MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp sốt ruột chờ vay vốn hỗ trợ

05-10-2024 - 08:03 AM | Tài chính - ngân hàng

Rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn trong chương trình hỗ trợ lãi suất của TP HCM để đầu tư, kích hoạt sự tăng trưởng nhưng chưa tiếp cận được.

Ngày 4-10, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC) phối hợp với UBND TP Thủ Đức (TP HCM) triển khai chương trình kích cầu đầu tư cho hơn 100 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Thủ Đức. Đây là một trong chuỗi hoạt động do HFIC triển khai từ tháng 8-2024 nhằm gia tăng nội lực cho các tổ chức, DN sau khi Quyết định 42/2024/QĐ-UBND do UBND TP HCM ban hành chính thức có hiệu lực.

Hỗ trợ lãi suất tới 100%

Theo Quyết định 42 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố (theo Nghị quyết 98 của Quốc hội và Nghị quyết 09 của HĐND TP HCM), các lĩnh vực ưu tiên cho vay gồm công nghệ cao, chuyển đổi số; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thương mại, phục vụ sản xuất nông nghiệp; y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, văn hóa - thể thao; hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và môi trường; và 4 ngành công nghiệp trọng yếu, công nghiệp hỗ trợ. Các dự án đầu tư của các DN, tổ chức kinh tế trong nước hoặc đơn vị sự nghiệp công lập có dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn sẽ có cơ hội được hỗ trợ lãi suất vốn vay từ 50%-100%, mức vốn vay tối đa của dự án được ngân sách hỗ trợ lãi suất là 200 tỉ đồng/dự án, thời gian hỗ trợ lãi suất không quá 7 năm kể từ ngày dự án được UBND TP HCM phê duyệt hỗ trợ và sau khi giải ngân vốn vay lần đầu tại HFIC.

Trước khi có chương trình hỗ trợ này, từ những năm 2003 - 2004, TP HCM đã triển khai khá thành công chương trình cho vay kích cầu đầu tư với hạn mức vay tối đa 100 tỉ đồng/dự án, thời gian bù lãi vay không quá 7 năm. Giai đoạn 2021 - 2022, chương trình bị gián đoạn đến nay.

Doanh nghiệp sốt ruột chờ vay vốn hỗ trợ- Ảnh 1.

Các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP HCM sẽ được tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất. Ảnh: PHƯƠNG AN

Vì vậy, khi Quyết định 42 được ký ban hành, cộng đồng DN TP HCM rất phấn khởi bởi chính sách mà họ chờ đợi từ lâu nay đã được khởi động lại, mở ra cơ hội cho các DN mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ… tiến tới chuyển đổi sản xuất, cung ứng và cải thiện khả năng cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế dần khởi sắc trở lại.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc HFIC, cho biết sau gần 3 tháng kể từ khi Quyết định 42 được ban hành, HFIC đã triển khai phổ biến trực tiếp cho khoảng hơn 500 DN thuộc nhiều lĩnh vực liên quan. Ngay tại hội nghị lần này, rất nhiều câu hỏi liên quan đến điều kiện tham gia chương trình, tài sản thế chấp, quy trình thủ tục, mức lãi suất được hỗ trợ… đã được đặt ra cho đại diện HFIC và các sở, ngành liên quan.

Nguồn vốn lớn đang chờ giải ngân

Về nguồn vốn, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐTV HFIC, cũng là Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) - cho biết UBND TP HCM đã ghi vốn đầu tư công 1.500 tỉ đồng cho chương trình. HFIC bên cạnh việc chuẩn bị nguồn vốn lớn để cho vay đã tiến hành hợp tác chiến lược với một số ngân hàng lớn như Vietcombank, Agribank... để cho vay hợp vốn, bảo đảm luôn có đủ vốn đáp ứng nhu cầu vay của DN.

Theo ông Hòa, hiện tại, HFIC đã tiếp nhận khá nhiều hồ sơ vay vốn theo chương trình và đã chấp thuận cho 5 đơn vị có dự án đủ điều kiện vay. Lãnh đạo HFIC cho hay quy trình thực hiện dự án vay vốn theo chương trình được thực hiện rõ ràng, minh bạch. Đầu tiên, DN vay vốn lập hồ sơ và gửi HFIC thẩm định; nếu hồ sơ hợp lệ, HFIC sẽ ra thông báo chấp nhận hồ sơ đủ điều kiện cho vay với mức lãi suất đề xuất cụ thể. Trên cơ sở này, DN tiếp tục nộp hồ sơ cho tổ liên ngành do Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Sở Công Thương làm đầu mối để được thẩm định; nếu thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách của chương trình sẽ được ra thông báo chấp thuận và trình UBND TP HCM ra quyết định tham gia chương trình. Sau khi có quyết định của UBND TP HCM, HFIC sẽ tiến hành giải ngân vốn vay. DN sẽ trả lãi cho HFIC và nộp chứng từ đã giải ngân lãi vay cho HFIC để được Kho bạc hỗ trợ giải ngân phần lãi suất đã nộp cho HFIC trước đó.

Ông Nguyễn Quang Thanh tính toán nếu DN có dự án được vay 200 tỉ đồng, hỗ trợ 100% lãi suất trong vòng 7 năm thì tổng ngân sách hỗ trợ trong 7 năm là gần 100 tỉ đồng. Đây là nguồn vốn rất lớn giúp DN nâng cao nội lực và khả năng cạnh tranh, thích ứng với thị trường.

Theo quy định, 2 tổ liên ngành sẽ mất khoảng 1 tháng để hoàn tất cả quy trình thủ tục để giải ngân vốn hỗ trợ cho DN. Tuy nhiên, do 2 tổ này vẫn chưa được thành lập nên đến nay vẫn chưa có dự án nào được HFIC giải ngân. "Trường hợp DN quá cần vốn, không thể chờ thành lập tổ liên ngành để giải quyết các thủ tục tiếp theo thì HFIC vẫn có thể cho vay với lãi suất hơn 6%/năm, không được hỗ trợ lãi suất theo chương trình. Tuy nhiên, chúng tôi thuyết phục DN nếu không quá cấp bách thì ráng chờ thêm một thời gian nữa để được hỗ trợ" - ông Thanh thông tin.

Bà Tô Thị Kim Thoa - Trưởng Phòng DN, Kinh tế tập thể và Tư nhân Sở Kế hoạch và Đầu tư - cho biết sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương đã trình UBND TP HCM dự thảo về tổ liên ngành. Dự kiến trong tháng 10 này, UBND thành phố sẽ ra quyết định thành lập 2 tổ liên ngành để góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình kích cầu đầu tư cũng như tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công. 

Chủ động chào mời doanh nghiệp

Ở vai trò Chủ tịch HUBA, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết mong muốn của DN là làm sao thời điểm trả lãi cho HFIC với thời điểm Kho bạc giải ngân phần lãi vay đã trả càng rút ngắn càng tốt. "Chúng ta đã có nguồn vốn, việc giải ngân này do UBND TP HCM trình HĐND thành phố quyết định trong từng kỳ họp nên rất mong Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương và Kho bạc phối hợp giúp DN rút ngắn thời gian này lại" - ông Hòa kiến nghị.

Ông Hòa nói thêm với chương trình lần này, cách tiếp cận và tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước rất khác so với chương trình cho vay kích cầu đầu tư trước đây. Các sở, ngành và HFIC đã rất chủ động trong công tác truyền thông, giới thiệu chương trình, giải đáp thắc mắc cho các DN, tổ chức, cơ quan là đối tượng của chương trình.

HFIC đã thành lập Phòng Kế hoạch Xúc tiến, không ngồi chờ DN đến đăng ký vay mà chủ động xúc tiến mời gọi DN tham gia. HFIC cũng đã phối hợp với HUBA thành lập tổ công tác để lắng nghe, hỗ trợ DN tháo gỡ tất cả vướng mắc, ách tắc về hồ sơ thủ tục để cùng nhau xử lý, đưa chương trình đi vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất. "Sự tham gia của DN vào chương trình này rất có ý nghĩa, góp phần thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế TP HCM" - ông Hòa bày tỏ.


Theo Nguyễn Hoài

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên