Doanh nghiệp "than" bị nhà nước can thiệp sâu vào hợp đồng BOT
Nhà đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư cho rằng nhà nước ký hợp đồng với nhà đầu tư nhưng lại sử dụng các biện pháp hành chính, văn bản pháp lý để can thiệp quá sâu vào hợp đồng, không đảm bảo bình đẳng.
Ngày 12-4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã tổ chức hội nghị tham vấn các nhà đầu tư để phục vụ xây dựng Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH-ĐT), cho biết thời điểm hiện tại cả nước đã có 336 dự án thực hiện theo hình thức PPP. Trong đó, chiếm phần lớn vẫn là dự án BT (Xây dựng - Chuyển giao) với 188 dự án, BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao) 140 dự án và một số dự án kết hợp giữa BOT và BT.
Quá trình thực hiện các dự án PPP thời gian qua đã xảy ra một số tồn tại, hạn chế do chưa có định hương, chiến lược dài hạn, rõ ràng và thống nhất. "Vẫn còn tình trạng chưa nhận thức đúng về PPP, làm PPP chỉ vì thiếu tiền, còn tư tướng nóng vội trong triển khai, Nhà nước chưa chủ động chuẩn bị dự án"- ông Trương chỉ rõ.
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tập đoàn Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng nêu nhiều bất cập trong quá trình thực hiện các dự án theo hình thức PPP
Theo Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, pháp lý về các dự án PPP chưa đầy đủ, rõ ràng và ổn định. Ngoài ra, thiếu cơ chế hỗ trợ, đảm bảo mạnh mẽ từ phía Nhà nước, chưa đảm bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh trong quá trình thực hiện dự án.
Ông Nguyễn Đăng Trương nhấn mạnh cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quan ý nhà nước chưa rõ ràng nên hầu hết các nhà đầu tư đang tự "bơi" đến từng cơ quan. "Các cơ quan không có sự liên kết với nhau từ tư vấn, thẩm định, triển khai dự án… Đây là trách nhiệm của nhà nước nhưng chưa thực hiện đầy đủ" - ông Nguyễn Đăng Trương nói.
Từ góc nhìn doanh nghiệp đã và đang thực hiện các dự án theo hình thức PPP, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Đèo Cả, cho rằng vấn đề nhận thức về các dự án PPP chưa hợp lý.
Theo ông Hồ Minh Hoàng, hợp đồng các dự án PPP có hai bên, một là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, một bên là đầu tư. "Nguyên tắc cao nhất của hợp đồng là đảm bảo sự bình đẳng, nhưng trong thực tế, cơ quan nhà nước thường lạm dụng quyền lực để áp dụng vào hợp đồng dự án. Việc này khiến các điều khoản bảo vệ sự bình đẳng bị phá vỡ"- ông Hoàng nhấn mạnh.
Ông Hoàng dẫn chứng cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp vào hợp đồng bằng các quy định hành chính, bằng các văn bản pháp lý, việc can thiệp là rất sâu khiến nhà đầu tư các dự án PPP bị điều chỉnh.
Do đó, đại diện Đèo Cả đặt câu hỏi việc can thiệp trên gây ra hệ lụy, thiệt hại cho phía doanh nghiệp thì ai chịu trách nhiệm, chịu như thế nào. "Từ thực tế này, chúng tôi kiến nghị trong dự án Luật PPP sắp tới đây cần quy định rõ xử lý như thế nào nếu cơ quan nhà nươc can thiệp sâu, gây ảnh hưởng đến nhà đầu tư" - ông Hồ Minh Hoàng nói.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Đèo Cả dẫn chứng doanh nghiệp này từng bị Bộ GTVT đơn phương cắt bỏ 1 trạm thu phí so với hợp đồng ban đầu mà không có sự bàn bạc, thương lượng.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện Công ty Cổ phần Tasco cho rằng cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang can thiệp vào hợp đồng bằng các biện pháp hành chính quá nhiều, gây ra không ít rủi ro cho các nhà đầu tư. Do đó, đại diện doanh nghiệp này kiến nghị trong Dự án luật tới đây cần phải có các quy định rõ ràng để hạn chế việc này, đảm bảo bình đẳng khi thực hiện các hợp đồng đã ký kết.
Tại hội nghị, PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) nhìn nhận những công trình thực hiện theo hình thức PPP thời gian qua đã thành công, xóa đi căn bệnh "nan y" của xây dựng Việt Nam là kéo dài thời gian vô thời hạn, đội vốn, chất lượng kém.
"Nhiều công trình đầu tư theo hình thức BOT vừa qua đã hoàn thiện sớm so với tiết độ, giá thành thấp. Việc này cho thấy sự thay đổi về nhận thức, là động lực mới về quản lý xây dựng"- ông Chủng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Chủng cũng chỉ rõ nguồn vồn đầu tư PPP phần lớn của các nhà đầu tư nhưng nhà nước lại đang coi như nguồn vốn của mình, áp đặt cách thức quản lý của nhà nước nên cản trở PPP rất nhiều.
"Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng với nhà đầu tư thực hiện các dự án PPP nhưng có nhiều nội dung không rõ tàng, thậm chí không bình đẳng. Trong điều khoản, nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, trong khi nhà nước lại rất nhiều quyền lực, chịu ít rủi ro. Trong Dự án luật PP này, tôi kiến nghị vẫn đề hợp đồng phải được thảo luận kỹ để làm thế nào cơ quan nhà nước là đối tác, ký hợp đồng hợp tác với nhà đầu tư chứ không phải trở thành người quản lý"- ông Chủng đề xuất.
Theo Bộ KH-ĐT, pphương thức đầu tư PPP được thực hiện theo 3 nhóm hợp đồng: thu phí từ người sử dụng - BOT (xây dựng, kinh doanh chuyển giao), BTO (xây dựng, chuyển giao, kinh doanh), BOO (xây dựng, sở hữu, kinh doanh), O&M (kinh doanh và quản lý); nhà nước thanh toán theo chất lượng dịch vụ - BLT, BTL; đổi nguồn lực công lấy công trình - BT.
Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 2 loại hợp đồng được áp dụng phổ biến ở Việt Nam trong thời gian qua là BOT và BT.
Người lao động