Doanh nghiệp nông sản: Chật vật ứng phó với nắng hạn
Mất thêm kinh phí đầu tư hệ thống tưới, sản lượng XK sụt giảm, lợi nhuận đi xuống,… là những khó khăn mà không ít DN sản xuất, kinh doanh hàng nông sản đã và đang phải đối mặt.
- 27-04-2016Lo cây trái mất năng suất vì nắng hạn
- 14-04-2016Nắng hạn bò ăn rác, chết hàng trăm con
- 13-04-2016Giá nước sinh hoạt vùng ven biển tăng nhanh do nắng hạn
Tứ bề thua thiệt
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương: Do ảnh hưởng của El Nino, năm nay nhiệt độ trung bình ở các tỉnh ĐBSCL cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,1 - 1,5oC, nắng nóng xuất hiện sớm.
Lượng mưa phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30-50%, một số nơi thiếu hụt lên tới 80%, bên cạnh đó xuất hiện khô hạn gay gắt ngay trong nửa đầu năm 2016.
Mùa khô năm 2015 - 2016, do thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ hàng năm (sớm hơn 2 tháng), khả năng kết thúc muộn hơn khoảng 1 tháng. Độ mặn dự báo sẽ tiếp tục tăng cao và kéo dài đến tháng 6.
Nói về hạn hán khiến cây trồng khô khát, cà phê có lẽ là một trong những cái tên được điểm danh đầu tiên. Trên vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió, nhiều năm qua cây cà phê đã đem lại không ít công ăn việc làm, thu nhập rủng rỉnh cho cả người dân lẫn DN, tuy nhiên hạn hán năm nay khiến tình hình khá ảm đạm.
Khi trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Kiết (huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) không giấu nổi sự lo lắng, bởi nắng nóng kéo dài khiến cà phê bị héo lá, hạt nhỏ, làm giảm đáng kể năng suất. “HTX hiện đang quản lý trên 400 ha cà phê. Thông thường, tổng lượng cà phê thu được khoảng 1.600-1.700 tấn/năm. Với tình hình hạn hán năm nay, năng suất cà phê dự kiến giảm 20-25%, thậm chí nắng nóng tiếp tục kéo dài con số này có thể lên tới 50%”, ông Phúc nhấn mạnh.
Thông thường, HTX sẽ thu mua cà phê của các xã viên và bán lại cho một DN chuyên XK cà phê. Về mặt giá cả, năm nay nhìn chung giá thu mua cà phê khoảng 33.000-34.000 đồng/kg cà phê nhân xô là cao hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do chi phí đội lên khiến mức giá bán ra này không có lãi, dẫn tới tình trạng người dân “găm” hàng chờ giá lên. Điều này đẩy HTX vào tình trạng khó khăn khi không có hàng để bán cho DN. Người dân thì hy vọng giá bán có thể tăng lên mức có lãi là khoảng 37.000-38.000 đồng/kg, tuy nhiên, HTX dù muốn cũng không thể tăng giá mua lên bởi phụ thuộc vào giá mua hàng của DN XK. “Năm trước, HTX đã bị thua lỗ. Những tháng đầu năm nay, do hạn hán kéo dài HTX cũng chỉ đang hoạt động cầm chừng”, ông Phúc bộc bạch.
Bên cạnh cà phê, cao su cũng là mặt hàng điển hình cùng chịu chung cảnh thiêu đốt do nắng hạn. Công ty TNHH Hưng Thịnh là DN nhiều năm hoạt động ở lĩnh vực chế biến, XK cao su với các thị trường XK chính gồm Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ… Ông Nguyễn Quang Hợp, Giám đốc Công ty cho hay, vì nắng nóng nên giá XK cao su đang tăng khá cao, khoảng 100-200 USD/tấn so với cuối năm trước. Cụ thể, giá cao su hiện ở mức 1.500 USD/tấn. Dù giá XK tăng lên, song trong câu chuyện với phóng viên Báo Hải quan, ông Hợp vẫn phải ngậm ngùi chia sẻ, nắng nóng triền miên như hiện tại sẽ làm giảm sút sản lượng XK cũng như lợi nhuận của DN. “Những năm trước, DN XK khoảng 15.000-16.000 tấn/năm thì năm nay khó có thể giữ vững con số đó. Cũng do thời tiết nắng nóng, chưa biết lượng mủ cao su thu mua được sẽ như thế nào nên DN đã phải tính toán cầm chừng hơn trong kinh doanh, chỉ dám ký những hợp đồng giao hàng xa tới tận tháng 6 mới giao hàng, đồng thời DN cũng chỉ ký kết số lượng đơn hàng dè dặt”, ông Hợp cho biết.
Tương tự cao su, ngành điều cũng đang rơi vào cảnh năng suất giảm mạnh do hạn hán kéo dài. “Bài toán” thiếu nguyên liệu đặt ra cho ngành điều vốn đã khó giải quyết, nay càng trở nên chật vật hơn. Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), hiện nay các nhà máy chế biến hạt điều XK chỉ hoạt động được 50% công suất và dự kiến những tháng tiếp theo sẽ thiếu nguyên liệu trầm trọng. Khó khăn về nguồn nguyên liệu chế biến hạt điều càng nhân lên gấp bội trong bối cảnh việc NK hạt điều thô từ Bờ Biển Ngà và một số nước châu Phi khác đang gặp trở ngại khi nhiều hợp đồng dù đã ký kết mà đối tác lại không chịu giao hàng, đòi tăng giá bán.
Lấy ngắn nuôi dài
Ngoài cà phê, cao su, hạt điều, sẽ là thiếu sót nếu không kể tới cây mía trong đợt ứng phó với hạn hán kỷ lục năm nay. Công ty TNHH Hưng Thịnh mới “bén duyên” với cây mía không lâu. Tại Tây Ninh, hiện nay DN có 1.500 ha mía. Sản phẩm mía thu hoạch chủ yếu được bán lại cho các nhà máy sản xuất đường. Ông Nguyễn Quang Hợp lo lắng: Nắng nóng kỷ lục năm nay đã khiến DN phải “móc hầu bao” đầu tư khoảng 40-50 tỷ đồng hệ thống tưới với trạm bơm, đường ống đầy đủ để đảm bảo tưới cho khoảng 600 ha mía. Dự kiến, với tình hình El Nino còn kéo dài, trong mùa khô năm tới DN sẽ đầu tư thêm khoảng 20-30 tỷ đồng nữa để đảm bảo vận hành đầy đủ hệ thống tưới cho toàn bộ 1.500 ha mía. Đương nhiên, với mức đầu tư để ứng phó với hạn hán lớn như vậy, doanh thu từ cây mía trong năm nay sẽ chẳng đủ bù đắp số tiền đã đầu tư.
Tuy nhiên, ông Hợp phân tích, mạnh tay đầu tư vào hệ thống tưới là hướng đi khả quan mà DN đã tính toán kỹ lưỡng để không chỉ ứng phó đợt hạn hán trước mắt mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững lâu dài. “Khi có đầy đủ nước tưới, năng suất cũng như chất lượng mía sẽ tăng lên. Cụ thể, năng suất mía được tưới đủ đầy sẽ tăng khoảng 30 tấn/ha. Với 600 ha được đầu tư hệ thống tưới, tổng năng suất tăng thêm là 18.000 tấn. Với mức giá hiện tại, DN thu thêm 18 tỷ đồng từ 18.000 tấn mía. Như vậy, DN sẽ chỉ mất 3 năm để hoàn vốn đầu tư thủy lợi ban đầu. Thực tế, DN đã có sự chủ động tính toán từ lâu nhưng phải đợi đến khi đủ điều kiện mới làm. Đặc biệt, trong bối cảnh nắng nóng hạn hán triền miên hiện tại, điều này càng cần phải thực hiện nhanh chóng”, ông Hợp nhấn mạnh.
Cũng xác định tinh thần phải chủ động tìm cách ứng phó với sự biến đổi khí hậu, cụ thể ở đây là tình trạng hán hạn, theo ông Phúc, thời gian qua các hộ trồng cà phê đã phải bỏ ra số tiền đáng kể để đầu tư máy móc, thiết bị tưới. Đối với các hộ dân đã có giếng, để cơi nới mở rộng thêm phải đầu tư khoảng 30-40 triệu đồng/giếng, còn những hộ dân chưa có giếng muốn đào mới số tiền phải bỏ ra lên tới 55-60 triệu đồng/giếng. "Chi phí đầu tư để chống hạn cho cà phê cũng làm đội thêm tổng chi phí đầu tư chăm sóc đáng kể. Nếu như những năm trước, chi phí bỏ ra để đầu tư chăm sóc 1 ha cà phê khoảng trên 120 triệu đồng thì năm nay con số này khoảng 150 triệu đồng/ha", ông Phúc nói.
Bên cạnh sự nỗ lực của riêng từng hộ dân trồng cà phê, ngay trong những tháng đầu năm nay, HTX cũng đã hỗ trợ thêm cho các hộ dân 200 đồng/kg cân cà phê tươi. Dự kiến thời gian tới, việc hỗ trợ bà con, đảm bảo nguồn cung ổn định cho HTX cũng sẽ được bàn thảo kỹ lưỡng hơn.
DN rất muốn chủ động đầu tư hệ thống tưới hiện đại để có thể nâng cao năng suất, hiệu quả kinh doanh, tuy nhiên tiềm lực kinh tế có hạn khiến DN "lực bất tòng tâm". Trên thực tế, ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung, với tình trạng hán hán nói riêng không phải là câu chuyện riêng mà bản thân DN cố gắng, nỗ lực là được nên DN rất mong thời gian tới sẽ có sự đồng hành, hỗ trợ sát sao hơn nữa từ phía cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo Bộ NN&PTNT: Tính riêng khu vực Tây Nguyên, ở vụ Đông Xuân năm 2015-2016, tổng diện tích phải dừng sản xuất do hạn hán là 2.865 ha (Gia Lai 2.650 ha, Đắk Nông 215 ha). Dự kiến, trong thời gian tới, diện tích bị hạn hán, thiếu nước gần 150.000 ha (Đắk Lắk 70.000 ha, Lâm Đồng 45.000 ha, Đắk Nông 22.000 ha, Kon Tum 5.000 ha,...); trong đó, riêng cây cà phê bị hạn khoảng 100.000 ha.
Còn tại khu vực Nam Trung Bộ: Do lượng nước của các hồ chứa bị thiếu hụt, một số tỉnh đã bị ảnh hưởng của hạn hán ngay từ vụ Đông Xuân 2015-2016. Hiện nay, đã có gần 23.000 ha đất lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước gồm: Khánh Hòa 1.800 ha, Ninh Thuận 5.770 ha (chiếm khoảng 30% diện tích canh tác trong điều kiện không bị hạn hán), Bình Thuận 15.400 ha (chiếm 45% diện tích canh tác), trong thời gian tới sẽ có khoảng 3.000 ha lúa và cây lâu năm ở tỉnh Bình Thuận bị thiếu nước.
Hạn hán sẽ tiếp tục kéo dài đến vụ Hè Thu 2016, dự kiến ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ có khoảng 40.000 ha đất lúa phải dừng sản xuất (Khánh Hòa 10.000 ha, Ninh Thuận 10.000 ha, Bình Thuận 20.000 ha).
Báo hải quan