Doanh nghiệp quan tâm sản xuất "4 xanh"
Sau thời gian thực hiện "3 tại chỗ", phần lớn doanh nghiệp trông chờ có thêm phương án sản xuất - kinh doanh phù hợp hơn
- 19-08-2021Người dân thực sự nghĩ gì về Quỹ vaccine, mục tiêu kép, phát huy dân chủ... trong việc chống dịch?
- 18-08-2021TP. HCM cho phép 7 nhóm công trình được thi công trong thời gian giãn cách xã hội
- 18-08-2021Nikkei: Kế hoạch chậm lại, nhưng Apple vẫn kỳ vọng sẽ chuyển 20% sản lượng AirPods sang Việt Nam
Trong văn bản khẩn vừa ban hành về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch từ ngày 15-8 đến 15-9, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu 5%-10% doanh nghiệp (DN) tổ chức sản xuất trở lại trong điều kiện an toàn phòng chống dịch, đồng thời tạo điều kiện và hướng dẫn DN tổ chức sản xuất an toàn theo 1 trong 4 phương án.
Trong đó, "4 xanh" là phương án được nhiều DN lựa chọn nhất. DN tổ chức hoạt động theo phương án "4 xanh" gồm người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh.
Mong sớm có hướng dẫn cụ thể
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết đang chờ hướng dẫn của sở - ngành, chính quyền địa phương để bắt tay thực hiện phương án "4 xanh". "Anh em công nhân đã "cắm trại" hơn 1 tháng, nếu càng kéo dài càng rủi ro và nguy cơ mất lao động nên chúng tôi chờ có hướng dẫn là áp dụng ngay để giảm chi phí và giữ nguồn nhân lực" - ông Thiện bày tỏ. Theo ông Thiện, người lao động rất có ý thức phòng dịch, sợ bị lây nhiễm bệnh nên họ sẽ tuân thủ tốt các quy định, cam kết mới (nếu có). Ban giám đốc công ty cũng đã yêu cầu Công đoàn chuẩn bị phương án đi chợ giùm công nhân để công nhân hết giờ làm không phải lo đi chợ mà có sẵn rau củ, thịt cá… mang thẳng từ công ty về nhà.
Để duy trì sản xuất, Công ty Vĩnh Thành Đạt đã thực hiện “3 tại chỗ” hơn một tháng nay
Đánh giá "4 xanh" là hình thức quản lý tương đối phù hợp nhưng còn một số vấn đề cần phối hợp để triển khai, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) chỉ ra cần có kết nối với cơ quan nhà nước trong công tác sàng lọc, xét nghiệm Covid-19 cho người lao động để kết quả xét nghiệm được cơ quan quản lý ở địa phương chứng nhận; kết nối trong tích hợp quản lý cơ sở dữ liệu người lao động… Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký HAWA, chủ trương của TP là trao quyền cho chủ DN nhiều hơn trong lựa chọn phương án sản xuất an toàn, phù hợp thực tiễn đơn vị. "Trong tuần này, HAWA sẽ có báo cáo chi tiết tình hình của DN trong hội và các giải pháp duy trì sản xuất an toàn. Theo số liệu khảo sát cách đây 10 ngày, chỉ còn hơn 40% DN ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ hoạt động, công suất sản xuất đang giảm đáng kể trong khi đây là dịp giao hàng quan trọng cho thị trường cuối năm. Vì vậy, khả năng là DN vẫn ưu tiên các giải pháp an toàn trong bối cảnh F0 ngoài cộng đồng còn nhiều; kế đến là các giải pháp thay thế mang tính khả thi" - ông Phương chia sẻ.
Theo ông Phạm Thanh Trực - Phó Ban Quản lý KCX-KCN TP HCM (Hepza), Hepza từ 780 DN đăng ký "3 tại chỗ", nay chỉ còn khoảng 600 DN đáp ứng mô hình sản xuất này và quy mô ngày càng giảm. Dù vậy, các DN chưa áp dụng "3 tại chỗ" đang nộp hồ sơ đăng ký triển khai nhằm giải quyết đơn hàng gấp và giữ chân người lao động. Tuy nhiên, DN đang gặp khó vì theo Chỉ thị 16 là "ai ở đâu thì ở yên đó", việc tập kết người lao động từ nơi ở đến khách sạn hoặc nhà máy gặp khó. "Về giải pháp "4 xanh", chúng tôi cố gắng kết nối với các địa phương để người lao động từ vùng xanh đến nhà máy xanh. "4 xanh" là điều kiện sản xuất lý tưởng nhưng việc triển khai sẽ rất khó trong khi hiện mới chỉ có khái niệm "4 xanh" trong văn bản chỉ đạo của TP, DN rất cần hướng dẫn cụ thể để bắt tay thực hiện" - ông Trực nêu ý kiến.
Sẵn sàng khôi phục sản xuất
Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT) đang tính toán triển khai song song 2 phương án "3 tại chỗ" và "4 xanh". Theo đó, một mặt củng cố mô hình "3 tại chỗ" thêm một thời gian, mặt khác cho công nhân - lao động đăng ký về nhà và thực hiện các biện pháp kiểm soát để mở dần hoạt động. "Phương án là chia xưởng sản xuất lẫn nhà ăn làm đôi, kiểm soát chặt khu vực thực hiện "3 tại chỗ", khu vực áp dụng mô hình "4 xanh" thì triển khai dần" - ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc APT, nói.
APT đang đặt mục tiêu nâng tỉ lệ lao động tại công ty từ 30% hiện nay lên 50%, nếu đánh giá ổn sẽ nâng lên 70%-80% trong tháng 9 để "trả nợ" các đơn hàng.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jeans, Phó Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP HCM, cũng kỳ vọng nếu triển khai thành công "4 xanh" sẽ tăng lượng công nhân làm việc tại nhà máy lên gấp đôi so với mức khoảng 400 người như hiện nay. "Trước mắt, công ty sẽ cho công nhân nghỉ 3 ngày cuối tuần để thứ hai bắt đầu tổ chức sản xuất lại theo mô hình mới. Theo kế hoạch, công ty sẽ phân loại người lao động theo hình thức sinh hoạt: ở nhà riêng, ở chung gia đình, ở chung cư, ở trọ và sẽ có bộ phận đánh giá từng trường hợp, nếu không bảo đảm an toàn sẽ tiếp tục bố trí ở lại công ty, nếu an toàn sẽ được đi - về". Từ trước đợt bùng phát dịch lần thứ 4, công ty đã có đủ đơn hàng đến cuối năm nhưng hơn 1 tháng nay năng suất chỉ 20%-25%, giờ công ty phải khẩn trương triển khai "4 xanh", nếu để chậm nữa thì sẽ mất đơn hàng, mất khách" - ông Việt bày tỏ.
Theo Người lao động