Doanh nghiệp sản xuất giấy tăng trưởng lợi nhuận "đều như vắt chanh", EPS cao top đầu thị trường
Nhắc đến Giấy Việt Trì, nhà đầu tư không nhiều ấn tượng về thanh khoản cổ phiếu giao dịch trên sàn, mà ấn tượng về kết quả kinh doanh với EPS luôn thuộc TOP cao, về thị giá cổ phiếu và tỷ lệ chia cổ tức hàng năm.
Trên sàn chứng khoán, có khoảng hơn 10 doanh nghiệp sản xuất giấy mang những màu sắc cạnh tranh riêng biệt. Trong số đó, CTCP Giấy Việt Trì (UpCOM – GVT) là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu với quy mô doanh thu mỗi năm trên nghìn tỷ.
GVT tiền thân là Nhà máy Giấy Việt trì, bắt đầu đi vào hoạt động ngày 19/05/1961. Kể từ tháng 10/2008, Công ty chính thức đi vào hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần, VĐL ban đầu 47 tỷ đồng. Nhắc đến Giấy Việt Trì, nhà đầu tư không nhiều ấn tượng về thanh khoản cổ phiếu giao dịch trên sàn, mà ấn tượng về kết quả kinh doanh với EPS luôn thuộc TOP cao, về thị giá cổ phiếu và tỷ lệ chia cổ tức hàng năm.
Hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh và sản xuất giấy các loại, sản phẩm chủ yếu của gông ty hiện nay: Giấy Duplex coated, giấy Krafliner, giấy in viết, giấy bao gói xi măng, giấy sóng...
Sản phẩm của Giấy Việt Trì đã tạo được thương hiệu trên thị trường, được bạn hàng chấp thuận và đánh giá cao. Từ khi hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần, tốc độ tăng trưởng hàng năm khá cao, việc làm của người lao động ổn định, thu nhập khá, trả cổ tức hàng năm đều đặn ở mức cao.
Kết quả kinh doanh "gặp thời", EPS cao ngất ngưởng
Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2015 - 2020, Giấy Việt Trì ghi nhận doanh thu dao động trong khoảng 1.000-1.300 tỷ đồng, lợi nhuận tăng trưởng đều đặn từ vài chục tỷ cho tới hơn trăm tỷ đồng.
Năm 2021, thị trường giấy bao bì trong nước tiếp tục diễn biến theo hướng thuận lợi cho hoạt động SXKD của công ty. Tại thị trường nội địa các loại giấy bao bì chất lượng cao nhập khẩu thường xuyên không đủ nhu cầu bởi ảnh hưởng của hoạt động vận tải thương mại quốc tế. Trong khi đó khối lượng lớn sản phẩm giấy bao bì của các nhà sản xuất trong nước đã ưu tiên cho xuất khẩu, giảm sản lượng tiêu thụ nội địa đã tạo sức nóng cho thị trường trong nước.
Điều này đã phản ánh vào doanh thu và lợi nhuận Giấy Việt Trì ghi nhận kỷ lục năm 2021. Cụ thể, doanh thu thuần đem lại 1.989 tỷ đồng, tăng trưởng 46% so với năm trước đó. Trừ các chi phí phát sinh, lãi trước thuế đạt hơn 254 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ. EPS tăng từ 12.172 đồng năm 2020 lên 17.248 đồng năm 2021 – thuộc TOP các doanh nghiệp đạt chỉ số EPS cao trên thị trường chứng khoán.
Bước sang 2022, ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch năm với doanh thu 2.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 10 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 120 tỷ đồng, giảm 53% so với thực hiện năm 2021. Công ty lên kế hoạch thận trọng như vậy một phần do lo ngại về tình hình lạm phát trên thế giới dẫn đến chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.
Trong thời gian tới, công ty định hướng sản xuất các sản phẩm giấy bao bì cao cấp, từng bước nâng sản lượng giấy lên 200.000 tấn vào các năm tiếp theo.
Thị giá top trên sàn chứng khoán
Về cổ phiếu GVT, năm 2017, cái tên này chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM và mau chóng tăng mạnh qua từng năm. Cuối năm 2021, thị giá GVT có thời điểm lên sát 170.000 đồng/cp.
Sau giai đoạn đạt đỉnh, GVT giao dịch không mấy tích cực theo xu thế điều chỉnh của thị trường chung. Kết phiên 4/7, thị giá đạt 126.400 đồng/cp, giảm 26% so với đỉnh lịch sử. Ngoài ra, do cơ cấu cổ đông cô đặc nên dường như thanh khoản Giấy Việt Trì khá èo uột, nhiều phiên thậm chí không có giao dịch. Bởi vậy, chỉ cần 100 cổ phiếu được khớp lệnh cũng đủ làm thị giá biến động hàng chục nghìn đồng.
Chia cổ tức đều đặn
Không chỉ kinh doanh tăng trưởng, GVT cũng là doanh nghiệp thường xuyên chi trả cổ tức cao trong nhiều năm. Kể từ khi niêm yết, không năm nào công ty quên chi trả cổ tức cho cổ đông. Thông thường, công ty chi trả cổ tức bằng tiền mặt dao động với tỷ lệ 10%-35%/vốn điều lệ. Chỉ riêng năm 2020, Giấy Việt Trì trả cổ tức 2019 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 58% nhằm tăng vốn.
Với lợi nhuận kỷ lục năm 2021, GVT gây ấn tượng với kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt với tỷ lệ lên đến 39%/vốn điều lệ. Mới đây, công ty đã chốt danh sách với thời gian chi trả vào 30/6/2022.
Năm 2022, song song mục tiêu lợi nhuận "thận trọng", GVT đã thông qua kế hoạch chia cổ tức khiêm tốn hơn, tối thiểu 30%.
Nhịp sống kinh tế