MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp sản xuất - xây dựng kinh doanh lao dốc

07-11-2019 - 11:18 AM | Doanh nghiệp

PMI sản xuất Việt Nam giảm liên tục kể từ tháng 7, đến tháng 10 chạm ngưỡng trung bình 50 điểm. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại và sản lượng liên tục giảm.Nhiều doanh nghiệp đầu ngành báo lãi quý III giảm sâu.

PMI sản xuất tháng 10 về ngưỡng trung bình 50 điểm

Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam do HIS Markit thu thập cho thấy sự sụt giảm trong 3 tháng gần đây. Tính đến tháng 10, chỉ số này đã giảm về ngưỡng trung bình 50 điểm, kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 46 tháng.

Tăng trưởng lĩnh vực sản xuất của Việt Nam chậm lại khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại và sản lượng giảm liên tục. Nguyên nhân là do nhu cầu khách hàng giảm và ảnh hưởng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Phó Giám đốc HIS Market, Andrew Harker bình luận lĩnh vực sản xuất Việt Nam không miễn nhiệm được ảnh hưởng của những vấn đề thương mại toàn cầu. Dù Việt Nam được coi là có thể hưởng lợi từ sự chuyển dịch thương mại nhưng sự giảm sút của dòng chảy thương mại do căng thẳng vẫn có thể gây khó khăn.

Doanh nghiệp sản xuất - xây dựng kinh doanh lao dốc - Ảnh 1.

Nguồn: Nikkei

Báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng cho thấy bức tranh kém tích cực với các doanh nghiệp sản xuất. Theo số liệu của BSC, tính đến 31/10, 85% công ty niêm yết trên HSX và HNX công bố kết quả kinh doanh quý III với lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 14,6% so cùng kỳ 2018, nhóm ngân hàng đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng với 86,4% giá trị lợi nhuận tuyệt đối tăng trưởng.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng ghi nhận mức cao nhất trong 9 năm qua đạt 6,98% nhưng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cho thấy sự tăng trưởng không diễn ra đồng đều mà có sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành. Lợi nhuận của nhóm ngành sản xuất - xây dựng giảm trong khi nhóm ngành bán lẻ, bất động sản, dầu khí, công nghệ thông tin và ngân hàng khả quan.

Thống kê cũng cho thấy, phần tăng trưởng còn lại đến từ một số doanh nghiệp lớn như Vinhomes, Vincom Retail, Thế Giới Di Động... trong khi lợi nhuận của các doanh nghiệp đứng đầu các nhóm ngành sản xuất phần lớn giảm.

Loạt doanh nghiệp đầu ngành báo lãi giảm mạnh

Trong lĩnh vực xây dựng, Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết trong 9 tháng đầu năm, số lượng dự án triển khai và hoàn thành thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Nhiều dự án nhà ở "đứng hình" do không thực hiện được thủ tục đầu tư xây dựng hoặc bị dừng triển khai. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cảnh báo trong 9 tháng, các doanh nghiệp xây dựng cũng bị giảm khoảng 30 - 50% số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh.

Thị trường khó khăn, 2 doanh nghiệp đầu ngành Coteccons (HoSE: CTD) và Hòa Bình (HoSE: HBC) đồng thời công bố lợi nhuận sau thuế giảm 65% và 74% cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp đầu ngành xây dựng vừa có một quý kinh doanh thấp nhất trong 4 quý cùng kỳ liên tiếp do một số công trình có thời gian thi công dài hơn dự kiến làm tăng chi phí cố định, áp lực giảm giá trong công tác đấu thầu với chủ đầu tư cũng làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu lợi nhuận gộp. Thị trường bất động sản khó khăn cũng làm đơn vị bị chậm trễ trong việc thu hồi dòng tiền phải dùng tiền tiết kiệm sẵn có để thanh toán cho các nhà thầu phụ, nhà cung cấp, đội thi công theo điều khoản trong hợp đồng đã ký.

Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp của Hòa Bình còn khoảng 6%, đi ngang so với quý liền trước nhưng thấp nhất trong 3 năm trở lại. Nỗ lực lớn nhất trong quý là Hòa Bình đã cắt giảm các loại chi phí quản lý, chi phí tài chính để làm tăng lợi nhuận.

Doanh nghiệp sản xuất - xây dựng kinh doanh lao dốc - Ảnh 2.

Đơn vị tính: tỷ đồng


Xây dựng đi xuống dẫn tới việc tiêu thụ vật liệu xây dựng kém khả quan, mà điển hình là lĩnh vực tôn thép. Cộng với giá nguyên vật liệu đầu vào là quặng thép tăng, giá điện tăng trong khi mà giá bán tăng không tương xứng dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp giảm lợi nhuận, báo lỗ.

Doanh nghiệp đầu ngành Hòa Phát (HoSE: HPG) cho biết giá bán thép xây dựng và ống thép giảm 10% và 6% nhưng giá nguyên liệu đầu vào tăng, đặc biệt là giá quặng sắt tăng 37% trong quý III. Cùng với chi phí lãi vay cao, lợi nhuận quý III giảm 27% về 1.755 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế giảm 18% về 5.591 tỷ đồng.

Thép Pomina (HoSE: POM) báo lỗ 119 tỷ đồng quý III do một nhà máy ngưng sản xuất làm sản lượng bán giảm và chi phí tài chính tăng cao kh dự án tôn mới đi vào hoạt động trong quý II. Thép Tiến Lên (HoSE: TLH) cho rằng ảnh hưởng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm giá bán thép giảm và nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu cho các công trình đầu tư giảm. Do vậy, quý III, doanh nghiệp báo doanh thu giảm 18% và lỗ 9 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng Tiến Lên giảm 82% lợi nhuận về mức 31 tỷ đồng.

Doanh nghiệp sản xuất - xây dựng kinh doanh lao dốc - Ảnh 3.

Kết quả kinh doanh doanh nghiệp tôn, thép

Đơn vị tính: tỷ đồng

Ngành dệt may vốn được cho rằng sẽ hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nhưng theo báo cáo Bộ Công Thương, thương chiến khiến tỷ giá giữa các đồng tiền biến động, giá hàng hóa gia công tại Việt Nam bị cao hơn so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc dẫn tới ảnh hưởng các đơn hàng xuất khẩu của ngành dệt may. Các đơn hàng dệt may được ký với số lượng nhỏ và ký theo tháng do người mua chia nhỏ đơn hàng thay vì đặt số lượng lớn như những năm trước.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp báo lãi quý III giảm mạnh, đặc biệt là doanh nghiệp sợi. Ví như Vinatex (UPCoM: VGT) cho biết quý III lãi sau thuế giảm 13% kéo lũy kế 9 tháng giảm 20% về 534 tỷ đồng. Dệt may Thành Công (HoSE:TCM) lãi quý III giảm 40%, lũy kế 9 tháng giảm 28%. Dệt may Hà Nội, Sợi Fortex, Sợi Damsan báo lãi giảm mạnh hoặc thua lỗ.

Doanh nghiệp sản xuất - xây dựng kinh doanh lao dốc - Ảnh 4.

Đơn vị tính: tỷ đồng

Lĩnh vực thủy sản cũng ghi nhận khó khăn chung đối với cả doanh nghiệp tôm và cá tra. Theo báo cáo tháng 8 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá tôm nguyên liệu tính đến tháng 8 tiếp tục thấp hơn giá thành sản xuất của nông dân, dẫn tới tình trạng thiếu nguyên liệu. Trong khi đó, giá bán bình quân tôm vào Mỹ tháng 6 giảm 1% so tháng trước và giảm 7% cùng kỳ ghi nhận ở mức 8,17 USD/kg.

Tương tự, giá cá tra nguyên liệu năm nay cũng giảm xuống mức thấp hơn giá thành sản xuất và chưa có dấu hiệu phục hồi do nguồn cung đang dư thừa. Giá xuất khẩu cũng giảm theo, giá cá tra phile đông lạnh nhập khẩu vào Mỹ trong tháng 6 là 3,65 USD/kg, thấp hơn 4,4% tháng 5 và thấp hơn 15% cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp sản xuất - xây dựng kinh doanh lao dốc - Ảnh 5.

* công ty mẹ. Đơn vị tính: tỷ đồng

Công ty mẹ Minh Phú (UPCoM: MPC) báo lãi sau thuế quý III đạt 103 tỷ đồng, giảm 54%; lũy kế 484 tỷ, giảm 10%. Doanh thu xuất khẩu của Minh Phú đã giảm 3 tháng liên tiếp theo mức độ tăng dần do thiếu nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Lũy kế quý III đạt 198 triệu USD, giảm 20,5% so cùng kỳ năm trước, riêng doanh thu xuất khẩu vào thị trường Mỹ giảm 35,4% về 78 triệu USD.

Trong khi, Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) – doanh nghiệp đầu ngành cá tra báo lợi nhuận sau thuế quý III giảm 58%, lũy kế 9 tháng giảm 5%. Vĩnh Hoàn báo cáo doanh số xuất khẩu sụt giảm 3 tháng liên tiếp, trong đó giá trị xuất khẩu vào thị trường Mỹ suy giảm trong khi EU và Trung Quốc duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, riêng tháng 9, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đã giảm cả khối lượng lẫn giá do yếu tố mùa vụ.

Doanh nghiệp sản xuất - xây dựng kinh doanh lao dốc - Ảnh 6.

Đơn vị tính: triệu USD

Ngành mía đường nhiều năm qua phải đối diện với thực trạng xu hướng bão hòa, giá đường liên tục giảm, lượng đường tồn kho trong nước lớn, sức ép từ đường lậu Thái Lan… Niên vụ 2019-2020, những khó khăn trên vẫn tiếp tục tiếp diễn và khi hiệp định ATIGA có hiệu lực từ 1/1/2020 càng tạo nên sức ép lớn.

Do vậy, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành đường liên tục suy giảm, niên vụ 2018-2019 hầu hết đều giảm lợi nhuận phân nửa cùng kỳ.

Quý I niên vụ 2019-2020, Mía đường Sơn La (HNX: SLS) chỉ đạt lãi sau thuế 13,6 tỷ đồng, giảm 36% cùng kỳ. Đường Kon Tum (HNX: KTS) doanh thu rớt mạnh từ 79 tỷ về 1,4 tỷ đồng, lỗ ròng 1,7 tỷ đồng.

Doanh nghiệp đầu ngành Thành Thành Công – Biên Hòa (HoSE: SBT) niên vụ 2018-2019 báo lãi giảm nhẹ 6% xuống 35,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu của đơn vị lại tăng thêm 657 tỷ đồng, tức tăng 26% cùng kỳ; riêng doanh thu bán đường tăng thêm 819 tỷ đồng.

Trong bối cảnh khó khăn chung, SBT đề ra chiến lược mở rộng thị phần, đầu tư vào hệ thống phân phối phát triển kênh tiêu dùng B2C, kênh bán hàng vừa và nhỏ SME và đẩy mạnh xuất khẩu.

Doanh nghiệp sản xuất - xây dựng kinh doanh lao dốc - Ảnh 7.

Kết quả kinh doanh doanh nghiệp mía đường Đơn vị tính: tỷ đồng


Ở ngành phân bón, tình trạng cạnh tranh gay gắt kéo dài từ năm trước đến năm nay, doanh nghiệp phải giảm giá bán để duy trì thị phần trong khi chi phí đầu vào vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này khiến biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp ngành phân bón giảm sút, hệ quả là nhiều đơn vị báo lãi giảm mạnh thậm chí thua lỗ. Các doanh nghiệp đầu ngành như Đạm Phú Mỹ (HoSE:DPM), Phân bón Bình Điền (HoSE: BFC) lần lượt báo lãi quý III giảm 61% và 34% cùng kỳ. Đạm Hà Bắc (UPCoM:DHB), DAP Vinachem, Phân bón Miền Nam (HoSE: SFG) báo lỗ.

Doanh nghiệp sản xuất - xây dựng kinh doanh lao dốc - Ảnh 8.

Đơn vị tính: tỷ đồng


Theo Ngọc Điểm

NDH

Trở lên trên