Doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung đang làm ăn ra sao?
Tính đến hết năm 2019, khoảng 42 doanh nghiệp Việt trở thành vendor cấp 1 cho các nhà máy của Samsung tại Việt Nam, con số vẫn đang dự kiến được tăng lên theo cam kết của Chaebol Hàn Quốc.
Với tầm ảnh hưởng của mình, Tập đoàn Samsung kéo theo hệ sinh thái các nhà cung ứng quy mô doanh thu hàng chục tỷ USD. Nhưng hầu hết các vendor linh kiện điện tử phức tạp là doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam theo tiếng gọi của Chaebol Hàn Quốc, họ cũng đều là những tên tuổi lâu năm trong ngành.
Với trình độ công nghệ kỹ thuật hạn chế, doanh nghiệp nội địa hiện khó lòng chen chân vào những cấu phần chính của chuỗi cung ứng. Thay vào đó họ được giao cho những phần việc đơn giản hơn như sản xuất bao bì, in ấn, cung cấp xốp chống sốc, các chi tiết nhựa đơn giản, ốc vít hay như cung cấp suất ăn, xử lý chất thải, an ninh, vệ sinh…
Trong những năm gần đây, cả phía Chính phủ, địa phương và các doanh nghiệp Việt Nam đều đang nỗ lực để có thể chen chân vào chuỗi cung ứng của Samsung. Bởi rõ ràng đây là miếng bánh béo bở dành cho những ai có đủ khả năng. Các chương trình đào tạo chuyên gia người Việt cũng được Bộ Công Thương kết hợp với Samsung cho ra lò hàng trăm nhân sự mỗi năm.
Tính đến hết năm 2019, 42 doanh nghiệp Việt trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung, số này tăng gấp 10 lần sau 5 năm, năm 2014 chỉ 4 đơn vị. Mục tiêu của Samsung đến cuối năm nay là nâng tổng số đơn vị lên con số 50. Đấy là còn chưa kể hàng trăm công ty cung ứng cấp 2 cũng đang góp mặt vào chuỗi sản xuất điện tử lớn nhất thế giới.
Phía Samsung trong nhiều năm cam kết với Chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa để phát triển công nghiệp phụ trợ. Theo đó, các chuyên gia của Samsung sẽ khảo sát, đánh giá doanh nghiệp, trực tiếp tư vấn và làm việc cùng để hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, tăng năng lực tham gia chuỗi cung ứng không chỉ cho Samsung mà còn các doanh nghiệp FDI khác đầu tư tại Việt Nam.
Cuối tháng 9 năm nay, Bộ Công Thương – tỉnh Bắc Ninh – Samsung Việt Nam ký bản ghi nhớ về việc hợp tác hỗ trợ các doanh nghiệp. Bắc Ninh là tỉnh thứ hai sau Hải Dương chủ động thực hiện, tại địa phương này Samsung đang đặt hai nhà máy sản xuất Samsung Display Vietnam và Samsung Electronic Vietnam.
Chúng tôi xin lấy ví dụ một số nhà cung ứng Việt Nam có quan hệ làm ăn chặt chẽ với Samsung hiện đang có doanh thu tương đối ổn định.
Công ty TNHH Bao Bì Việt Hưng là một trong những nhà cung cấp bao bì carton, pallet giấy đầu tiên và nổi tiếng của Samsung, đặt nhà máy tại tỉnh Hưng Yên.
Doanh thu của công ty này năm ngoái gần đạt mức 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 75 tỷ đồng. Ngoài Samsung là đối tác chính, sản phẩm của Việt Hưng còn được cung cấp cho Canon Việt Nam, nhà sản xuất camera đến từ Nhật Bản.
Một đơn vị khác cũng cung ứng bao bì cho Samsung là Goldsun Packaging. Tuy vậy, đối tác của công ty này đã dạng hơn gồm các đơn vị khác như Canon, Carlsberg, Heineken, Cocacola, Ferroli, Kangaroo…
Trong những năm gần đây, doanh thu từ Samsung được cho biết chiếm khoảng 50% trong cơ cấu của Goldsun. Quy mô thực tế ngày càng gia tăng, đạt hơn 1.400 tỷ đồng năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận của công ty này ngày càng có dấu hiệu đi xuống, lãi ròng 2019 chỉ vỏn vẹn 7 tỷ đồng. Những năm trước đó, lợi nhuận của Goldsun cũng chỉ quanh mức 10 tỷ đồng.
Một đơn vị khác cũng có vai trò hết sức quan trọng giúp cho bộ máy Samsung vận hành một cách trơn tru, Công ty TNHH Dịch vụ Ăn uống Ba Sao cung cấp hàng chục nghìn suất ăn mỗi ngày cho các nhà ăn của SEV và SEVT. Số lượng suất ăn mà Ba Sao cung cấp tăng lên hàng lần trong những năm qua cùng với sự phát triển về quy mô nhân sự của các nhà máy Samsung.
Trong năm 2019, doanh thu của Ba Sao đạt gần 1.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đem về 15 tỷ. Đáng chú ý, kết quả này gần gấp đôi nếu so với doanh thu của CTCP Suất ăn Nội Bài, một đơn vị cung ứng trong ngành hàng không.
Ở quy mô nhỏ hơn, các nhà máy của CTCP Sản xuất Điện tử Thành Long, nhà cung ứng cấp 2 cho SEHC, TP HCM đạt doanh thu gần 740 tỷ đồng năm vừa rồi và tăng trưởng rất nhanh. Thành Long nằm trong số ít doanh nghiệp Việt đủ khả năng cung cấp bản mạch điện tử PCB tương đối phức tạp cho Samsung.
Hay CTCP Tiến Thành, nhà cung ứng cấp 2 của Samsung trong lĩnh vực đóng gói, in ấn năm ngoái thu về 644 tỷ đồng. CTCP Công nghiệp Hỗ trợ Minh Nguyên (TP HCM) một trong những đơn vị đầu tiên được chọn cung ứng linh kiện nhựa, khuôn mẫu cho Samsung doanh thu 437 tỷ đồng; HTMP Việt Nam chuyên sản xuất khuôn và ép nhựa đem về 419 tỷ đồng; Manutronics – nhà cung ứng cấp 2 cho Samsung chuyên sản xuất đĩa quang (CD, DVD, CD-R) thu khoảng 221 tỷ đồng trong 2019.
Tuy nhiên nếu xét về hiệu quả, Minh Nguyên đã lỗ nặng gần 50 tỷ đồng trong hai năm gần nhất. Các doanh nghiệp còn lại có lãi cũng chỉ tượng trưng, hoặc từ 10 – 20 tỷ đồng.