MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp phân phối ô tô thu lợi nhuận lớn nhờ nhu cầu xe sang tăng mạnh

22-05-2021 - 18:40 PM | Thị trường

Nhu cầu xe sang tăng mạnh bất chấp dịch bệnh (ảnh minh họa).

Nhu cầu xe sang tăng mạnh bất chấp dịch bệnh (ảnh minh họa).

Tại một số showroom Mercedes trong nước, do thiếu nguồn cung xe, khách hàng có thể phải trả cho nhà phân phối cao hơn 8%-10% giá niêm yết (trước đây trung bình là 3%- 6%) đối với một số mẫu xe.

Do việc thiếu nguồn cung chip kéo dài trên toàn cầu đã dẫn tới tình trạng thiếu xe tại Việt Nam, thực trạng này khiến cho các nhà phân phối được hưởng lợi khi tận dụng tình trạng khan hiếm để gia tăng lợi nhuận kiếm được trên mỗi xe. Trong khi đó, nhu cầu xe ô tô hạng sang đã tăng mạnh nhờ sự tích cực của thị trường ô tô trong nước cùng với nền so sánh thấp năm ngoái.

Đơn cử như Haxaco, nhà phân phối Mercedes-Benz tại Việt Nam công bố trong quý 1/2021, tổng doanh thu đạt 1,4 nghìn tỷ đồng (tăng 56% so với cùng kỳ) và lợi nhuận ròng hơn 55 tỷ đồng (tăng 17 lần so với cùng kỳ), với tổng sản lượng xe Mercedes đã bán trong quý ước tính tăng 45% so với cùng kỳ.

Nhu cầu xe Mercedes nói riêng và dòng xe hạng sang nói chung tiếp tục tăng mạnh theo đà hồi phục của thị trường ô tô Việt Nam, trong khi nhà phân phối kiếm lời nhiều hơn nhờ khả năng đàm phán giá cao hơn với khách hàng, trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung xe hạng sang trong nước.

Tại một số showroom Mercedes trong nước, do thiếu nguồn cung xe, khách hàng có thể phải trả cho nhà phân phối cao hơn 8%-10% giá niêm yết (trước đây trung bình là 3%- 6%) đối với một số mẫu xe. Thậm chí, thời gian bàn giao xe cũng kéo dài hơn từ 4 đến 10 tháng.

Theo các nhà cung cấp chip lớn nhất thế giới (Samsung, Intel, TSMC), tình trạng khan hiếm chip có thể kéo dài từ 1 tới 2 năm, lâu hơn rất nhiều so với ước tính trước đó là chỉ từ 4 đến 6 tháng. Điều này là do nhu cầu chip cho thiết bị điện tử và ô tô liên tục tăng cùng với việc xây dựng các nhà máy mới bị trì hoãn vì nhiều lý do trong thời điểm dịch bệnh.

Ở phân khúc thấp hơn, hãng xe MG tiếp tục thâm nhập thị trường Việt Nam với chiết khấu cao cho các đại lý phân phối và đã bắt đầu ghi nhận kết quả bán hàng tích cực.

Theo Tổng cục Hải quan, tổng lượng xe nhập khẩu từ Trung Quốc tăng ở mức kỷ lục 480% so với cùng kỳ trong tháng 4/2021, trong đó thương hiệu BEIJING và MG có mức tăng trưởng cao nhất.

Riêng tại Haxaco, một nhà phân phối của xe MG, lượng xe phân phối từ 40-50 xe MG/tháng, chiếm đáng kể so với doanh số mảng cốt lõi của công ty là bán xe Mercedes (200-220 xe/ tháng).Haxaco cho biết, mảng phân phối xe MG đã bắt đầu hòa vốn về lợi nhuận chỉ sau 6 tháng đi vào hoạt động, thậm chí thiếu xe để bán trong quý 1/2021.

Để gia tăng sức hút với khách hàng, một số nhà phân phối đã thay đổi chính sách thu hút khách hàng bằng cách tiếp cận mới hơn. Trong đó, thay vì chiết khấu tiền mặt trực tiếp cho khách mua xe, một số nhà phân phối đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào dự án bất động sản nghỉ dưỡng nhằm cung cấp chương trình khuyến mãi/quà tặng nghỉ dưỡng cho khách hàng mua xe. Quà tặng thay thế này sẽ giảm chiết khấu tiền mặt trực tiếp cho khách, trong khi có thể có tiềm năng tăng giá trong dài hạn và sẽ là khoản đầu tư đáng kể nếu bất động sản tăng giá.

Dựa trên lượng khách hàng đăng ký và đặt cọc, nhu cầu mua xe của khách hàng đến thời điểm hiện tại đã tăng cao hơn so với quý 1/2021. Điều này cho thấy sự khởi sắc của thị trường bất chấp dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Trước đó VAMA công bố doanh số bán hàng quý 1/2021 tăng 32% so với cùng kỳ, lên 66.191 chiếc. Trong đó, doanh số xe du lịch đã có sự phục hồi mạnh khi tăng 34%, đạt 49.428 chiếc.

Động lực tăng trưởng đến từ các hãng xe Mitsubishi, VinFast, Mercedes-Benz, MG và Honda chủ động hỗ trợ phí trước bạ cho khách hàng sau khi chính sách hỗ trợ 50% phí trước bạ từ Chính phủ hết hiệu lực vào cuối năm 2020.

Theo thị phần, Thaco tiếp tục là công ty có thị phần lớn nhất với 37%, tăng thêm 1,5% so với năm 2020 nhờ doanh số bán xe KIA tăng trưởng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Tiếp sau là các thương hiệu đến từ Nhật Bản như Toyota, Honda, Mitsubishi.

Trong khi thị phần Mitsubishi được duy trì nhờ sự ưa chuộng của người mua với mẫu xe Mitsubishi Xpander thì Toyota đã đánh mất khoảng 4,7% thị phần do Toyota Vios dần đánh mất sự ưa thích của thị trường.

Còn Ford Việt Nam, nhà sản xuất “thống lĩnh” phân khúc xe bán tải - đứng ở vị trí thứ 5 với 8,9% thị phần trong quý 1.

Ford cũng vừa công bố doanh số bán lẻ tháng 4 tiếp tục tăng trưởng với 2.564 xe được giao tới tay khách hàng, đưa tổng số lượng xe bán ra cộng dồn từ đầu năm đến nay lên 8.478 xe - tăng gần 85% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ford Ranger tiếp tục giữ vững ngôi đầu bảng phân khúc bán tải với doanh số tháng 4 đạt 1.491 xe, chiếm 66% thị phần của phân khúc, đưa doanh số cộng dồn từ đầu năm tới nay lên tới 5.364 xe.


Theo Hiền Anh

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên