Doanh nghiệp và các lãnh đạo ‘ồ ạt’ gom mua cổ phiếu, liệu thị trường đã tạo đáy?
Nhiều doanh nghiệp và lãnh đạo đăng ký mua lượng lớn cổ phiếu khi thị trường lao dốc đem lại kỳ vọng giá cổ phiếu đã trở về mức hấp dẫn.
Thời gian gần đây, sau khi thị trường chịu đợt sụt giảm mạnh thứ ba kể từ thời điểm lập đỉnh vào tháng 4/2018, liên tiếp các thông tin mua cổ phiếu quỹ của nhiều doanh nghiệp được thông báo ra thị trường.
Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) vừa thông qua việc mua lại 3,8 triệu cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ, tương ứng với 4,8% vốn điều lệ của công ty. Giá mua lại được xác định trong khoảng 140.000 đồng/cp đến 180.000 đồng/CP.
Trước đó, Công ty cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (HoSE: HAX) cũng đã thông qua phương án mua tối đa 1 triệu cổ phiếu, tương đương với 2,86% vốn điều lệ làm cổ phiếu quỹ. Trước giao dịch, HAX không sở hữu cổ phiếu quỹ.
Hồi đầu tháng 11, CTCP Hóa An (HoSE: DHA) và CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco, HoSE: HDC) cũng đưa ra quyết định mua lại một lượng lớn cổ phiếu quỹ.
Các doanh nghiệp chọn khoảng thời điểm này để mua cổ phiếu quỹ sau khi giá cổ phiếu giảm 30-40% trong nửa năm qua. Có 3 lý do để doanh nghiệp ra quyết định mua cổ phiếu quỹ: (i) đỡ giá cổ phiếu khi ban lãnh đạo nhận định cổ phiếu bị quá bán về dưới giá trị thực, (ii) mua lại cổ phiếu quỹ sẽ giảm lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường, qua đó làm tăng lợi nhuận trên vốn cổ phần (EPS) và làm lợi cho cổ đông hiện hữu, (iii) kích thích giá cổ phiếu đi lên cho giai đoạn mới. Mặt khác, nếu mua cổ phiếu quỹ ở giá thấp thì khi thị trường hồi phục, doanh nghiệp sẽ có một khoản thặng dư vốn cổ phần nếu bán ra trên thị trường. Nhìn chung, việc mua lại cổ phiếu của chính mình an toàn hơn mua cổ phiếu của một công ty khác vì ban lãnh đạo hiểu rõ mô hình kinh doanh và tiềm năng phát triển của công ty. Bên cạnh đó, cũng hạn chế tình trạng pha loãng cổ phiếu như khi phát hành mới.
Tuy nhiên, hành động mua lại cổ phiếu quỹ để đỡ giá cổ phiếu sẽ không còn được dễ dàng như trước. Theo dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), trừ trường hợp mua lại cổ phiếu ESOP của cán bộ công nhân viên , mua lại cổ phiếu lẻ, mua cổ phiếu để sửa lỗi giao dịch, công ty đại chúng thực hiện mua lại cổ phiếu của chính mình phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị mệnh giá các cổ phiếu được công ty mua lại trong thời hạn mười (10) ngày, kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán mua lại cổ phiếu. Các doanh nghiệp nêu ý kiến cho rằng việc này sẽ làm mất thời gian và gây ra nhiều rắc rối về mặt thủ tục.
Lãnh đạo và người thân cũng đua nhau mua gom cổ phiếu
Không chỉ các doanh nghiệp đua nhau gom vào cổ phiếu mà bản thân chính các lãnh đạo và người có liên quan cũng ồ ạt đăng ký mua vào, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – HoSE:VPB) ông Ngô Chí Dũng thông báo đăng ký mua 8 triệu cổ phiếu VPB. Đồng thời, mẹ ông Dũng - bà Vũ Thị Quyên cũng đăng ký mua 13 triệu cổ phiếu.
Bên cạnh đó, ông Đỗ Minh Quân, con trai ông Đỗ Anh Tú - Phó Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB), đăng ký mua vào 25 triệu cổ phiếu TPB, tương đương 3,75%.
Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank – mã chứng khoán: HDB), ông Nguyễn Hữu Đặng đã đăng ký mua 500.000 cổ phiếu HDB với thời gian dự kiến thực hiện từ 19/11/2018 – 30/11/2018.
Trước đó, CTCP Đầu tư Thành Thành Công đăng ký mua 45 triệu cổ phiếu SBT của CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa. Công ty Đầu tư TTC do bà Đặng Huỳnh Ức My làm Chủ tịch HĐQT. Đồng thời, bà My cũng là Thành viên HĐQT của SBT.
Rõ ràng việc ban lãnh đạo và người thân đăng ký mua vào cổ phiếu sẽ giúp tâm lý nhà đầu tư tỏ ra bớt bi quan hơn trong bối cảnh thị trường liên tục có diễn biến xấu như vừa qua. Việc tăng tỷ lệ sở hữu thể hiện sự đồng hành của đội ngũ lãnh đạo trên chặng đường phát triển của công ty và điều này phần nào giúp hỗ trợ giá cổ phiếu.
Qua hành động mua gom cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp và các lãnh đạo, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng một tương lai tích cực hơn cho thị trường thời gian tới. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán vẫn tỏ ra khá thận trọng với thời điểm hiện tại. Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), tình hình giao dịch hiện tại trên thị trường rất ảm đạm và gây ra nhàm chán cho nhà đầu tư. Lúc này cần những thông tin xúc tác mới có thể giúp thị trường lấy lại động lực cho một xu hướng rõ ràng hơn, còn không thì khả năng cao sẽ vẫn là những nhịp đi ngang và rung lắc với thanh khoản thấp.
Tương tự, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS) cho rằng dòng tiền khá yếu và thiếu sự lan tỏa. Trong ngắn hạn, thị trường khó đi xa nếu tình trạng này tiếp tục tiếp diễn.
Còn theo Công ty chứng khoán FPT (FPTS), nếu yếu tố tâm lý không thay đổi thì thị trường Việt Nam khả năng sẽ tiếp tục có phiên tăng điểm. Tuy nhiên, trạng thái này nếu kéo dài sẽ tiềm ẩn rủi ro khi cuộc đàm phán Mỹ - Trung trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh G20 không mang lại kết quả mong đợi. Việc giao dịch lúc này vẫn chỉ thuận lợi cho mục tiêu trading giảm giá vốn hoặc tìm kiếm cơ hội tại các hợp đồng tương lai. Kỳ vọng đi theo xu hướng vẫn nên tạm dừng cho đến khi có sự cải thiện của thanh khoản.