Doanh nghiệp thủy sản "căng thẳng" với giá tàu đi Mỹ
Hãng tàu MSC thông báo, bắt đầu từ tháng 4/2021 sẽ cắt toàn bộ hàng đông lạnh đi Mỹ.
Sau khi giá cước tàu đi châu Âu hạ nhiệt, các doanh nghiệp thủy sản lại "căng thẳng" với giá tàu tuyến đi Mỹ...
- 28-03-2021Giá dầu chuyển hướng từ giảm sâu sang tăng mạnh do lo ngại tắc nghẽn ở kênh đào Suez sẽ kéo dài nhiều tuần
- 27-03-2021Cách theo dõi trực tiếp tàu khổng lồ mắc kẹt tại kênh đào Suez
- 27-03-2021Những hàng hóa nào bị ảnh hưởng nặng khi tàu khổng lồ mắc kẹt ở kênh đào Suez?
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết nhiều doanh nghiệp thủy sản phản ánh ngay sau khi giá cước tàu đi châu Âu hạ nhiệt, thì các tuyến đi Mỹ lại đang rất căng thẳng.
Cụ thể theo Vasep, ngoài việc chi phí giá thành cho sản xuất tăng chóng mặt ngay từ đầu năm thì cước vận tải biển đang là vấn đề nóng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết, giá cước tàu đi tuyến châu Âu vừa mới hạ nhiệt thì tuyến đi Mỹ lại rất căng thẳng. Hiện nay, chỗ trống cho hàng đông lạnh đi Mỹ của hầu hết các hãng tàu đều rất ít vì các hãng tàu ưu tiên cho hàng khô vì giá cước có lợi hơn.
Theo phản ánh của một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tại Cần Thơ, giá cước tàu cho tuyến đi Mỹ, doanh nghiệp thủy sản như "cá nằm trên thớt", đặt được chuyến là mừng cho dù chưa biết giá cước là bao nhiêu vì các hãng tàu báo giá rất trễ và hiệu lực chỉ từ 10 – 15 ngày.
Thậm chí, doanh nghiệp đã book được chỗ nhưng vì một lý do nào đó không thể xuất như lịch thì cũng mất hơn 1.500 USD/container.
Vasep cho biết, mới đây nhất, hãng tàu MSC thông báo, bắt đầu từ tháng 4/2021 sẽ cắt toàn bộ hàng đông lạnh đi Mỹ. Việc này sẽ làm tăng tải cho tuyến khác vốn đã quá tải trong nhiều tháng nay. Hơn nữa, rất nhiều hãng tàu không cho đặt chỗ trước, còn nếu chờ tới ngày xuất hàng mới đặt chuyến thì lại không còn chỗ để book.
Thực tế trên, theo Vasep, nếu chỉ nhìn vào giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ thì không nên vội mừng vì cấu thành trong giá xuất khẩu, cước tàu biển đã tăng và chiếm tỷ trọng không nhỏ trong đó. Do vậy, những khó khăn, gánh nặng từ cước tàu biển đang "đè" lên các doanh nghiệp thủy sản.
Trước đó, đầu tháng 1/2021, nhiều chủ hàng trong các ngành thủy sản, nhựa và gỗ cho biết từ nhiều tháng quaphải trả giá thuê container rỗng tăng, từ mức ban đầu chưa tới 1.000 USD/container 40 feet lên tới 8.000 USD, thậm chí là 10.000 USD/container 40 feet đi thị trường Anh.
Thậm chí một doanh nghiệp của Ấn Độ trong khu công nghiệp Việt Nam - Singapore chuyên sản xuất sợi xuất khẩu tuyên bố đóng cửa nhà máy trong tháng 12/2020 với lý do giá cước tàu biển quá cao, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và chi phí sản xuất tại Việt Nam không còn rẻ như trước.
VnEconomy