MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp tìm cách "né" dành 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội

27-10-2022 - 13:42 PM | Bất động sản

Doanh nghiệp tìm cách "né" dành 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội

Trong quá trình lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) nhiều chuyên gia và doanh nghiệp tại TP.HCM quan tâm và nêu kiến nghị xung quanh quy định dành 20% quỹ đất dự án để xây dựng nhà ở xã hội.

Thực tế tại TP.HCM, số lượng nhà ở xã hội được xây dựng theo đúng quy định này rất thấp, thậm chí các chủ đầu tư hầu như đều thực hiện hoán đổi bằng nộp tiền để không phải xây dựng nhà ở xã hội.

Doanh nghiệp không mặn mà

Qua rà soát, Sở Xây dựng TP.HCM thống kê có 33 dự án nhà ở thương mại dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, dự kiến cung cấp cho thị trường khoảng 70.000 căn hộ. Trong 33 dự án này, có 14 dự án đã có đất sạch, 19 dự án còn lại chủ đầu tư chưa thực hiện xong việc bồi thường giải phóng mặt bằng. Để so sánh, số lượng nhà ở thương mại đang triển khai xây dựng trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025 là 146 dự án.

Mặc dù quy định nêu rõ dự án thuộc diện phải dành 20% quỹ đất là những dự án trên 2 ha tại đô thị đặc biệt và loại 1, tuy nhiên, những con số thống kê trên cho thấy doanh nghiệp không mặn mà với việc này. Ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cho biết, lý do chủ đầu tư chưa dành quỹ đất trong dự án của mình để xây dựng nhà ở xã hội, nhà giá thấp là do những chính sách quy định còn mang tính hình thức.

Doanh nghiệp tìm cách né dành 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Một dự án tại huyện Bình Chánh thực hiện dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.

Ông Sơn kiến nghị phải có thay đổi về quy định: “Một khu đô thị để dành ra một quỹ nhà ở xã hội thì rất khó thực hiện. Bây giờ Nhà nước tại sao không đấu giá, thu tiền đất để hỗ trợ lại, để làm hạ tầng? Rất khó để quy hoạch và đưa ra giá bán. Thị trường phải đúng nghĩa của nó”.

Cũng theo quy định, chủ đầu tư dự án có thể nộp tiền tương ứng giá trị quỹ đất 20% trong dự án. Thực tế, tại TP.HCM, các doanh nghiệp luôn ưu tiên lựa chọn hình thức hoán đổi này để “né” việc xây dựng nhà ở xã hội trong dự án của mình.

Ông Trần Quốc Dũng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh đề xuất, cho phép chủ đầu tư được nộp “tín chỉ” đầu tư nhà ở xã hội: “Chủ đầu tư đã thực hiện một dự án nhà ở xã hội nào đó thì sẽ được cấp các tín chỉ cho chủ đầu tư. Nó sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia đầu tư nhà ở xã hội, bởi các tín chỉ đó là tín chỉ quyền, có thể giao dịch trên thị trường giữa các chủ đầu tư với nhau”.

Doanh nghiệp tìm cách né dành 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội - Ảnh 2.

Người thu nhập thấp luôn mong mỏi có nhà ở để an cư.

Cần xây dựng phương án khả thi

Ông Bùi Xuân Huy – Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland kiến nghị, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có quyền lựa chọn việc dành quỹ đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội, hoặc chuyển đổi quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội sang một khu vực khác thuộc sở hữu hợp pháp của chủ đầu tư để phát triển thành một dự án nhà ở xã hội độc lập. Việc này, theo ông Huy là nhằm đảm bảo dành đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, thực hiện đúng nghĩa vụ của chủ đầu tư.

“Chúng tôi thấy việc này đảm bảo tính đồng bộ về không gian, cảnh quan, hạ tầng, khắc phục được những bất cập cả cho chủ đầu tư lẫn người có nhu cầu mua nhà ở xã hội” - ông Huy nói.

Doanh nghiệp tìm cách né dành 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội - Ảnh 3.

TP.HCM ngày càng vắng bóng dự án nhà ở xã hội độc lập.

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, không cần phân biệt quy mô, diện tích dự án, việc thực hiện nghĩa vụ xây dựng nhà ở xã hội nên thực hiện bằng 2 phương thức. Thứ nhất, có thể xây tại dự án nếu chủ đầu tư thấy phù hợp. Thứ hai là hoán đổi bằng quỹ nhà có giá trị tương đương, có thể quy định thành công thức cố định.

“Ví dụ 100 căn nhà ở xã hội tại Quận 2 thì có thể đổi ra 200 hoặc 300 căn nhà ở xã hội ở huyện Bình Chánh theo giá trị tương đương. Cách làm đó an toàn cho công chức, cho cán bộ Nhà nước khi xem xét hoán đổi vì mọi thứ đã có công thức” - ông Châu nêu ý kiến.

Quy định về việc dành quỹ đất để xây nhà ở xã hội là nhân văn, nhằm giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà ở cho người thu nhập thấp. Đối với việc sửa đổi Luật Nhà ở, cần xem xét các quy định cho phù hợp với thực tiễn để khuyến khích chủ đầu tư tham gia. Đồng thời, phải có phương án chế tài để đảm bảo chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ với xã hội./.

Theo Duy Phương

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên