MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp tê liệt vì dịch

06-08-2021 - 08:28 AM | Doanh nghiệp

Doanh nghiệp tê liệt vì dịch

Việc sản xuất bị đình trệ khi áp dụng giãn cách tại nhiều địa phương đã khiến doanh nghiệp lúng túng trong khôi phục sản xuất; mô hình “3 tại chỗ” đang không phát huy tác dụng khi thời gian áp dụng kéo dài...

Đó là những vấn đề được đặt ra tại hội thảo trực tuyến về Duy trì sản xuất trong thời kỳ dịch COVID-19 do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cách đây ít ngày.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, Chỉ thị 16 rất cần thiết cho phòng chống dịch, nhưng cũng tạo áp lực cực kỳ lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN). 19 DN phía Nam hiện nay hầu như tê liệt sản xuất vì nhiều địa phương không linh hoạt khi áp dụng Chỉ thị 16, có những DN chưa phát hiện F0, vẫn phải đóng cửa.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) nói: “Ngay cả xưởng của công ty của tôi ở Khu công nghiệp, sau 2 tuần khi áp dụng “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ) cũng phải ngưng. Trong 2 tuần đó, khách hàng, hàng hóa rối loạn”. Theo bà Sắc, khi DN của bà xây dựng thêm công trình để phục vụ cho việc công nhân ở lại thì không ai muốn đến làm việc. Bà Sắc kiến nghị có cơ chế cho DN tự chủ được quản lý y tế tại chỗ. “Chúng tôi đã mua hàng ngàn kit xét nghiệm nhanh để tự kiểm tra công nhân của mình. Nếu DN tự chủ và tự chịu trách nhiệm cũng là cách chia sẻ gánh nặng với Chính phủ, giảm tải với lực lượng y tế”, bà Thu Sắc nêu ý kiến.

Theo đại diện nhiều hiệp hội DN, mô hình “3 tại chỗ” đang không phát huy tác dụng khi thời gian áp dụng kéo dài, nên cần có các giải pháp và sáng kiến để duy trì sản xuất trong giai đoạn áp dụng Chỉ thị 16. Thực tế việc vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất và xuất khẩu đang bị gián đoạn do cách thực hiện Chỉ thị 16 cũng khác nhau giữa các tỉnh, thành trong cả nước.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, VCCI đã kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ DN như giảm tiền điện; giảm phí công đoàn, trước mắt là 1%, ít nhất trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay; giảm các chi phí khác, hỗ trợ các DN chi phí mà họ bỏ ra trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19. “Chúng ta không đánh đổi sức khỏe nhân dân lấy tăng trưởng… Do đó cần kết hợp cả 2 mục tiêu “vừa phòng dịch, vừa sản xuất”, chứ không chỉ vì mục tiêu chống dịch mà bỏ lơi hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Ưu tiên phòng dịch bệnh nhưng cũng phải cố gắng duy trì sản xuất kinh doanh”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết.


Theo Uyên Phương

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên