Doanh nghiệp Việt chạy đua trở thành nhà cung ứng cho Tập đoàn toàn cầu
Sản xuất chi tiết nhựa cỡ lớn tại nhà máy của Nhựa Hà Nội
Trước sự cạnh trang khốc liệt trên thương thường và để đón sóng chuyển dịch, nhiều doanh nghiệp đang phải đứng trước thách thức thay đổi toàn diện để trở thành nhà cung ứng...
Để giảm thiểu nguy cơ đứt gãy nguồn cung ứng phục vụ cho sản xuất, nhiều doanh nghiệp FDI đang ráo riết tìm kiếm các nhà sản xuất trong nước. Tuy nhiên, đường đua trở thành nhà cung ứng vì thế càng trở nên gập ghềnh hơn khi không nhiều doanh nghiệp Việt đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ đối tác.
Chạy đua trở thành nhà cung ứng
Đi qua khó khăn đại dịch năm 2020, nhiều tổ chức quốc tế và chuyên gia nhận định, chuỗi sản xuất toàn cầu sẽ có sự dịch chuyển mạnh mẽ đến Việt Nam khi các quốc gia mở cửa nền kinh tế trở lại. Bên cạnh đó các hiệp định như EVFTA hay RCEP sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhiều Tập đoàn đa quốc gia như Honda, Panasonic, Samsung, Foxconn, Toyota… mở rộng nhu cầu tìm kiếm nhà cung ứng, tăng tỉ lệ nội địa hóa để tối ưu hiệu quả sản xuất kinh doanh là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên việc sản xuất một sản phẩm đáp ứng chuẩn quốc tế đã không dễ dàng, để sản phẩm đó hội nhập thành công chuỗi giá trị toàn cầu vẫn là bài toán khó với nhiều doanh nghiệp.
Theo thống kê từ Cục Công nghiệp, Việt Nam có gần 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, nhưng chỉ 300 doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất của các Tập đoàn đa quốc gia. Điều đó cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt vẫn đang loay hoay tìm đường vào chuỗi cung ứng.
Một trong những áp lực của doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam là cạnh tranh trực tiếp với các quốc gia láng giềng đã có nền công nghiệp phụ trợ rất phát triển. Trong khi đó, việc sản xuất của nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước còn phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu khiến gia tăng chi phí sản xuất, và tăng giá thành sản phẩm.
Khuôn mẫu là chi tiết đắt giá nhất trong cấu thành sản phâm linh kiện nhựa và yêu cầu độ chính xác lên đến phần nghìn
Thứ hai, việc tìm kiếm nhà cung ứng cũng được so sánh như "đãi cát tìm vàng" khi điểm yếu của doanh nghiệp Việt là chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của nhà sản xuất. Đơn cử như trong sản xuất linh kiện nhựa, chi tiết đắt giá nhất là khuôn mẫu. Tùy từng bộ phận, giá khuôn mẫu sẽ dao động từ 1 tỷ - 10 tỷ/chiếc. Nhưng đối với sản phẩm này, đối tác yêu cầu nhà cung ứng sản phẩm phải đạt độ chính xác đến phần nghìn, điều mà không nhiều doanh nghiệp Việt đáp ứng được.
Lối đi nào cho doanh nghiệp Việt?
Trước sự cạnh trang khốc liệt trên thương thường và để đón sóng chuyển dịch, nhiều doanh nghiệp đang phải đứng trước thách thức thay đổi toàn diện để trở thành nhà cung ứng. Lấy CTCP Nhựa Hà Nội (thành viên của Tập đoàn An Phát Holdings) – nhà cung cấp lâu năm năm cho Honda, Toyota, Samsung, Foxconn… là một ví dụ.
Năm 2010, Nhựa Hà Nội đã trở thành nhà cung ứng linh kiện nhựa đầu tiên cho Toyota Việt Nam, đến nay các chi tiết nhựa của Công ty đã có mặt trong hầu hết các dòng xe Toyota lắp ráp tại Việt Nam và trở thành đối tác quan trọng trong chiến lược nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của Toyota Việt Nam.
"Phát triển năng lực cốt lõi là con đường tốt nhất để doanh nghiệp vượt qua mọi thách thức và đi bền trên thương trường’’ - Ông Bùi Minh Hải chia sẻ bài học của Nhựa Hà Nội khi trở thành nhà cung ứng cho các Tập đoàn hàng đầu.
Áp dụng quy tắc 5s và tiêu chuẩn hóa công việc đã giúp Nhựa Hà Nội tiết kiệm chi phí ước tính khoảng 2,8 tỷ VNĐ trong năm 2020.
Năm 2020, nhờ việc áp dụng quy tắc 5s và tiêu chuẩn hóa công việc, kết quả là Nhựa Hà Nội đã cắt giảm chi phí ước tỉnh khoảng 2,8 tỷ VND qua cải tiến về khuôn, trung bình năng suất lao động tăng 10%.
Sự thay đổi diễn ra cả về chất và lượng khi Nhựa Hà Nội là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đầu tư, phát triển công nghệ nhựa ép phun tại Việt Nam. Song song với máy gia công, Nhựa Hà Nội là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam đầu tư các thiết bị phụ trợ như máy đo 3D cỡ lớn để phục vụ kiểm tra sản phẩm hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu đối tác về độ chính xác sản phẩm mà không nhiều doanh nghiệp Việt đáp ứng được.
Con đường Nhựa Hà Nội chọn, theo Chủ tịch Bùi Minh Hải, là quyết tâm đi tiên phong trong các mảng mũi nhọn, trước hết là mảng linh kiện nhựa trong lĩnh vực công nghệ cao là ô tô - xe máy và điện, điện tử.
Bên cạnh khách hàng truyền thống như Honda, Toyota, Samsung, Piaggio…, Nhựa Hà Nội đang đầu tư cải tiến sản xuất, cập nhật công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đặc biệt là chuẩn bị nguồn lực tài chính vững chắc để tìm kiếm và mở rộng quan hệ hợp tác với các tập đoàn toàn cầu.
Câu chuyện làm thế nào để trở thành nhà cung ứng cho các Tập đoàn đa quốc gia tuy không mới, nhưng vẫn là bài toán hóc búa đối với nhiều chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên nếu doanh nghiệp chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đổi mới công nghệ thì cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu khi nền sản xuất toàn cầu kết nối sâu sắc hơn với Việt Nam là điều chắc chắc.