MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp trái cây lo hết vốn vì cảnh "đến hẹn lại ùn ứ" ở cửa khẩu

31-12-2021 - 13:22 PM | Doanh nghiệp

Xe chở nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đang bị ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn và Quảng Ninh (ảnh: Vietnamplus)

Xe chở nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đang bị ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn và Quảng Ninh (ảnh: Vietnamplus)

Hàng ngàn xe container nông sản ùn ứ nhiều ngày tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc tương đương hàng ngàn tỷ đồng tổn thất của các doanh nghiệp.

Dịch Covid-19 căng thẳng đã khiến Trung Quốc thắt chặt các biện pháp kiểm tra với người và hàng hóa nhập cảnh, khiến lượng xe chở hàng hóa xuất khẩu từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã bị ùn tắc nghiêm trọng, có xu hướng gia tăng bởi đang là cao điểm thu hoạch nhiều loại trái cây. Lượng xe chờ thông quan thường xuyên trên 4.000 xe, cao điểm có lúc tới 6.200 xe container, chủ yếu là nông thủy sản, trái cây tươi.

Doanh nghiệp lo hết vốn

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vnfruit) cho biết, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh rau, quả đang chịu thiệt hại nặng nề khi hàng hóa nằm trên xe quá lâu. Do lượng xe container ùn tắc quá lớn, nhiều xe đã tháo dỡ hàng hóa vì hư hỏng, Vnfruit tính toán, thiệt hại của các doanh nghiệp có thể lên tới 3.000 - 4.000 tỷ đồng.

“Chưa kể, cứ mỗi ngày mắc kẹt, doanh nghiệp lại mất thêm khoảng 1,5 triệu đồng/xe cho các chi phí bến bãi, tiền xăng dầu để duy trì nhiệt độ bảo quản trái cây, chi phí ăn uống cho tài xế...”, ông Nguyên nói thêm.

Ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu cho biết: "Phần lớn hàng trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc của chúng tôi đi theo đường biển. Song, cuối năm đường biển cũng tắc, thời gian vận chuyển kéo dài không kịp giao cho khách hàng.

Do đó, một số đơn hàng cần giao gấp, chúng tôi chuyển sang đi đường cửa khẩu. Nhưng, tắc vẫn hoàn tắc, đã muộn lại còn muộn hơn", ông Hiệp nói.

Muộn nhưng ông Hiệp vẫn cảm thấy may mắn vì phần lớn container thanh long đưa lên cửa khẩu của doanh nghiệp đều "thoát nạn", đã đến lượt thông quan sang nước bạn.

Số còn lại phải đưa về Hà Nội tiêu thụ tại các chợ đầu mối vì cho dù có xếp hàng chờ đợi cũng không kịp thông quan.

Ông Hiệp cho biết riêng giá vốn thanh long trắng mua ở tại vườn đã 17.000 – 18.000 đồng/kg nhưng đến lúc xả hàng chỉ còn 2.000 – 3.000 đồng/kg; giá thanh long đỏ mua vào 25.000 – 30.000 đồng/kg nhưng bán ra chưa được một nửa.

Những trái thanh long thuộc dòng "xuất ngoại", được dán tem truy xuất nguồn gốc nay lại phải xả hàng ở chợ, lề đường với giá rẻ như cho.

Khơi thông “nông sản đường biên”: Sức ép xuất khẩu “chính ngạch” Ùn ứ nông sản cửa khẩu và bài học “tự nâng tầm”

Phần tiền thu lại từ việc bán tháo trái cây không thể bù đắp cho chi phí xăng dầu, vận chuyển, trả công cho tài xế… Con số thiệt hại kinh tế của Hoàng Hậu khá lớn và chưa thể thống kê chính xác.

"Sự cố này nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp trong khi sản lượng thanh long cho dịp Tết Nguyên đán còn khá nhiều, thời gian bảo quản tối đa 30 – 40 ngày.

Chúng tôi mong Chính phủ có thể hỗ trợ tiêu thụ, kết nối thị trường và làm những gì tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân", ông Hiệp nói.

Các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long sẽ càng điêu đứng khi phía Trung Quốc thông báo sẽ tạm ngưng nhập khẩu mặt hàng thanh long của Việt Nam trong 4 tuần do bị phát hiện có virus SAR-CoV-2, theo báo Thanh niên.

Cùng với những rào cản về kỹ thuật, thuế quan, xuất khẩu rau quả của của Việt Nam sang thị trường này sẽ khó khăn cho đến quý I/2022.

Ông Hiệp lo lắng: "Năm 2022 sẽ thật ảm đạm khi xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, thị trường chiếm 30-40% lượng hàng của Hoàng Hậu gặp nhiều bất lợi. Còn các thị trường khác như châu Âu, Mỹ… cũng khó khăn không kém vì giá cước, thời gian vận chuyển cao đều tăng.

Nông dân hết tiền, doanh nghiệp hết vốn trong khi giá vật tư, phân bón tăng phi mã, giá nông sản giảm 50%. Cứ đà này, tỷ lệ người dân bỏ nông nghiệp rất cao".

Làm sao xóa cảnh "đến hẹn lại lên"

Nông sản Việt Nam bị “tắc đường” xuất khẩu sang Trung Quốc đã xảy ra nhiều lần, nhất là 2 năm dịch bệnh 2020-2021, nhưng lần này, số lượng hàng ùn ứ lớn nhất. Thực tế này đòi hỏi ngành sản xuất, chế biến nông sản cần nâng chuẩn nhanh, đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao mà thị trường này đặt ra.

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải Quan) khuyến cáo, Trung Quốc ngày càng đưa ra các quy định khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu. Do đó, nông dân và doanh nghiệp cần thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn… Ngoài ra, cần điều tiết sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường; căn cứ khả năng sản xuất để phát triển công nghiệp chế biến nhằm tăng giá trị nông sản chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, đầu tư hệ thống kho trữ, bảo quản nông sản.

Doanh nghiệp trái cây lo hết vốn vì cảnh đến hẹn lại ùn ứ ở cửa khẩu - Ảnh 1.

Một số chủ hàng buộc phải đưa xe hàng quay đầu và đỗ dọc quốc lộ 1A để mở container bán đổ, bán tháo với giá rẻ nhằm gỡ gạc phần nào chi phí

Tình trạng hàng hoá ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc được lý giải bởi nhiều nguyên nhân. Tính toán của Cục Hải quan Lạng Sơn cho thấy, với thực tế thông quan mỗi ngày chỉ vài chục xe, tới Tết Nguyên đán mới giải phóng được một nửa số đang ùn tại các cửa khẩu địa phương này.

Tỷ lệ lớn xe xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch mậu biên, cũng là lý do khiến dòng xe ùn tắc dài dịp cuối năm. Theo hải quan Lạng Sơn, tỷ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch qua tỉnh này thấp, chỉ khoảng 3%, còn phần lớn hàng xuất diện tiểu ngạch.

Chia sẻ về hướng đi cho doanh nghiệp trên VnExpress, Tiến sĩ Võ Mai, chuyên gia nông nghiệp cho biết trước tiên là doanh nghiệp cần thay đổi phương thức xuất khẩu, từ tiểu ngạch qua mậu biên sang chính ngạch.

Tiến sĩ Mai cho rằng, cung cách làm ăn lâu nay đã không còn hợp thời khi Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Họ đã nâng tiêu chuẩn, quy chuẩn với hàng nhập khẩu từ các nước nên "giờ chúng ta không chuyển đổi sản xuất là thua".

Từ 1/1/2022, theo chính sách mới, tất cả hàng hoá thực phẩm, trong đó có nông sản nhập khẩu vào Trung Quốc bắt buộc phải đáp ứng các quy định mới về đăng ký, kiểm tra và dán nhãn.

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải Quan) khuyến cáo, Trung Quốc ngày càng đưa ra các quy định khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu. Do đó, nông dân và doanh nghiệp cần thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn… Ngoài ra, cần điều tiết sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường; căn cứ khả năng sản xuất để phát triển công nghiệp chế biến nhằm tăng giá trị nông sản chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, đầu tư hệ thống kho trữ, bảo quản nông sản.


Theo Khánh Hà

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên