MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Singapore tăng đầu tư vào Việt Nam

Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất năm 2022 tại Việt Nam với số vốn lên đến 6,46 tỉ USD, chiếm trên 23% tổng vốn FDI. Ảnh minh họa.

Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất năm 2022 tại Việt Nam với số vốn lên đến 6,46 tỉ USD, chiếm trên 23% tổng vốn FDI. Ảnh minh họa.

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất năm 2022 tại Việt Nam với số vốn lên đến 6,46 tỉ USD, chiếm trên 23% tổng vốn FDI.

Tại Hà Nội, năm ngoái, Singapore cũng dẫn đầu về vốn đầu tư FDI khi chiếm đến gần 35% tổng vốn đầu tư. Để thúc đẩy hơn nữa hợp tác đầu tư thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam- Singapore, nhiều hoạt động xúc tiến trực tiếp đã được triển khai.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, hiện nay các dự án đầu tư của doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam mới tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, thứ hai là kinh doanh bất động sản và thứ 3 là lĩnh vực sản xuất điện. Vì vậy, họ kỳ vọng sẽ mở rộng đầu tư thêm vào các lĩnh vực tiềm năng mới.

"Phát triển công nghiệp thực phẩm, kết cấu hạ tầng đô thị, công nghiệp hỗ trợ hiện đại, thân thiện với môi trường; dịch vụ tài chính là các lĩnh vực đang được phía doanh nghiệp Singapore kỳ vọng tăng đầu tư. Về phía tập đoàn chúng tôi, bất động sản công nghiệp cũng là lĩnh vực chúng tôi đang tiến hành tìm hiểu để đầu tư tại đây", ông Kho Choon Keng - Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Hoa Sing (SCCCI) cho biết.

Đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng cho biết, họ đã tăng đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất để đa dạng mặt hàng đáp ứng các đơn đặt hàng chi tiết của doanh nghiệp FDI và sẵn sàng cung ứng theo yêu cầu của các doanh nghiệp Singapore. Nhiều chính sách cũng được thành phố triển khai để "đón đại bàng".

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết: "Hiện nay thành phố Hà Nội phát triển hạ tầng công nghiệp rất mạnh mẽ, chuẩn bị phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Định hướng đến 2030 tạo mặt bằng sản xuất thu hút doanh nghiệp Singapore vào phát triển đầu tư các nhà máy sản xuất trên địa bàn".

Không chỉ các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, họ cũng kỳ vọng có được những nhà cung ứng chất lượng cao trực tiếp từ phía Việt Nam để cung ứng thực phẩm chất lượng cho thị trường Singapore vì họ mới chỉ tự chủ được hơn 10% thực phẩm nội địa. Tuy nhiên vẫn cần có những lưu ý đặc trưng thị trường.

"Đặc thù thu nhập rất cao nên nhu cầu sản phẩm chất lượng cao ổn định là rất quan trọng. Một số mặt hàng của Việt Nam năm trước có thể vào được nhưng không giữ được chất lượng sản phẩm nên khó có thể vào lại. Doanh nghiệp Việt Nam muốn bán sản phẩm của mình vào Singapore thì phải tự chi trả chi phí Marketing, và chi phí này rất là đắt đỏ", ông Cao Xuân Thắng - Bí thư Thứ nhất Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết.

Theo Bộ Công Thương, trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt 9,1 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2021. Các doanh nghiệp hai nước cũng cho biết sẽ tận dụng các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và RCEP để tăng trưởng thương mại quốc tế, tăng đòn bẩy đưa hàng hóa Việt Nam đi xa hơn sang nhiều thị trường khác.

Theo VTV Digital

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên