MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp vẫn ngại thanh toán điện tử

04-07-2020 - 15:02 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc khuyến khích doanh nghiệp sử dụng sản phẩm công nghệ, dịch vụ tài chính, ngân hàng hiện đại sẽ góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Ngày 4-7, chương trình Cà phê Doanh nhân lần thứ 52 do Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP HCM (HUBA) tổ chức sẽ diễn ra với chủ đề "Nguồn vốn và thanh toán hiện đại".

Kết quả tích cực

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thời gian qua dù bị ảnh hưởng dịch Covid-19, song hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ với nhiều sản phẩm, tiện ích NH mới, hiện đại được áp dụng, số lượng và giá trị thanh toán tăng trưởng mạnh.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, cho biết để hỗ trợ DN bớt khó khăn vì dịch Covid-19, NHNN đã ban hành thông tư về điều chỉnh giảm 50% phí giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên NH (áp dụng từ ngày 1-4 đến 31-12-2020).

NHNN cũng 2 lần chỉ đạo Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) và tổ chức tín dụng thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán. Đến nay, đã có 100% NH xác nhận thực hiện chính sách miễn, giảm phí cho khách hàng. Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà NH miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 khoảng 1.004 tỉ đồng.

Theo Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC), hiện tỉ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt trên 98%. Việc đa dạng hóa hình thức thu tiền điện có ưu điểm là nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của khách hàng và thời gian thanh toán được linh hoạt. Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, cho biết việc thu tiền điện đang được thực hiện thông qua 23 NH và 10 đối tác thu hộ trên địa bàn TP với tỉ lệ thu không sử dụng tiền mặt lên tới 98,36% về khách hàng, tương ứng 98,31% về giá trị tiền. Trong đó, tỉ lệ khách hàng thanh toán qua website, ví điện tử... tăng dần vài năm nay, phù hợp với xu thế chung của thương mại điện tử và thanh toán tiền điện hiện vẫn hoàn toàn miễn phí.

Theo các chuyên gia, những lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt đối với cả khách hàng cá nhân và DN trong xu hướng bùng nổ công nghệ là rất lớn. Đơn cử, chương trình Ủng hộ nông sản Việt do ví điện tử MoMo phối hợp cùng Saigon Co.op thực hiện sau 20 ngày vừa kết thúc với hơn 75 tấn vải thiều Lục Ngạn; 2.855 kg gạo ST Xuân Hồng được bán tới người tiêu dùng và kêu gọi quyên góp hơn 86 triệu đồng hỗ trợ chi phí đến trường cho con em nông dân khó khăn. Kết quả đạt được không chỉ giúp giải quyết bài toán ngắn hạn là hỗ trợ người nông dân tìm đầu ra cho nông sản trong bối cảnh sau dịch Covid-19, còn giúp mở ra hướng đi mới cho tiêu thụ nông sản trong tương lai.

Doanh nghiệp vẫn ngại thanh toán điện tử - Ảnh 1.

Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến trong nhiều lĩnh vực nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn lưỡng lự khi sử dụng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Doanh nghiệp còn dè dặt

Dù các NH thương mại liên tục triển khai chương trình khuyến mại, ưu đãi, đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ NH mới ứng dụng công nghệ nhưng lãnh đạo một số NH thương mại cho biết đa số DN liên hệ tới NH chỉ quan tâm đến việc gửi tiền hoặc vay vốn. Họ chưa mặn mà với việc sử dụng kênh thanh toán hiện đại vào hoạt động quản lý dòng tiền, giảm chi phí vốn…

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo nhiều DN chỉ ra vướng mắc lớn nhất không nằm ở công nghệ, ứng dụng của bên cung cấp dịch vụ mà từ tâm lý DN. Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cơ khí Duy Khanh, thẳng thắn: "Có vài điều cần cân nhắc kỹ trước khi dùng dịch vụ thanh toán online, đặc biệt quan trọng là vấn đề kiểm soát dòng tiền. Bởi khi thanh toán online phải dùng chữ ký số, việc chia sẻ chữ ký số với những cá nhân, bộ phận liên quan khá nhạy cảm và tiềm ẩn rủi ro so với chữ ký "sống". Bởi khi giám đốc trực tiếp ký sẽ biết đã chi những khoản gì, số tiền bao nhiêu" - ông Tống băn khoăn.

Tổng giám đốc một công ty thực phẩm tại TP HCM cũng cho biết đã nhiều lần bác đề xuất của giám đốc tài chính về sử dụng dịch vụ thanh toán online cũng vì chưa cảm thấy yên tâm. Vị này đồng thời là giám đốc một công ty con ở tỉnh, do không thể trực tiếp có mặt ký các loại giấy tờ của công ty con nên đã ủy quyền cho trưởng phòng tài chính ký thay và kiểm soát bằng cách yêu cầu NH thông báo mọi biến động tài khoản ra/vô vào số điện thoại của mình. Tương tự, ngay tại tổng công ty, những khoản chi lớn đều phải xin ý kiến và trình tổng giám đốc ký duyệt. "Dù biết thanh toán điện tử có một số thuận lợi nhưng đụng đến tài chính phải rất cẩn trọng, thà chậm một chút mà an toàn" - vị tổng giám đốc này giải thích.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch HUBA, cho rằng phần lớn DN nhỏ và vừa chỉ quan tâm điều kiện xét duyệt cho vay và thủ tục giải ngân của NH, còn việc quản lý dòng tiền, giao dịch thế nào… vẫn chuộng phương thức cũ. Nhân viên kế toán cũng muốn ra NH giao dịch để có hóa đơn chứng từ rõ ràng, ít nhất cũng có chữ ký của nhân viên giao dịch cho yên tâm.

Theo Thái Phương - Thanh Nhân

Người lao động

Trở lên trên