MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp vàng muốn được… bình thường

16-05-2016 - 09:06 AM | Tài chính - ngân hàng

Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng không được đối xử công bằng?...

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam vừa có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành.

Hiệp hội cho biết, hiện nay, về hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa ngừng hoạt động, hoặc chuyển sang kinh doanh các ngành nghề khác.

Nguyên do, các doanh nghiệp không có vàng nguyên liệu và không được vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức.

Cụ thể, từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp kinh doanh vàng không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, mặc dù Nghị định 24/NĐ-CP (khoản 3, điều 14) cho phép.

Theo Hiệp hội, điều đó buộc các doanh nghiệp phải mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, không đảm bảo được nguồn nguyên liệu ổn định và có chất lượng, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cũng như tác động tiêu cực đến việc điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước.

Theo ước tính của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, dựa trên số liệu thống kê từ các doanh nghiệp hội viên, nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu hàng năm cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ ở Việt Nam hiện khoảng hơn 20 tấn/năm.

“Do vậy, nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu, thì cũng không đáng ngại. Bởi vì, với việc giá vàng trong nước đang biến động theo sát giá vàng quốc tế như hiện nay, thậm chí có nhiều thời điểm giá vàng trong nước còn thấp hơn giá vàng quốc tế, thì hoạt động xuất khẩu và xuất khẩu tại chỗ vàng trang sức, mỹ nghệ của các doanh nghiệp sẽ tái tạo ngoại tệ, góp phần cân đối cung cầu ngoại tệ cho đất nước”, văn bản trên lập luận.

Theo đó, Hiệp hội cho rằng, trong thời gian trước mắt, để tránh việc “nhập khẩu vàng nguyên liệu tràn lan” để làm vàng nhẫn hay bán nguyên liệu ra thị trường tự do, ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước, thì Ngân hàng Nhà nước chỉ nên cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho những doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Ở một khó khăn khác, văn bản trên nêu lên thực tế các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ khó tiếp cận vốn tín dụng.

Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, với các quy định hiện hành, Ngân hàng Nhà nước không cấm các tổ chức tín dụng cho vay vốn để doanh nghiệp mua vàng nguyên liệu cho mục đích sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ, nhưng phải được sự chấp thuận của Thống đốc đối với từng trường hợp cụ thể.

“Mặc dù vậy, nhưng đã hơn 4 năm nay chưa có doanh nghiệp nào được vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, và Ngân hàng Nhà nước cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, điều kiện và thủ tục trình Thống đốc xin vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ”, Hiệp hội cho biết.

Với những phản ánh và thực tế trên, tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vàng cho rằng, ngành vàng nữ trang cũng giống như các ngành kinh tế khác, hoạt động bình đẳng theo Luật doanh nghiệp.

“Nếu cơ quan chức năng hạn chế quyền vay vốn tín dụng của các doanh nghiệp nữ trang, thì sẽ không thực sự công bằng đối với những doanh nghiệp này”, văn bản của Hiệp hội gửi Thống đốc viết.

Hiệp hội cũng lập luận thêm, trên thực tế, sản xuất kinh doanh vàng trang sức là hoạt động kinh doanh thông thường, không thuộc đối tượng bị cấm hay hạn chế kinh doanh.

Bởi vậy, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhấn mạnh: “Đã đến lúc Nhà nước cần tháo gỡ những khó khăn về mặt chính sách cho các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, phấn đấu xây dựng ngành vàng nữ trang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như các quốc gia trong khu vực, góp phần tạo việc làm cho người lao động, tái tạo ngoại tệ cho đất nước và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước”.

Theo Nhật Nam

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên