Doanh nghiệp sản xuất giấy vệ sinh, vàng mã đặt mục tiêu lợi nhuận 2023 tăng gần 4 lần, thị giá cổ phiếu chỉ bằng "cốc trà đá"
Về sản lượng sản phẩm năm 2023, Hapaco đặt mục tiêu đạt 41,5 nghìn tấn, trong đó sản phẩm giấy đế là 26,7 nghìn, giấy Kraft là 13 nghìn và giấy Tissue là 1,8 nghìn tấn.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hapaco (mã HAP) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông năm 2023 với nhiều thông tin đáng chú ý.
Dù nhận định nền kinh tế còn nhiều thách thức, song Hapaco vẫn lạc quan đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 tăng trưởng khá mạnh. Tổng doanh thu mục tiêu 2023 là 724 tỷ đồng, tăng 16% so với mức thực hiện năm trước. Trong đó, doanh thu khối sản xuất công nghiệp vẫn đóng vai trò chủ lực với 691 tỷ đồng, còn lại là doanh thu đến từ đầu tư tài chính.
Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 58,8 tỷ đồng, tăng 3,6 lần so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 15 năm, kể từ năm 2007. Về sản lượng sản phẩm năm 2023, Hapaco đặt mục tiêu đạt 41,5 nghìn tấn, trong đó sản phẩm giấy đế là 26,7 nghìn, giấy Kraft là 13 nghìn và giấy Tissue là 1,8 nghìn tấn.
Về các dự án đầu tư , doanh nghiệp dự kiến tiếp tục phối hợp với các ban ngành địa phương để thực hiện một số dự án trọng điểm như: Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Green Việt Hàn công suất 600 giường, dự án đầu tư Nhà máy giấy tissue, công suất lên 15 nghìn tấn/năm, dự án đầu tư hợp tác thành lập Công ty Cổ phần Cafe Hapaco Sơn La,...
Hapaco đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng từ mức nền khá thấp từ năm trước. Trong báo cáo kiểm toán năm 2022, HAP ghi nhận doanh thu đạt 636 tỷ đồng, tăng hơn 27% so với cùng kỳ. Tuy doanh thu tài chính tăng mạnh 8,5 lần, song các chi phí cũng tăng đột biến, chi phí tài chính tăng gấp 10 lần lên 33 tỷ, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp 8 lần lên 227 tỷ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp giảm 83% xuống 7,6 tỷ đồng.
Kinh doanh nghề "độc, lạ", từng có dự định thành lập "Giới tinh hoa"
Hapaco tiền thân là Xí nghiệp Giấy bìa Đồng Tiến, thành lập từ năm 1960. Năm 2012, nhằm đáp ứng nhu cầu giấy Tissue của thị trường, Tập đoàn đầu tư thêm 02 dây truyền giấy Tissue tại Công ty Cổ phần HAPACO HPP. Hapaco cũng là 1 trong 3 doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên HoSE từ tháng 8/2000. Không những vậy, Hapaco còn là doanh nghiệp kinh doanh “nghề độc” - bán giấy tissue (giấy vệ sinh) hay giấy vàng mã (giấy đế).
Mới đây, Hapaco gây chú ý khi công bố Nghị quyết về tiêu chuẩn tham gia “Giới tinh hoa”. Cụ thể, với cổ đông đang làm việc tại Hapaco, yêu cầu phải (1) sở hữu tối thiểu 4 triệu cổ phiếu HAP; (2) có trình độ kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ giỏi ở đơn vị đối tác; (3) có sẵn 3 tỷ đồng để Hapaco huy động tối đa 3 tháng với lãi suất bằng lãi suất tiết kiệm của Sacombank.
Đối với cổ đông không làm việc tại tập đoàn, điều kiện để vào “Giới tinh hoa của Hapaco” gồm (1) sở hữu 4 triệu cổ phiếu HAP trở lên; (2) không có tiền án, tiền sự; (3) có sẵn 1 tỷ đồng để Hapaco vay tối đa 3 tháng với lãi suất bằng lãi suất tiết kiệm của Sacombank.
Tạm tính theo mức thị giá cổ phiếu HAP hiện tại (4.150 đồng/cp), một cổ đông bên ngoài sẽ phải có tối thiểu khoảng 18 tỷ đồng (gồm 17 tỷ mua 4 triệu cổ phiếu HAP và 1 tỷ sẵn sàng cho Hapaco vay) để lọt vào “Giới tinh hoa của Hapaco”. Con số này đối với cổ đông đang làm việc tại tập đoàn là khoảng 20 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chỉ sau nửa tháng công bố, doanh nghiệp đã thống nhất hủy bỏ Nghị quyết thành lập “Giới tinh hoa” với lý do là " sau khi ban hành, Hapaco nhận thấy tại thời điểm hiện nay nội dung của Nghị quyết chưa phù hợp và chưa thực hiện. Các nội dung nêu trong Nghị quyết 21 sẽ được trình ĐHĐCĐ thường niên theo thẩm quyền".
Trên thị trường, sau nhiều biến động, giá cổ phiếu HAP chỉ bằng "cốc trà đá" khi trượt về vùng đáy 2 năm. Chốt phiên 10/4, HAP dừng ở mức 4.340 đồng/cp, tương đương giảm khoảng 60% trong 1 năm qua.
Nhịp sống thị trường