Doanh nghiệp tự ý đóng cửa chợ, dân Bát Tràng lao đao
Ngày 7/2, trước kiến nghị của các tiểu thương chợ gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) phản đối việc bất ngờ đóng cửa chợ, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã yêu cầu phải mở cửa chợ trở lại cho dân. Điều đáng nói, việc doanh nghiệp này tự ý đóng cửa chợ để sửa chữa, nâng cấp chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép.
Tiểu thương mong ổn định
Ông Lê Trần Thắng, Phó chánh văn phòng UBND huyện Gia Lâm cho biết, ngay trong ngày 7/2, các cơ quan ban ngành của huyện đã họp bàn với các bên liên quan việc các tiểu thương chợ gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng) bức xúc khi chợ bất ngờ bị đóng cửa.
“Chúng tôi chỉ mong muốn được làm ăn yên ổn trên mảnh đất mà chính bà con đã bỏ tiền, công sức gây dựng hơn chục năm nay. Nguyện vọng của bà con tiểu thương là được thành phố cho thuê, giao đất kinh doanh ở chợ gốm Bát Tràng”, ông Phùng Văn Hữu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã chợ gốm làng cổ Bát Tràng nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, trong vụ việc này, phía Công ty Cổ phần sứ Bát Tràng đã đơn phương, tự ý đóng cửa chợ, mặc dù trước đó UBND xã Bát Tràng đã có công văn yêu cầu không đóng cửa vì ảnh hưởng đến việc buôn bán của người dân. Ông Thuần cho biết, ngày 21/1, phía Công ty Cổ phần sứ Bát Tràng đã dán thông báo sẽ đóng cửa chợ từ ngày 6/2 để nâng cấp, sửa chữa chợ gốm.
Tuy nhiên, việc sửa chữa, nâng cấp, xây dựng chợ chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép. “Kết thúc buổi làm việc hôm nay, đại diện Công ty Cổ phần sứ Bát Tràng đã cam kết một số nội dung trong đó có việc mở cổng chợ. Họ phải đóng điện, cấp nước trở lại và trả lại nguyên trạng cơ sở vật chất, môi trường kinh doanh, du lịch cho bà con tiểu thương vào buôn bán bình thường”, ông Thuần nói.
Thanh tra việc quản lý, sử dụng đất làm chợ
Liên quan đến tình trạng pháp lý của khu đất chợ gốm Bát Tràng, lãnh đạo huyện Gia Lâm cho hay, khu đất của chợ gốm trước đây do UBND TP Hà Nội giao cho Xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng thuộc Tổng Công ty thương mại Hà Nội-Hapro sử dụng dưới hình thức thuê đất. Hợp đồng thuê đất của doanh nghiệp này đã kết thúc vào năm 2009.
Theo tìm hiểu, hiện có hơn 100 tiểu thương kinh doanh ổn định từ 14 năm nay tại chợ gốm Bát Tràng dưới hình thức thuê lại của Xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng. Bà con tiểu thương đã góp tiền tôn tạo thành các ki ốt để kinh doanh. Tháng 6/2016, Hapro cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng cho Công ty Cổ phần sứ Bát Tràng.
Tuy nhiên, Công ty cổ phần sứ Bát Tràng mới chỉ sở hữu phần tài sản trên đất ở chợ gốm sứ, chưa bao gồm diện tích đất. “Công ty Cổ phần sứ Bát Tràng mới mua lại tài sản trên đất, chứ chưa có đất. Họ chưa phải là chủ thể được nhà nước cho thuê đất, giao đất”, vị lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm nhấn mạnh.
Cũng theo vị lãnh đạo huyện Gia Lâm, cuối năm 2016, Sở TN&MT Hà Nội đã thanh tra việc quản lý sử dụng đất của Hapro tại khu vực xã Bát Tràng. Kết luận thanh tra này đang được hoàn thiện và sắp tới sẽ công bố. “Sau khi có kết luận thanh tra thì UBND TP Hà Nội sẽ xem xét quyết định cụ thể việc sử dụng khu đất tại chợ gốm sứ Bát Tràng”, ông Thuần nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, trong vụ việc này, phía Công ty Cổ phần sứ Bát Tràng đã đơn phương, tự ý đóng cửa chợ, mặc dù trước đó UBND xã Bát Tràng đã có công văn yêu cầu không đóng cửa.
Tiền phong