Doanh nghiệp Việt có thể sống khoẻ khi chọn đúng hướng trong điều kiện dịch bệnh
Dù ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp TP HCM có kết quả kinh doanh khả quan ngay trong bối cảnh phòng dịch...
- 15-05-2021Đà Nẵng: Du khách ồ ạt hủy tour, phòng, khiến doanh nghiệp khốn đốn
- 14-05-2021Vì sao doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ ít?
- 14-05-2021Thủ tướng: “Cái gì người dân, doanh nghiệp, xã hội làm tốt hơn thì để người dân, xã hội, doanh nghiệp làm”
4 tháng đầu năm 2021, TP HCM có gần 5.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại, kim ngạch xuất khẩu ước tăng 13,9%... Những con số này cho thấy, trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vẫn tìm được hướng đi cho mình, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. Trên thực tế, việc doanh nghiệp linh hoạt điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh, chọn đúng sản phẩm, hướng tiếp cận thị trường sẽ nắm bắt được cơ hội để phát triển.
Ưu tiên mặt hàng có cơ hội tăng trưởng
Trước đây, Công ty TNHH Nhựa Sunway Mario tại TP HCM sản xuất nhiều mặt hàng như túi rút dây, túi đựng rác và túi cuộn các loại. Một thời gian sau khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nhiều mặt hàng của công ty tiêu thụ chậm nhưng cũng có một số mặt hàng liên tục có thêm đơn đặt. Sau khi tự thăm dò thị trường, đánh giá lại hiệu quả sản xuất kinh doanh, công ty này quyết định tập trung vào một số sản phẩm chủ lực như: túi đựng thực phẩm, túi rác phân huỷ sinh học.
Hiện mỗi tuần, nhựa Sunway Mario xuất khẩu đến 20 container các sản phẩm này cho thị trường châu Âu, Mỹ và Úc.
Ông Huỳnh Tri Phương Tùng, Trưởng Phòng Kinh doanh Quốc tế, Công ty TNHH Nhựa Sunway Mario cho rằng, bên cạnh theo dõi các tín hiệu thị trường trong bối cảnh phòng dịch, sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch, đảm bảo nguồn gốc hợp pháp theo tiêu chuẩn từ phía các đối tác EU. Dù dịch bệnh, nhưng doanh nghiệp hoàn toàn có thể tăng trưởng nếu chọn được hướng đi đúng với các mặt hàng mà thị trường cần.
“Đối với dịch Covid-19 này, xu hướng tiêu dùng sẽ thay đổi, những hàng tiêu dùng, sản phẩm thiết yếu sẽ được ưu tiên bán. Nên trong đợt dịch vừa qua, bên tôi chưa bị ảnh hưởng, mà sản lượng còn tăng 30%. Khách hàng có ở nhà hay ra đường thì cũng dùng tới túi đựng rác" - ông Tung cho biết.
Ở một ngành hàng khác là sản phẩm y tế phòng dịch bệnh, nhận thấy nhu cầu thị trường gia tăng, Công ty TNHH Sản xuất Mỹ phẩm Lan Hảo với thương hiệu Thorakao tập trung ưu tiêncác dòng sản phẩm là gel rửa tay, nước rửa tay kháng khuẩn.
Ông Mai Tấn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Thorakao cho biết, đối diện với thực tế các dòng mỹ phẩm truyền thống chịu cạnh tranh, giảm doanh thu do người dân ưu tiên chi tiêu hơn vào các mặt hàng thiết yếu, Lan Hảo đã chủ động, có hướng đi linh hoạt để duy trì và phát triển sản xuất. “Công ty chúng tôi có thêm dòng sản phẩm chăm sóc cơ thể như gel rửa tay, nước rửa tay, diệt khuẩn... Do tình hình dịch bệnh nên nhu cầu đối với những sản phẩm này tăng cao. Mức tăng trưởng khá, mức bán hàng của chúng tôi vẫn giữ ổn định".
Nhạy bén với thị trường
Theo ông Piotr Harasimowicz - Trưởng văn phòng đại diện Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại TP HCM, Ba Lan là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của hàng hóa Việt Nam trong EU. Đặc biệt, khi EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, các cơ hội kinh doanh với thị trường này càng thuận lợi hơn. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường Ba Lan gia tăng nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm thiết yếu như mì ăn liền, khẩu trang, găng tay, túi rác tự phân huỷ…
Ông Piotr Harasimowicz cho rằng, đó đều là những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế. Doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung hơn vào những nhóm ngành hàng này để thúc đẩy việc xuất khẩu vào Ba Lan, cửa ngõ của châu Âu. “Theo tôi nghĩ thì quan trọng nhất là hiểu được nhu cầu của khách hàng, kể cả đối với xuất khẩu hay nhập khẩu. Trong thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19, xuất khẩu từ Việt Nam vào Ba Lan tăng trưởng mạnh".
Bà Hoàng Thị Hương, Trưởng đại diện Cơ quan phát triển kinh tế bang Bremen (Đức) ở Việt Nam cũng chỉ ra một số cơ hội tiềm năng dành cho doanh nghiệp Việt khi tiếp cận thị trường này: "Doanh nghiệp Việt Nam nên đi vào hướng nữa là phát triển và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, sản phẩm bảo vệ sức khoẻ. Doanh nghiệp phải kết nối được với hệ thống kinh doanh tại địa phương, dành thời gian ít nhất từ 5-6 tháng để tìm hiểu thị trường".
Cấu trúc lại các nhóm sản phẩm, cắt giảm chi phí không cần thiết
Dịch bệnh kéo dài và bùng phát nhiều lần, ngày càng nhiều doanh nghiệp nỗ lực tìm hướng đi mới, chủ động điều chỉnh sản xuất kinh doanh để thích nghi và tìm cơ hội phát triển. Việc chuyển đổi sản xuất kinh doanh đương nhiên tốn chi phí và doanh nghiệp phải cân đối được tài chính để ổn định sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Chuyên gia Kinh tế cho rằng, doanh nghiệp nên tập trung cấu trúc lại các nhóm sản phẩm và cắt giảm các khoản chi không cần thiết: “Thứ nhất là tái cấu trúc lại sản phẩm, dịch vụ. Xem những sản phẩm, những dịch vụ nào đang có khách hàng ở mua bán truyền thống và cả online để quyết định tinh gọn, giảm bớt các nhóm không hiệu quả.
Thứ hai, khi đã chọn được danh mục các sản phẩm, dịch vụ rồi thì cần đầu tư chiều sâu cho nó. Thứ ba, đẩy mạnh truyền thông cho sản phẩm như thông qua thiết kế mẫu mã, hình thức dịch vụ hấp dẫn hơn, giảm các chi phí không cần thiết liên quan đến mặt bằng...”.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp TP HCM có kết quả kinh doanh khả quan ngay trong bối cảnh phòng dịch Covid-19. Tuy nhiên, để thích nghi và linh hoạt xoay chuyển các phương án sản xuất kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh, đòi hỏi doanh nghiệp phải tích cực chủ động, tính toán kỹ lưỡng và quyết liệt triển khai thì mới thật sự có hiệu quả./.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
VOV