MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp từ chối đơn hàng vì "khát" lao động

30-12-2021 - 10:51 AM | Doanh nghiệp

Toạ đàm “Tác động của Covid 19 tới lao động ngành dệt may, da giày và hoạt động của tổ chức Công đoàn” do Viện Công nhân Công đoàn tổ chức.- ảnh: DĐDN

Toạ đàm “Tác động của Covid 19 tới lao động ngành dệt may, da giày và hoạt động của tổ chức Công đoàn” do Viện Công nhân Công đoàn tổ chức.- ảnh: DĐDN

Hiện, tình trạng đơn hàng không thiếu nhưng nhiều doanh nghiệp dệt may, nhất là khu vực phía Nam vẫn phải từ chối do thiếu lao động, chi phí tăng cao.

Phát biểu tại Toạ đàm “Tác động của Covid 19 tới lao động ngành dệt may, da giày và hoạt động của tổ chức Công đoàn”, TS Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn cho biết, bên cạnh nhóm chịu tác động lớn nhất từ đại dịch Covid-19 là nhóm du lịch, thì nhóm lao động ngành dệt may, da giày là nhóm bị ảnh hưởng số 2 với khoảng 50-60% lao động bị ảnh hưởng.

Áp lực "kép"

Phó Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn nhấn mạnh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, những khó khăn, vướng mắc, kể cả những thiệt hại và những nỗ lực mà các doanh nghiệp trong hai ngành Dệt may - Da giày Việt Nam phải đối diện và vượt qua trong suốt 2 năm vừa qua là rất lớn.

“Ngay cả trong quá trình chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid hiện nay, tình trạng đơn hàng không thiếu nhưng nhiều doanh nghiệp dệt may, nhất là khu vực phía Nam vẫn phải từ chối do thiếu lao động, chi phí tăng cao, cộng với các biện pháp phòng, chống dịch khiến phải đầu tư nhiều hơn... vẫn là những mối lo thường trực của các doanh nghiệp”, TS Nhạc Phan Linh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Phó Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh còn rất căng thẳng, tính đến cuối năm 2021, so với các lĩnh vực sản xuất khác, những tín hiệu từ Dệt may – Da giầy là rất đáng mừng.

Cụ thể, đối với ngành dệt may, việc các doanh nghiệp trở lại hoạt động, kết hợp một số thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật... mở cửa, giúp ngành tăng trưởng trở lại. Tỷ lệ người lao động trở lại các nhà máy làm việc đạt hơn 90% và các doanh nghiệp lớn đều đạt, vượt kế hoạch. Xuất khẩu toàn ngành cán mốc 39 tỷ USD, tăng hơn 11% so với cùng kỳ 2020. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức lãi tăng gấp đôi năm ngoái.

Đối với ngành da giày, tuy đại dịch Covid-19 đã gây ra không ít khó khăn, nhưng ngành da giày vẫn đạt được những kết quả tích cực. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, đến nửa đầu tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu giày dép và túi xách đạt 17,5 tỷ USD,  tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD của Hiệp hội Da, Giày và Túi sách Việt Nam - LEFASO rất có khả năng đạt được.

Vậy, một câu hỏi đặt ra là sự hồi phục, tăng trưởng dương của 2 ngành Dệt may và Da giày có tạo ra sự tỷ lệ thuận trong vấn đề việc làm và đời sống của người lao động hay không? “Liệu với mức lương bình quân của công nhân ngành may 8,2-8,3 triệu đồng một tháng khu vực phía Bắc, 7-10 triệu đồng khu vực phía Nam, dự kiến về mức thưởng Tết là từ 1-1,5 tháng, có đơn vị là 3 tháng lương (thậm chí ước tính được nhận tới 12-16 triệu đồng dịp Tết người lao động phía Bắc) liệu đã phản ánh đầy đủ, có thể đại diện hết cho các khía cạnh về công việc, cuộc sống, sinh kế của công nhân, lao động ngành dệt may – da giày năm 2021 hay chưa?”, TS Nhạc Phan Linh đặt vấn đề.

Nghiên cứu “Tác động của Covid 19 đến việc làm và đời sống của người lao động ngành dệt may và da giày ở Việt Nam” của Viện Công nhân Công đoàn cho biết, khảo sát cho thấy Covid-19 ảnh hưởng đến trên 94% người lao động tham gia khảo sát trong đó hơn 60% ngừng việc, 27% làm việc 3 tại chỗ và 6% làm việc luân phiên.

Về tác động tới thu nhập, đời sống người lao động, có tới 81% người lao động cho biết tiền thưởng bị giảm trên 50%, 74% cho biết phụ cấp bị giảm trên 50%, 70,7% có tiền lương làm thêm giờ bị giảm trên 50%, 46% cho biết tiền lương bị giảm trên 50%.

Doanh nghiệp từ chối đơn hàng vì khát lao động - Ảnh 1.

Ngay cả trong quá trình chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid hiện nay, tình trạng đơn hàng không thiếu nhưng nhiều doanh nghiệp dệt may, nhất là khu vực phía Nam vẫn phải từ chối do thiếu lao động, chi phí tăng cao.

Bà Nguyễn Thanh Hoàn, Trưởng ban Chính sách Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, tăng chi phí sản xuất và khó khăn về lao động. Trong đó, riêng việc đảm bảo an toàn cho người lao động và hoạt động của doanh nghiệp, các doanh nghiệp phải thực hiện “3 tại chỗ” khiến chi phí phát sinh cao như chi phí xét nghiệm cho người lao động, chi cơ sở vật chất cho người lao động ngủ, nghỉ tại chỗ, chi phí sinh hoạt và chi phí ăn 3 bữa/ngày…ước tính chi phí tăng thêm 5 triệu đồng/người lao động/tháng.

Những doanh nghiệp không đủ điều kiện thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” phải cho người lao động ngừng việc cũng nỗ lực trả lương ngừng việc hoặc hỗ trợ một phần thu nhập để người lao động cầm cự cho đến khi có thể quy trở lại làm việc.

Về khó khăn về lao động, dịch bùng phát lần thứ 4 ước tính có khoảng gần 1 triệu lao động dệt may bị ảnh hưởng do phải nghỉ việc, nghỉ việc luân phiên, giảm giờ làm, nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, thu nhập giảm sút.

Tăng cường cơ chế thương lượng

Ở địa phương, Đại diện Liên đoàn Lao động TP HCM cho biết đang quản lý  19.000 công đoàn cơ sở, trong đó, công đoàn ngành dệt may Thành phố quản lý 12 doanh nghiệp ngành dệt may với hơn 6.000 người lao động. công đoàn cơ sở với 13 triệu đoàn viên/1 người lao động. Giai đoạn từ ngày 1/6-2/10 địa bàn thành phố có hơn 1.100 doanh nghiệp giải thể, ngừng việc, thu hẹp sản xuất với hơn 30.200 lao động bị mất việc, ngừng việc, phải làm việc luân phiên…chủ yếu tập trung ở các ngành sản xuất do thiếu nguyên phụ liệu gia công…

Bên cạnh những gỉai pháp chủ động chia sẻ, hỗ trợ với người lao động, Liên đoàn Lao động TP HCM đề xuất, thứ nhất, phối hợp với doanh nghiệp, cơ quan rà soát lại lực lượng lao động, chủ động phối hợp xây dựng phương án lao động, thông tin hỗ trợ doanh nghiệp kết nối nguồn lao động.

Thứ hai, tăng cường thực hiện cơ chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường đối thoại, thông tin đa chiều giữa người sử dụng lao động, người lao động và tổ chức công đoàn nhằm chia sẻ khó khăn, đảm bảo việc làm cho người lao động, quan hệ lao động hài hoà ổn định.

Thứ ba, phối hợp với doanh nghiệp đẩy mạnh tư vấn sức khoẻ, tư vấn tâm lý và tư vấn pháp luật phát huy hiệu quả các tổ tư vấn hiệu quả để kịp thời hỗ trợ, tổng hợp phản ánh, kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền.

Thứ tư, tuyên truyền vận động người lao động thực hiện nghiêm túc các biện pháp chống dịch, thông điệp 5K…

Thứ năm, phối hợp với bệnh viện phục hồi chức năng và bệnh nghề nghiệp thành phố hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực y tế tại doanh nghiệp, chủ động phòng chống dịch…kết nối thông tin, giám sát hỗ trợ khai báo y tế qua mạng, công nghệ 4.0.

Thứ sáu, chỉ đạo tổ chức Tài chính vi mô CEP có chính sách hỗ trợ vay vốn, giảm lãi vay, gia hạn trả nợ cho đoàn viên công đoàn, lao động khó khăn, tăng cường phát vay hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên công đoàn, người lao động, chống tín dụng đen.

Thứ bảy, thực hiện chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch theo chính sách của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các gói hỗ trợ của Liên đoàn lao động thành phố.

Trong khi đó, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Hồ Thị Kim Ngân cho biết, trước tình hình lao động ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương…tổ chức công đoàn đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ đoàn viên, người lao động như cung cấp nhu yếu phẩm, vận động chủ các nhà trọ giảm tiền phòng cho công nhân lao động, dựng các trạm “Nghĩa tình Công đoàn” tại các khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, trao các phần quà góp phần giúp đỡ đời sống người lao động khắc phục những tác động của dịch bệnh...

về lâu dài, vai trò của công đoàn trong công tác đối thoại, thương lượng sẽ là một trong những chủ đề cần triển khai, thúc đẩy mạnh mẽ trong năm 2022 để có thể giúp người lao động ứng phó với dịch bệnh. “Về cơ chế đối thoại, không chỉ đối thoại ở cấp cơ sở mà cần tăng cường, thúc đẩy hơn nữa thương lượng ở các nhóm doanh nghiệp tại địa phương. Trong những ngành và cấp tỉnh cũng như cấp Tổng Liên đoàn cũng cần có nhiều hơn nữa các cuộc tọa đàm, trao đổi về sự chỉ đạo, phối hợp giữa 3 bên và trong quan hệ lao động để thúc đẩy được cơ chế đối thoại và thương lượng trong thời gian tới được tốt hơn”, bà Hồ Thị Kim Ngân nhấn mạnh.


Theo Thy Hằng

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên