Doanh nghiệp "than" làm NOXH phải vay lãi suất 14%/năm: Làm sao kéo giảm giá nhà xuống?
Nhà ở xã hội là một trong những phân khúc được dự báo sẽ dẫn dắt thị trường địa ốc 2023. Ngay từ năm 2022, nhiều doanh nghiệp địa ốc tuyên bố sẽ lấn sân vào phân khúc này. Nhưng, đến hiện tại, khó khăn và thách thức trong bài toán xây dựng nhà ở xã hội vẫn còn trở thành trở ngại lớn cho doanh nghiệp.
Trong chia sẻ tại toạ đàm tại TP.HCM, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lê Thành chia sẻ: “Để triển khai được NOXH cần 3 cơ quan đó là Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo tập trung tháo gỡ cho thị trường bất động sản, đưa ra nghị quyết về việc phát triển 1 triệu căn NOXH trong vài năm tới. Để hoàn thành con số này trong thời gian còn lại thì tất cả phải nổ lực rất rất nhiều chứ không còn nhiều thời gian".
Ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lê Thành
Song ông Nghĩa đặt ra câu hỏi: “Vậy vấn đề là vướng ở đâu mà NOXH triển khai chậm?”.
Trả lời cho câu hỏi này, ông Nghĩa phân tích, đầu tiên, doanh nghiệp phải làm NOXH thì mới có nhà cho người dân mua. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, thời gian vừa qua, chính sách hỗ trợ chỉ tập trung hỗ trợ người mua NOXH mà không hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho người làm ra NOXH.
“Bằng chứng là ngân hàng chỉ hỗ trợ lãi suất, tiền cho người vay mua NOXH. Nhưng hỏi có nguồn tiền nào để cho doanh nghiệp làm ra NOXH vay thì thì xin thưa là không? Cuối cùng là nếu có 1.000 người đang có nhu cầu mua NOXH thì nhà đâu để mua?”, ông Nghĩa cho hay.
“Nếu có khả năng, có thể làm NOXH thì tại sao doanh nghiệp lại không làm? Từ thực tế bản thân tôi hiểu là do "làm không lời nên họ không làm". Và hỏi họ có được hỗ trợ gì không thì rõ ràng là đọc các Nghị định, quy định thì có nhưng để doanh nghiệp được hỗ trợ là một con đường rất dài”, ông Nghĩa nói thêm.
Vị này chia sẻ rằng: “Câu chuyện làm nhà ở thương mại và NOXH sẽ tạo ra 2 lợi nhuận khác nhau. Cụ thể, nếu làm NOXH chỉ lãi 10% nhưng thời gian làm mất hết 5 năm. Vậy mỗi năm lợi nhuận chỉ có 2% thì thà để ngân hàng còn lời nhiều hơn. Vậy nên nếu không có nhiều tâm huyết như chúng tôi thì các doanh nghiệp khác sẽ không làm. Đáng nói hơn là khi chúng tôi đã làm thì lại bị thanh tra, kiểm tra liên tục. Các doanh nghiệp khác họ thấy vậy, cũng sợ nên thà không làm NOXH hoặc làm rồi từ bỏ. Cuối cùng không có sản phẩm NOXH cho thị trường”.
Theo Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lê Thành, câu chuyện của NOXH là cần tháo vướng. Vướng ở đây là luật. “Các quy định trong Luật do chính con người làm ra sao chúng ta không sửa?”
“Việc đẩy mạnh phát triển NOXH cơ quan Nhà nước nói từ nửa năm nay nhưng chưa có văn bản nào ban hành cụ thể. Chúng tôi làm doanh nghiệp cần cụ thể, chứ không thể nào căn cứ trên "báo đài". Chúng tôi cần có quyết định số mấy, văn bản nào? Bởi cơ bản, lãnh đạo, cán bộ ở các tỉnh thành họ cũng sợ nếu không có văn bản cụ thể, làm mà sai họ phải chịu. Vì vậy cần có văn bản, quy định cụ thể để họ làm”, ông Nghĩa nhấn mạnh, “Tóm lại, cơ quan Nhà nước từ Trung ương cần có quy trình riêng, nhanh... cải cách hành chính hóa. Ví dụ, phải quy định rõ nếu doanh nghiệp hỏi mà trong 10-15 ngày không trả lời xem như đồng thuận, để chúng tôi có thể áp dụng. Một văn bản 1 tháng mà hỏi sở này đến sở khác lòng vòng 4-5 tháng vẫn chưa có câu trả lời thì quá khó cho doanh nghiệp”.
Không chỉ vướng mắc về thủ tục hành chính, ông Nghĩa cho biết: Về lãi suất, chúng tôi vay làm NOXH phải lãi suất phải 14%/năm thì làm sao kéo giảm giá bán NOXH được.
Theo ông Nghĩa, chính vướng mắc về pháp lý, về lãi suất, và dòng vốn… là những lý do khiến không có NOXH Cho người dân.
Nhịp sống thị trường