MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp nhỏ vẫn khó tìm vốn

04-08-2018 - 11:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Chỉ riêng tại TP HCM, trong những tháng cuối năm 2018, dư địa cho vay còn khoảng 190.000 tỉ đồng nên các ngân hàng khẳng định không thiếu vốn cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết trong nửa đầu năm 2018, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP đạt 7,5%. Tổng dư nợ tín dụng của TP hiện ở mức 1,9 triệu tỉ đồng. Nếu so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 17,5% thì những tháng cuối năm, các NH thương mại có thể cho vay thêm 190.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa cho biết vẫn "đói" vốn, chưa một lần tiếp cận được vốn vay.

Thủ tục vay phức tạp

Với dư địa này, ngành NH không thiếu vốn cho tất cả hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN trên địa bàn, dù nhu cầu vốn của DN những tháng cuối năm rất lớn, đặc biệt là khi cơ chế tín dụng đang tiếp tục ưu tiên cho các lĩnh vực như xuất khẩu, nông nghiệp - nông thôn, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ…

Vốn không thiếu nhưng thực tế không phải DN nào cũng tiếp cận được. Ông Đoàn Quang Xuân, một doanh nhân đang làm chủ 3 DN trong lĩnh vực dịch vụ bảo vệ, cà phê và bất động sản, trong đó công ty dịch vụ bảo vệ có khoảng 1.000 nhân viên nhưng chưa một lần tiếp cận được vốn NH vì quy mô DN siêu nhỏ, lại làm dịch vụ.

Doanh nghiệp nhỏ vẫn khó tìm vốn - Ảnh 1.

Bài toán khó vay vốn ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đến nay vẫn chưa có lời giải Ảnh: Tấn thạnh

"DN siêu nhỏ như chúng tôi rất khó tiếp cận vì thủ tục vay rất phức tạp, trong khi không chứng minh được tài chính, không có báo cáo tài chính. Muốn tiếp cận thông qua các phòng thương mại, kinh tế quận - huyện để làm thủ tục vay cũng không dễ nên chúng tôi vẫn cứ loay hoay" - ông Xuân giải thích.

Ông Đỗ Thế Nguyên Vũ, nhà sáng lập Vietnam Farm - một hệ sinh thái kết nối nông dân sản xuất sản phẩm sạch đến với thị trường, 3 năm nay vẫn tìm kiếm giải pháp để vay được vốn NH nhưng chưa thành công. Theo ông Vũ, mô hình của DN đang triển khai là lập một "mạng xã hội" cho nông dân, giúp họ kết nối thực phẩm sạch, sản xuất đồng nhất để bán ra các kênh siêu thị, hướng tới cả xuất khẩu. DN kiểm soát toàn bộ quy trình từ giống, sản xuất, áp dụng cả công nghệ… "Nông dân không có vốn và DN như chúng tôi không đủ vốn để cấp cho họ. Liệu có giải pháp nào hỗ trợ DN dùng bằng sáng chế, công nghệ làm tài sản thế chấp cho khoản vay, như tài sản hình thành trong tương lai?" - ông Vũ băn khoăn.

Một số DN nhỏ, siêu nhỏ khác đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sạch cũng cho biết chưa thể tiếp cận một đồng vốn NH, dù làm ăn rất uy tín, chưa từng thiếu nợ đối tác nào. Theo ông Lê Trọng Kha, Giám đốc Công ty Lê Kha Mart, ông đang xây dựng dự án cung cấp sản phẩm nông sản sạch cho thị trường, sản xuất trên quy mô 100 ha tại Đồng Nai. Chuỗi sản xuất này có nông dân tham gia, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và DN nhưng chưa thể vay vốn vì không có tài sản thế chấp và chưa có lịch sử tín dụng tốt do chưa từng vay tổ chức tín dụng nào…

Ngân hàng bảo dễ

Cần vốn là vậy nhưng theo các chuyên gia, nhiều chủ DN nhỏ ngần ngại vay NH, thậm chí không tiếp cận được vốn, vì cho rằng thủ tục phức tạp. Một số DN nhỏ khác không hiểu rõ quản lý tài chính nên thiếu các hoạch định kế hoạch tài chính ngắn hạn, dài hạn. Hiện tượng 2 sổ sách kế toán nhằm giảm mức thuế phải đóng cũng khiến NH ngần ngại cho vay. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, rất nhiều DN nhỏ và vừa hiện vẫn giữ hình thức 2 sổ sách kế toán.

Bà Hà Bích Phượng, Phó Giám đốc khách hàng DN - NH TMCP Sài Gòn (SCB), cho rằng thủ tục vay vốn hiện đã đơn giản hơn rất nhiều so với những năm trước. Mức lãi suất vay dành cho DN nhỏ tại SCB cũng chỉ khoảng 6,5%/năm cho khách hàng trong lĩnh vực ưu tiên, còn với DN thông thường khoảng 8%/năm. DN có thể được vay tới 90% nhu cầu vốn. DN nhỏ và vừa cũng được tư vấn để làm hồ sơ, tư vấn cả cách thức quản lý nguồn vốn sao cho hiệu quả. Bởi theo các chuyên gia, điều DN nhỏ cần cải thiện nếu muốn tiếp cận vốn NH là kiểm soát được dòng tiền, bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, tiếp thị và bán hàng… Chưa kể, chỉ tính riêng tại TP HCM, có rất nhiều chương trình hỗ trợ, đồng hành với DN, nhiều khoản vay vốn được ưu đãi lãi suất trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ.

Nhưng thực tế, theo ông Đỗ Tấn Trúc, Trưởng Phòng Hỗ trợ DN nhỏ và vừa - Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa TP HCM, nhiều DN không biết rõ chương trình này nên vẫn không tiếp cận được nguồn vốn. "Các NH đều triển khai cho vay tín chấp nhưng muốn tín chấp thì phải có giao dịch với NH. Chưa từng đi vay vốn, không có lịch sử tín dụng, làm sao NH đánh giá được uy tín hay không? Hoặc một số DN kết hợp với nông dân sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, nếu bán vào siêu thị hoặc xuất khẩu sẽ chứng minh được doanh thu nhưng nếu bán ra chợ thì làm sao NH kiểm soát được dòng tiền?" - ông Trúc đặt vấn đề.

Nhìn nhận thực tế nhiều DN nhỏ đang bị NH "bỏ quên", ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc NH HSBC Việt Nam, cho biết không riêng gì ở Việt Nam, tình trạng này cũng đang xảy ra ở nhiều nước. Dù có rất nhiều quỹ hỗ trợ, bảo lãnh tín dụng, các hiệp hội, hợp tác xã… nhưng việc kết nối, bảo lãnh cho DN nhỏ, siêu nhỏ tiếp cận vốn vay NH vẫn còn nhiều nút thắt.

Mạng lưới hỗ trợ chưa hiệu quả

Ông Phạm Hồng Hải cho biết mạng lưới hỗ trợ khu vực DN nhỏ, siêu nhỏ ở một số nước rất rõ ràng. Họ hỗ trợ không chỉ là vốn mà còn là thông tin - tất cả thông tin về thị trường, đối tác, cơ hội kinh doanh, ngành hàng…, thay vì DN phải tự tìm hiểu. Tinh thần hỗ trợ DN nhỏ cũng rất tốt.

Trong khi đó, ở Việt Nam đang thiếu sự kết nối giữa các quỹ bảo lãnh, hỗ trợ vì họ hoạt động với tinh thần sợ mất vốn, cơ chế xin - cho, còn NH thương mại không mặn mà cho vay cũng vì sợ rủi ro. Do đó, cần cơ chế để NH thương mại trực tiếp xem xét rủi ro dự án của DN có nhu cầu vay; còn các quỹ bảo lãnh, hỗ trợ tín dụng sẽ đứng ở phía sau để kết nối và bảo lãnh những DN này.

Theo Thái Phương

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên