MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp “vàng trắng” được mùa

28-02-2017 - 15:49 PM | Doanh nghiệp

Kết quả kinh doanh năm 2016 tích cực đang khiến các doanh nghiệp cao su tự nhiên kỳ vọng hơn về câu chuyện trở lại

“Điểm sáng” quý IV

Từ đầu năm 2016, giá cao su đã có dấu hiệu phục hồi và tạo đáy. 9 tháng đầu năm 2016, giá cao su nằm ở mức trung bình 1.06 yên/tấn, ngang bằng mức trung bình năm 2015. Theo tính chu kỳ, các doanh nghiệp ở giai đoạn cuối năm thường có mức sản lượng cao. Do đó, mặt bằng giá cao su trong Quý IV/2016 sẽ đóng vai trò quyết định đến tình hình lợi nhuận của các doanh nghiệp cao su.

Thực tế đã cho thấy sau khi đi ngang trong quý III/2016, giá cao su có xu hướng hơi nhỉnh lên và đã đạt đỉnh trong năm ở tháng 11 đã khiến lợi nhuận từ hoạt động sản xuất cao su của doanh nghiệp ở quý IV/2016 nói riêng và kết quả kinh doanh năm 2016 đạt kết quả tốt.

Thống kê kết quả tài chính 5 doanh nghiệp cao su tự nhiên trong năm 2016 gồm CTCP Cao su Đông Phú (mã DPR), CTCP Cao su Phước Hòa (mã PHR), CTCP Cao su Hòa Bình (mã HRC), CTCP Cao su Thống Nhất (mã TNC) và CTCP Cao su Tây Ninh (mã TRC) cho thấy, kết quả kinh doanh riêng quý IV chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu doanh thu cả năm, đều trên 35%, lớn nhất là HRC (46%), TRC (43%).

Sau 5 năm liên tục giảm, báo cáo tài chính 2016 đã đánh dấu sự tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp cao su tự nhiên.

Tổng doanh thu thuần 5 doanh nghiệp trên năm 2016 là hơn 2.524 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 4% nhưng tổng lợi nhuận sau thuế là gần 492 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù vậy, là doanh nghiệp đóng góp doanh thu và lợi nhuận lớn nhất toàn ngành nhờ lợi thế khai thác lớn nhất ngành với gần 15.000ha nhưng PHR đang chững lại khi doanh thu năm 2016 giảm nhẹ trong khi lợi nhuận chỉ tăng trưởng 2%.

Cao su Đồng Phú là doanh nghiệp khai thác lớn thứ 2 toàn ngành nhưng doanh thu không có sự tăng trưởng, trong khi lợi nhuận cũng chỉ tăng nhẹ 8%.

Trong khi đó, sự đột phá đến từ TRC và TNC khi doanh thu mặc dù giảm song lợi nhuận tăng lần lượt 32% và 73% so với cùng kỳ.

Năm 2016 duy chỉ có HRC có sự sụt giảm lợi nhuận do trong năm nay HRC không ghi nhận khoản doanh thu xuất khẩu mủ cao su, trong khi cùng kỳ năm trước đạt hơn 18,5 tỷ đồng. Cùng với đó, phần doanh thu từ cây cao su thanh lý, gãy đổ năm nay chỉ đạt hơn 5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái khoản này đạt gần 37 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả cũng đã vượt xa kế hoạch 6 tỷ đồng được đặt ra.

Tiếp tục kỳ vọng vào giá cao su 2017

Giá cao su trong những ngày đầu tiên của năm 2017 đã có khởi đầu tốt với mức tăng trưởng 10%. Nhận thấy giá cao su tăng, nhiều doanh nghiệp tăng lượng xuất khẩu trong tháng đầu tiên của năm nay. Cụ thể, trong tháng 1/2017, Việt Nam đã xuất khẩu 102.000 tấn, thu về là 193 triệu USD, tăng 10,5% về lượng và 85% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Dù giá cao su sau đó đã giảm sàn liên tiếp, và mới chỉ tăng trở lại ở phiên giao dịch ngày 25/2, Hiệp hội các Nước sản xuất Cao su Thiên nhiên (ANPRC) vẫn đưa ra tín hiệu lạc quan về giá cao su 2017, cụ thể:

Nguồn cung trong tháng 1/2017 đã giảm khi các tỉnh sản xuất cao su lớn ở Thái Lan đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt và một số nước sản xuất cao su lớn đã bắt đầu nghỉ đông. Theo ANPRC, ước tính sơ bộ của Hiệp hội Cao su Thái Lan cho biết lũ lụt chắc chắn sẽ gây tổn thất ít nhất 360.000 tấn sản lượng cao su trong năm 2017.

Thiếu cung do các yếu tố thời tiết bất lợi như El nino có thể khiến sản lượng sụt giảm và giá thấp. Điều này có thể khiến người trồng cao su chuyển sang trồng cây khác, hoặc đẩy nhanh tiến độ tái canh nhanh hơn.

Thảo thuận cắt giảm 1,2 triệu thùng dầu xuống còn 32,5 triệu thùng/ngày của Hiệp hội các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất ngoài OPEC có thể hậu thuẫn cho việc tăng giá cao su thiên nhiên...

Hãng tin Reuters cũng cho biết, giá cao su tăng cao một phần là do sức mua tăng ở thị trường Trung Quốc. Nhờ nhu cầu tiêu thụ ô tô của Trung Quốc tăng, cộng với sự kham hiếm nguồn cung đã đẩy giá cao su tăng cao nhất trong vòng năm năm qua.

Những yếu tố này đang là động lực cho các doanh nghiệp cao su thiên nhiên đẩy mạnh khai thác vườn cao su, kỳ vọng vào một năm kinh doanh khả quan hơn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành này cũng cần để ý trước các yếu tố như các chính sách bảo hộ của Trump, khả năng nguồn cung tăng nhiều hơn nếu giá tăng mạnh, hoặc đơn giản nhất là giá dầu mỏ giảm có thể tác động bất lợi với giá cao su.

Theo Ngọc Đỗ

BizLIVE

Trở lên trên