MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Việt rất hạn chế hợp tác, hỗ trợ và nâng đỡ nhau

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, sự liên kết giữa yếu và rời rạc không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững mà còn giảm hiệu quả xuất khẩu của các doanh nghiệp.

"Hiện nay, trên cả nước có khoảng gần 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa (DNNVV)", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông thông tin tại diễn đàn "Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới".

Đi sâu về năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt, ông Đông cho biết quá trình hội nhập kinh tế cho thấy doanh nghiệp nước ta vẫn đang gặp khó khăn khi tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu do năng lực cạnh tranh hạn chế. Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, có 3 nhóm nguyên nhân chính dẫn tới điều này.

Doanh nghiệp Việt rất hạn chế hợp tác, hỗ trợ và nâng đỡ nhau - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông

Thứ nhất, doanh nghiệp quy mô nhỏ nên gặp khó khăn trong huy động nguồn lực để đầu tư vào công nghệ, trình độ quản lý và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa có chiến lược đầu tư cho sự phát triển dài hạn. Đôi lúc doanh nghiệp còn tâm lý e dè, chưa dám chấp nhận rủi ro để đầu tư phát triển nên chưa thể có những bước đi đột phá.

Đáng chú ý nguyên nhân thứ hai theo ông Đông là do các doanh nghiệp Việt còn rất hạn chế hợp tác, hỗ trợ và nâng đỡ nhau để trở thành các đối tác lâu dài, hướng tới mục tiêu phát triển chung.

Cuối cùng là do nhận thức của một số doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV còn ngắn hạn, chưa xác định tầm nhìn dài hạn với tư duy chiến lược.

Doanh nghiệp Việt ở đâu trong chuỗi giá trị?

Dù có nhiều cố gắng trong thời gian qua, song Thứ trưởng Bộ KH&ĐT vẫn chỉ ra một thực tế rằng đến nay, Việt Nam chưa tham gia được vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài.

Theo tổng hợp của dự án LinkSME, các công ty Nhật Bản, một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, mua sắm khoảng 32,4% các dịch vụ và sản phẩm đầu vào từ các nhà cung cấp địa phương.

Doanh nghiệp Việt rất hạn chế hợp tác, hỗ trợ và nâng đỡ nhau - Ảnh 2.

Việt Nam chưa tham gia được vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài

Con số này thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI của Nhật tại các nước láng giềng ví dụ như Trung Quốc (67,8%), Thái Lan (57,1%) và Indonesia (40,5%). Trong số các doanh nghiệp cung cấp cho các công ty FDI của Nhật Bản tại Việt Nam, 58,9% các doanh nghiệp đó là các công ty FDI có trụ sở tại Việt Nam. Chỉ có 13% nguồn dịch vụ, sản phẩm đầu mua tại địa phương được cung cấp bởi các doanh nghiệp Việt Nam.

Còn theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, mối liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước và DN nước ngoài, giữa các doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp lớn là không đáng kể và còn hết sức hạn chế. Ví dụ trong ngành công nghiệp ô tô có 20 doanh nghiệp lắp ráp ô tô lớn đang hoạt động, chỉ có 81 nhà cung cấp cấp 1 và 145 nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3. Trong khi đó Thái Lan chỉ có 16 nhà lắp ráp ô tô lớn nhưng quốc gia này có tới 690 nhà cung cấp cấp 1 và 1.700 nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3.

"Sự liên kết giữa các khu vực doanh nghiệp còn yếu và rời rạc không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp mà còn giảm hiệu quả xuất khẩu, tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới", ông Đông nhấn mạnh.

Doanh nghiệp Việt rất hạn chế hợp tác, hỗ trợ và nâng đỡ nhau - Ảnh 3.

Sự liên kết giữa các khu vực doanh nghiệp còn yếu và rời rạc không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp mà còn giảm hiệu quả xuất khẩu (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, trong thời gian tới đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV cần tiếp tục phát huy sức sáng tạo và linh hoạt thích ứng với hoàn cảnh mới, nhanh nhạy tận dụng các cơ hội thị trường; dám chấp nhận rủi ro, huy động mọi nguồn lực đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cao trình độ quản lý và đạo tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đối tác và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Còn với các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn thì cần chia sẻ thị trường, cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ. Cần thể hiện tính tiên phong, dẫn dắt, đầu tư vào khoa học công nghệ và con người để tạo ra một hệ sinh thái phát triển chung, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ phát triển.

Theo Thùy An

Theo VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên