hà Kim Ngọc ngày 2-6, ông Adam Boehler, Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Mỹ (DFC) cho biết là cơ quan tài chính phát triển của Chính phủ Mỹ, DFC đang triển khai một loạt các kế hoạch nhằm hỗ trợ các dự án đầu tư tại các nước đang phát triển, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng, hạ tầng và kinh tế số. Tại khu vực, DFC quan tâm hỗ trợ các dự án phát triển tại khu vực tiểu vùng Mê Kông, cũng như các dự án sản xuất các sản phẩm chiến lược trong chuỗi cung ứng của Mỹ. Trong định hướng đó, DFC luôn coi trọng và xác định Việt Nam là một đối tác ưu tiên trong các dự án hợp tác của Mỹ.
Người lao động