Doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm Biore, bỉm Merries lỗ nghìn tỷ sau 20 năm hoạt động tại Việt Nam
Việc thua lỗ của KAO không chỉ là câu chuyện một, hai năm mà đã kéo dài suốt 20 năm hoạt động tại Việt Nam. Lỗ lũy kế tính tới hết năm 2016 của doanh nghiệp này lên tới hơn 1.009 tỷ đồng. Đây là điều khá bất ngờ khi các doanh nghiệp có hoạt động tương tự như Diana hay Kimberly-Clark vẫn báo lãi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
- 11-07-2018Bán sản phẩm không thể thiếu cho hàng triệu phụ nữ Việt Nam, Kotex và Diana đang làm ăn làm ra sao?
Được thành lập từ năm 1995, Công ty TNHH KAO Việt Nam với nhà máy tại Đồng Nai là thành viên thuộc KAO Group, tập đoàn hàng hàng đầu Nhật Bản trong các lĩnh vực mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe con người, hóa chất…
Sản phẩm đầu tiên được KAO tung ra tại Việt Nam là sữa rửa mặt Biore, gel vuốt tóc Sifone vào năm 1997. Một năm sau, công ty tiếp tục giới thiệu tới thị trường sản phẩm băng vệ sinh phụ nữ Laurier cùng với sản phẩm sữa rửa mặt dành cho nam Men’s Biore. Các sản phẩm nổi tiếng khác của KAO VIệt Nam có thể kể tới như bột giặt Attack hay Bỉm Merries.
Thua lỗ nghìn tỷ sau 20 năm có mặt tại Việt Nam
Sau 20 năm hoạt động tại Việt Nam, các sản phẩm của KAO ngày càng khẳng định được vị thế với người tiêu dùng. Dù vậy, KAO cũng đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh tên tuổi như P&G, Unilever, Diana, Kimberly-Clark (các sản phẩm Kotex, bỉm Huggies).
Theo số liệu chúng tôi có được, doanh thu KAO Việt Nam năm 2016 lên tới 1.069 tỷ đồng, đây cũng là lần đầu tiên công ty vượt mốc 1.000 tỷ đồng sau hơn 20 năm hiện diện.
Giá vốn hàng bán các sản phẩm của KAO Việt Nam thường chiếm khoảng 65-70% doanh thu giúp biên lãi gộp công ty thường đạt trên 30%. Năm 2016, biên lãi gộp KAO Việt Nam khá tốt với 34%, nhưng vẫn thấp hơn so với các đối thủ như Kimberly-Clark hay Diana với biên lãi gộp trên 40%.
Dù đạt lãi gộp cao nhưng các chi phí phát sinh trong kỳ của KAO Việt Nam là khá lớn, đặc biệt chi phí bán hàng thường chiếm tới 1/3 doanh thu khiến công ty này liên tục thua lỗ. Trong năm 2016, KAO Việt Nam báo lỗ hơn 23 tỷ đồng. Năm trước đó, số lỗ của KAO Việt Nam là gần 80 tỷ đồng.
Việc thua lỗ của KAO không chỉ là câu chuyện một, hai năm mà đã kéo dài suốt 20 năm hoạt động tại Việt Nam. Lỗ lũy kế tính tới hết năm 2016 của doanh nghiệp này lên tới hơn 1.009 tỷ đồng. Đây là điều khá bất ngờ khi các doanh nghiệp có hoạt động tương tự như Diana hay Kimberly-Clark vẫn báo lãi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Bên cạnh nguyên nhân phải trang trải nhiều chi phí để cạnh tranh thị phần thì rõ ràng việc thua lỗ suốt nhiều năm của KAO Việt Nam đang để lại nghi vấn bởi câu chuyện chuyển giá diễn ra với khá nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Những tên tuổi lớn như Coca Cola, Pepsi, Metro…trước đây cũng thường xuyên báo lỗ để thực hiện hành vi chuyển giá.
Trước nghi vấn chuyển giá, vào năm 2013, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (nơi đặt nhà máy của KAO Việt Nam) đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai tiến hành kiểm tra một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thua lỗ kéo dài để tìm hiểu nguyên nhân, trong số này có Kao Việt Nam. Kể từ thời điểm này, số lỗ của KAO Việt Nam đã giảm dần và đến năm 2016 chỉ còn lỗ hơn 23 tỷ đồng, giảm 70% số lỗ so với năm trước đó.