MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn và chuyện thâm nhập thị trường phân phối xăng dầu trong nước

Trạm bán lẻ xăng dầu 100% vốn nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam và Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đều được hoàn thành trong năm 2017. Tham gia trong cả 2 dự án này có những cái tên quen thuộc: Idemitsu Kosan Co.,Ltd và Kuwait Petroleum Europe B.V.

Vừa đầu tư vào lọc hóa dầu, vừa xây dựng trạm xăng

Cuối năm 2017, trạm bán lẻ xăng dầu 100% vốn nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam đã được khai trương. Công ty sở hữu trạm là Công ty Idemitsu Q8 – liên doanh giữa Idemitsu Kosan Co., Ltd và Kuwait Petrolium Europe B.V.

Ngay sau lễ khai trương, trạm xăng dầu Idemitsu Q8 được nhiều khách hàng gọi là "cây xăng cúi chào". Hình ảnh ông Giám đốc cúi chào người mua xăng là thái độ phục vụ mới lạ, tạo nên ấn tượng đặc biệt đối với xã hội. Tuy nhiên, đó không phải là lời chào đầu tiên của những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài này đối với thị trường xăng dầu Việt Nam.

Từ năm 2008, Idemitsu Kosan Co., Ltd và Kuwait Petrolium Europe B.V đã cùng với 2 doanh nghiệp nữa thành lập liên doanh đầu tư Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Công ty TNHH Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn được thành lập bởi sự góp vốn của các đơn vị: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (25,1% vốn), Kuwait Petroleum Europe B.V (35,1%), Idemitsui Kosan Co., Ltd (35,1%) và Công ty Hóa chất Mitsui (4,7%). 5 năm sau (2013), các bên liên doanh đã chính thức khởi công Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm và sẽ là nhà máy lọc hóa dầu lớn nhất nước.

Từng bước tham gia thị trường bán lẻ xăng dầu

Mặc dù hai nhà đầu tư đều tham gia vào dự án lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam nhưng những lít xăng dầu đầu tiên được bán ra ở trạm xăng 100% vốn nước ngoài lại được cung cấp bởi Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil). Thời điểm đó, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa khởi động sản xuất và Công ty Công ty Idemitsu Q8 đã ký hợp đồng làm đại lý phân phối sản phẩm xăng dầu của PVOil.

Về mặt pháp lý, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được trực tiếp nhập khẩu và phân phối bán lẻ xăng dầu. Nghị định 83 của Chính phủ ban hành ngày 03/9/2014 chưa đề cập đến việc cho phép thương nhân nước ngoài phân phối, bán lẻ xăng dầu. Trước đó, Thông tư 34 của Bộ Công Thương ban hành ngày 24/12/2013 đã đưa xăng dầu vào danh mục hàng hóa mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện quyền nhập khẩu.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại giai đoạn đàm phán, gia nhập WTO cho rằng, việc đầu tư Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn còn mang đến những lợi ích khác cho các doanh nghiệp. Khi tham gia WTO và các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường xăng dầu. Nhưng việc đầu tư vào một nhà máy lọc dầu có thể giúp họ thâm nhập vào khâu phân phối loại nhiên liệu này.

"Những nhà đầu tư vào lọc hóa dầu, họ có quyền thiết lập mạng lưới phân phối của họ tại thị trường Việt Nam. Nghi Sơn có quyền tổ chức mạng lưới phân phối xăng dầu tại Việt Nam. Hoặc, nay mai có nhà máy lọc dầu do doanh nghiệp nước ngoài đầu tư thì họ có quyền thiết lập mạng lưới kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam. Điều này hơi ngược với cam kết, nhưng chúng ta buộc phải chấp nhận. Bởi có như vậy, người ta mới có thể đầu tư vào lọc dầu - cái mà chúng ta đang cần" – ông Trương Đình Tuyển khẳng định.

Thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ và các văn bản liên quan của Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn ký kết ngày 15/01/2013 nêu rõ, trong 10 năm sau ngày vận hành thương mại, đối với các công ty nước ngoài, chỉ những công ty nước ngoài đầu tư vào nhà máy lọc dầu tại Việt Nam mới có quyền phân phối (bán buôn, bán lẻ) các sản phẩm dầu khí (ngoại trừ LPG) tại Việt Nam.

Như vậy, việc Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn sản xuất được sản phẩm thương mại đầu tiên cũng giúp Idemitsu Kosan Co., Ltd và Kuwait Petrolium Europe B.V tham gia sâu hơn nữa vào thị trường xăng dầu Việt Nam. Theo Công ty TNHH Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, các sản phẩm được chế biến từ dầu thô nhập khẩu ở Kuwait. Doanh nghiệp Kuwait cũng đã xây dựng 150 trạm nhiên liệu tại Việt Nam và dự kiến tăng lên con số 300 trong thời gian tới.

Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn và chuyện thâm nhập thị trường phân phối xăng dầu trong nước - Ảnh 1.

Trạm bán lẻ xăng dầu Idemitsu Q8 tại khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội).

Đối với việc xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ, Idemitsu Q8 đã cân nhắc mở các trạm xăng dầu ở các tuyến quốc lộ. Tính cạnh tranh trên thị trường phân phối bán lẻ xăng dầu cũng tăng lên khi có sự "cúi chào" của doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng những doanh nghiệp như Idemitsu Q8 vẫn khó có thể nhanh chóng mở rộng mạng lưới trong thành phố, vì quỹ đất tại đây không còn nhiều vị trí đáp ứng đủ điều kiện xây dựng trạm bán lẻ xăng dầu.

DQ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên