MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp siêu nhỏ (Micro SME): Cần lắm những “hiệp sỹ” tài chính

29-04-2016 - 13:30 PM | Doanh nghiệp

Ngoại trừ các công ty lớn vốn vẫn được các nhà băng săn đón, nhóm công ty quy mô vừa cũng bắt đầu được các ngân hàng chú ý với việc đưa ra nhiều sản phẩm tín dụng.

Riêng phân khúc doanh nghiệp siêu nhỏ - chiếm đông đảo tại Việt Nam - lại đang chưa được nhà băng chú ý đến.

Khó làm việc nghĩa hiệp

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong số hơn 500.000 doanh nghiệp hiện nay, 97% là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Trong số này lại có đến 85-90% là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Khi điệp khúc khó vay vốn của doanh nghiệp SME đã từ rất lâu chưa được giải quyết rốt ráo thì câu chuyện tín dụng với đối tượng “li ti”, “siêu nhỏ” này còn trở nên nan giải hơn bao giờ hết.

Trong số gần một phần tư doanh nghiệp SME tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng mà các số liệu thống kê đang chỉ ra thì số doanh nghiệp siêu nhỏ lọt vào nhóm này gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các nhà băng đều khẳng định, khách hàng siêu nhỏ (với doanh thu khoảng dưới 10 tỷ đồng/năm) là phân khúc gần như họ chưa động tới.

Lý giải về nguyên nhân ‘bỏ rơi’ nhóm khách hàng siêu nhỏ, đại diện một ngân hàng cổ phần nói thẳng không dễ để tạo nhiều lợi nhuận từ nhóm này. “Hiện giờ phần lớn các ngân hàng vẫn thích chính sách hớt váng hơn, tức là tập trung vào khách hàng tốt, thu nhập cao, dễ thu hồi nợ, lợi nhuận đem về cho ngân hàng cũng ổn định”, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nói.

Bên cạnh đó, một lý do khác còn là nhóm khách hàng siêu nhỏ này lại đi kèm nhiều rủi ro lớn. Để tìm kiếm đủ thông tin chính thống nhằm đánh giá trước khi đưa ra các quyết định tài chính, tín dụng về họ là vô cùng khó khăn.

“Các doanh nghiệp nhỏ chủ yếu vẫn giao dịch tiền mặt, năng lực quản trị kém, nên nếu cho vay sẽ tốn nhiều nhân lực quản lý. Ngân hàng không thể thả gà ra đuổi và khó làm việc nghĩa hiệp như thế được”, một lãnh đạo ngân hàng chia sẻ.

Đổi mới tư duy cấp vốn: Muộn còn hơn không

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng, đã đến lúc các nhà băng nên nhận ra tiềm năng không hề nhỏ từ các khách hàng “li ti” này. Đại diện lãnh đạo VPBank cũng chia sẻ quan điểm này. “Thị phần phía trên – tập trung vào những khách hàng lớn – hiện đã có quá nhiều cạnh tranh.

Ngay cả khi chưa có sự lấn lướt của một số ông lớn cũng như các định chế tài chính nước ngoài, “cái bể” ấy vẫn quá chật hẹp cho các nhà băng phát triển. Ngược lại, ngân hàng nào có hệ thống quản trị rủi ro tốt và thực sự am hiểu các doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ thu được ”trái ngọt” từ mảnh đất tưởng chừng như khó nhằn này”.

Một trong những sự thấu hiểu mà VPBank chia sẻ, là cần biết khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp siêu nhỏ hiện nay không chỉ là thiếu tiền mà sâu xa hơn là thiếu năng lực quản trị dòng tiền. Có lắng nghe chủ doanh nghiệp chia sẻ mới thấy, nếu chỉ quản lý doanh thu vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi tháng thì mọi chuyện vẫn rất nhịp nhàng, nhưng khi doanh thu tăng lên 4-6 tỷ đồng thì người chủ doanh nghiệp lại rơi vào tình trạng rối bời bởi không kiểm soát nổi dòng tiền ra-vào công ty.

Để quản lý được dòng tiền, người chủ cần nắm vững các kỹ năng về quản lý tài chính, có nguồn lực phù hợp (nhân sự phụ trách, phần mềm máy tính, người theo dõi sổ sách và vận hành phần mềm). Với thực tế ở Việt Nam hiện nay, chủ doanh nghiệp hiếm khi được đào tạo bài bản về kỹ năng quản lý dòng tiền trước khi bước vào con đường kinh doanh.

Thêm vào đó, vấn đề lớn nhất của những doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chính là sự nan giải về vốn. Những khó khăn này vô tình làm họ không có cơ hội thuê lao động chất lượng cao hoặc mua những phần mềm được viết theo đơn đặt hàng, tức là đồng nghĩa với việc họ sẽ khó có điều kiện để chuyên nghiệp hóa và chuẩn hóa công tác quản lý.

“Trong bối cảnh đó, điều mà khách hàng doanh nghiệp nhỏ cần ở ngân hàng không chỉ là được vay vốn mà hơn thế, họ cần được ngân hàng tư vấn để quản trị tốt hơn dòng tiền. Đây cũng chính là ưu thế của VPBank trên thị trường, bên cạnh việc nhận thức và triển khai đồng bộ từ rất sớm gói sản phẩm dành cho phân khúc doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ”, đại diện VPBank chia sẻ.

A.D

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:
Trở lên trên