MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Việt phải làm gì khi “hết cửa” vay ngoại tệ?

04-09-2018 - 08:28 AM | Tài chính - ngân hàng

Khi có lộ trình tiến tới chấm dứt cho vay ngoại tệ, doanh nghiệp Việt cần có sẵn kịch bản tìm nguồn vốn tài trợ giá rẻ để giảm áp lực chi phí hoạt động.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
292 bài viết

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng yêu cầu toàn ngành ngân hàng kiểm soát chặt việc cho vay bằng ngoại tệ, giảm dần và có lộ trình chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ. Mục đích nhằm hạn chế việc găm giữ ngoại tệ, đặc biệt tại các ngân hàng thương mại, cùng với đó là phục vụ mục tiêu chung về chống đô la hóa nền kinh tế.

Doanh nghiệp Việt phải làm gì khi “hết cửa” vay ngoại tệ? - Ảnh 1.

Trong 3 năm tới, việc ngừng cho vay ngoại tệ là cần thiết. (Ảnh: KT)


Về mặt thuận lợi, chủ trương này góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu vay với lãi suất thấp để giảm chi phí hoạt động, qua đó hỗ trợ lĩnh vực xuất khẩu. Ở chiều ngược lại, vay ngoại tệ gây bất lợi cho chính sách ngoại hối của NHNN, do hoạt động này làm tăng nhu cầu ngoại tệ. Kể cả trong trường hợp vay để mua vật liệu trong nước, sản xuất trong nước phục vụ mục đích xuất khẩu.Theo chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, hiện tại, việc vay ngoại tệ tại Việt Nam có cả thuận lợi và bất lợi cho nền kinh tế.

Theo quy định, các doanh nghiệp ký hợp đồng vay USD nhưng phải bán lại USD đó cho ngân hàng ngay lập tức để nhận tiền vay bằng VNĐ, thì ngân hàng vẫn phải cân đối nguồn USD của mình để thực hiện hợp đồng tín dụng này. Ngân hàng cân đối nguồn ngoại tệ bằng cách đi vay ngoại tệ từ tổ chức hoặc cá nhân để cho doanh nghiệp vay lại, làm tăng nhu cầu về ngoại tệ.

Với chủ trương chấm dứt cho vay ngoại tệ được đề ra trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam, ông Hiếu cho rằng, thời gian giảm dần huy động, cho vay ngoại tệ và tiến tới chấm dứt cho vay ngoại tệ trong vòng 3 năm tới là hợp lý, nhằm thực hiện chủ trương chống đô la hóa và chỉ có 1 đồng nội tệ có thể giao dịch ở Việt Nam.

Khi đó, tất cả những nguồn ngoại tệ gửi về Việt Nam muốn gửi tiền tại các ngân hàng thương mại, phải đổi từ ngoại tệ sang VNĐ và doanh nghiệp chỉ vay vốn bằng nội tệ. Điều này sẽ có lợi cho chính sách ngoại hối của Việt Nam. Tuy nhiên, tại thời điểm này, việc chấm dứt cho vay ngoại tệ chưa thể thực hiện ngay, nên kéo dài một thời gian nữa để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu.

 Về phía doanh nghiệp, ông Lê Phú Toàn-Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại xuất nhập khẩu THT cho biết, ông rất đồng tình với chủ chương giảm và tiến tới ngừng cho vay USD để chống đô la hóa nền kinh tế. Bởi đây là chủ chương đúng của Chính phủ nhằm mục đích kiểm soát cung tiền ngoại tệ và kiểm soát tỷ giá tốt hơn, về lâu dài sẽ có lợi cho nền kinh tế. 

Ông Toàn cũng chia sẻ, việc ngừng cho vay ngoại tệ sẽ có ảnh hưởng nhất định đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, vì doanh nghiệp bán hàng và thu về bằng USD, nếu họ vay USD để thanh toán thì sẽ hoán đổi được đồng USD đi vay từ các ngân hàng, do vậy cũng giảm được chi phí khá nhiều khi tỷ giá USD biến động mạnh.

Bản thân doanh nghiệp THT là đơn vị nhập khẩu cũng sẽ bị tác động bởi chủ trương này, vì vay ngoại tệ USD để thanh toán cho đối tác với lãi suất hiện tại thấp hơn vay bằng VNĐ. Do vậy, nếu NHNN kiểm soát tỷ giá USD ổn định thì việc dừng cho vay USD với doanh nghiệp cũng giúp kiểm soát được chi phí tốt hơn.

Trong bối cảnh chủ trương chống đô la hóa của NHNN sẽ được thực hiện, TS Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo, khi đã có lộ trình tiến tới chấm dứt cho vay ngoại tệ, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn kịch bản sẽ không được vay ở một tỷ lệ nào đó cho đến khi chấm dứt hoàn toàn vay ngoại tệ. Từ đó, doanh nghiệp cần tính toán kỹ khi đưa vào kế hoạch kinh doanh của mình.

“Doanh nghiệp nên đi tìm những nguồn tài trợ giá rẻ để giảm áp lực chi phí hoạt động. Nguồn này đến từ những công cụ tài chính như: phát hành trái phiếu, hay tìm cách sử dụng vốn của các đối tác thương mại… 

 Về phía các ngân hàng, trong kế hoạch kinh doanh hàng năm cũng cần tính tới lộ trình giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng. Đồng thời, có biện pháp dài hơi để giúp khách hàng giảm bớt gánh nặng chi phí khi chấm dứt cho vay ngoại tệ”, ông Nguyễn Trí Hiếu cho hay./.


Theo Chung Thủy

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên