Doanh nghiệp ô tô 'vượt ải' Nghị định 116
Việc đầu tư mở rộng đường thử mới đáp ứng yêu cầu Nghị định 116 khiến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tốn kém thêm nhiều chi phí.
- 07-06-2019Trình Thủ tướng Chính phủ Nghị định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trước ngày 15/6
- 03-06-2019Nội địa hóa, ô tô Việt vẫn thua xa láng giềng gần
- 01-06-2019Ô tô Việt đại hạ giá, thời điểm lý tưởng xuống tiền rước xế
Nghị định 116/2017/NĐ-CP (Nghị định 116) quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu (NK) và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô có hiệu lực từ đầu năm 2018. Theo yêu cầu của Nghị định này, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ phải có đường thử xe với chiều dài tối thiểu 800m, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
Đây là quy định bắt buộc, khiến nhiều DN sản xuất lắp ráp ô tô vốn đã hoạt động từ lâu tại Việt Nam khó đáp ứng.
Một điều kiện bắt buộc nữa là phải có dây chuyền sơn đạt tiêu chuẩn. Để đầu tư dây chuyền này tốn hơn 100 tỷ đồng, nhiều DN nhỏ không có tiền đầu tư, hoặc đầu tư xong cũng khiến giá xe đội lên.
Sau khi Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và các doanh nghiệp “kêu cứu”, Chính phủ và các bộ ngành liên quan đã cho kéo dài thời gian đến tháng 4/2019 để các DN có phương án mở rộng đường thử hoặc hợp tác liên kết với các DN khác.
Đơn cử, Cty Toyota Việt Nam (TMV), Tổng công ty cơ khí GTVT Sài Gòn (SAMCO) kiến nghị cần cho thêm thời gian thực hiện vì vướng mắc trong giải phóng mặt bằng theo quy định đền bù mới.
Bên cạnh đó, nhiều hãng xe như Hino, GM Việt Nam, Mitsubishi Việt Nam và Isuzu Việt Nam cho hay, quỹ đất của hãng hiện nay không còn để mở rộng đầu tư.
Một đại gia ô tô khác là liên doanh Ford Việt Nam vừa cho biết, sau hơn 1,5 năm chuẩn bị và triển khai, hôm 5/6, liên doanh này đã chính thức đưa đường thử xe mới vào hoạt động theo đạt tiêu chuẩn Ford Toàn cầu, đồng thời thiết kế và thông số của đường thử này cũng đáp ứng các tiêu chí mà Chính phủ đã đề ra trong Nghị định 116.
Theo ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam, tất cả các dòng xe được sản xuất và lắp ráp tại nhà máy Ford Hải Dương trước khi xuất xưởng sẽ được chúng tôi kiểm tra nghiêm ngặt trên đường chạy thử mới để thẩm định và đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật trước khi tới tay người tiêu dùng.
Các nghiên cứu của Ford cho thấy, với đường thử mới, ngoài kiểm tra được khả năng vận hành, các tính năng an toàn của xe, các kỹ thuật viên còn có thể phát hiện các tiếng ồn (Squeak and Rattle) phát ra trong quá trình xe vận hành, đặc biệt là khi chạy qua các đoạn đường gây vặn xoắn thân xe, khiến các vật liệu và chi tiết trên xe ma sát với nhau.
Đại diện VAMA cũng cho hay, đến nay, cơ bản các liên doanh đã và đang hoàn thiện, đưa vào sử dụng đường thử mới đáp ứng Nghị định 116. Đơn cử như Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam cũng đầu tư mở rộng đường thử từ đường thử cũ tại nhà máy Toyota ở Vĩnh Phúc.
Trước đó, thống kê từ VAMA, toàn bộ thành viên trực thuộc đã bán được tổng cộng 21.021 chiếc trong tháng 4/2019, giảm 35% so với tháng trước và giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng xe xuất ra của các hãng cũng giảm mạnh khi sản lượng xe lắp ráp trong nước đạt 14.047 chiếc, giảm 29% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 6.947 chiếc, giảm 44% so với tháng trước.
Tiền phong