Doanh nghiệp xăng dầu ồ ạt 'xả' hàng, tăng chiết khấu trước giờ điều chỉnh giá
Trái ngược với diễn biến của các kỳ điều hành từ đầu năm 2023 đến nay, trong vòng gần 2 tuần trở lại đây, chiết khấu xăng dầu cho các doanh nghiệp bán lẻ được các đầu mối đẩy lên rất cao nhằm xả bớt hàng tồn kho và đề phòng việc giá bán lẻ được điều chỉnh giảm mạnh trong phiên điều hành ngày 13/2.
- 12-02-2023Giá xăng dự báo giảm 200 - 400 đồng, dầu giảm 1.000 đồng vào ngày mai
- 12-02-2023Kỳ lạ kinh doanh xăng dầu “càng thấy đông khách càng sợ”
- 09-02-2023Mazda CX-8 bị đổ nhầm dầu vào bình xăng, chủ xe không biết vẫn chạy cao tốc và cái kết đau ví
Theo các doanh nghiệp xăng dầu, ước tính giá xăng dầu sẽ có sự điều chỉnh giảm khá mạnh với mức giảm khoảng 1.150-1350 đồng/lít với dầu diesel và 300-500 đồng/lít xăng RON 95 trong phiên điều hành hôm nay (13/2), từ cuối tuần qua, nhiều doanh nghiệp đã đồng loạt nâng chiết khấu lên rất cao cho các đại lý bán lẻ để xả bớt hàng tồn kho.
Một thương nhân phân phối ở Hà Nội cho biết, do dự báo giá dầu sẽ tiếp tục tăng mạnh nên từ đầu tháng đã ôm một lượng hàng khá lớn. Đến nay số hàng tồn đang được gửi tại kho của Công ty TNHH MTV Dầu khí Hải Linh Hải Phòng và Thái Bình. Do dự báo giá giảm sâu nên những ngày qua các nhân viên thương mại của công ty chạy đôn đáo để tìm khách mua hàng với mức chiết khấu khá cao.
Tuy nhiên, do các doanh nghiệp đều có nhu cầu xả hàng để thu vốn nên từ một tuần trở lại đây, mức cắt chiết khấu cho bán lẻ đều rất cạnh tranh. Dầu DO chiết khấu quanh mức 2.100-2.300 đồng/lít, xăng chiết khấu quanh mức 1.000 - 1.100 đồng/lít.
Với mức chiết khấu cao như hiện nay, các doanh nghiệp bán lẻ đã có lợi nhuận tương đối thay vì phải chật vật với mức chiết khấu 0 đồng và 100-300 đồng/lít so với cách đây hơn 2 tuần.
“Do cả thị trường cùng đang xả hàng, bán lẻ cũng chỉ nhập hàng cầm chừng do không lường được diễn biến thị trường sẽ ra sao nên tiêu thụ cũng khá chậm”, vị này cho hay.
Theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, Nhà nước nên có quy định mức chiết khấu tối thiểu để đảm bảo cho doanh nghiệp bán lẻ có đủ lãi thì mới không có cảnh bị đứt nguồn cung
Đại diện một doanh nghiệp xăng dầu lớn ở khu vực phía Bắc cho biết, thực tế chiết khấu cho các doanh nghiệp bán lẻ đã tăng tương đối sau kỳ điều hành giá ngày 30/1 vừa qua.
Với diễn biến của thị trường thế giới như hiện nay, đặc biệt việc cuối tuần qua Nga đưa tin sẽ cắt giảm 5% lượng dầu vào tháng 3, và giá dầu chưa thể vượt mức kháng cự tâm lý 80 USD khiến cho doanh nghiệp không dám ôm nhiều hàng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp từ đầu mối đến thương nhân phân phối đang để chiết khấu khá cao cho bán lẻ để giảm tồn kho.
Theo vị này, từ ngày 6 - 8/2 chiết khấu dầu DO ở các kho Hoàng Huy, Petec, Cái Lân đã đạt đến 2.000 đồng/lít. Các kho ở khu vực miền Trung, có mức chiết khấu quanh mức 1.500 đồng/lít dầu DO. Chiết khấu với xăng duy trì ở mức 1.000 đồng/lít. Từ ngày 8/2 đến nay, chiết khấu của nhiều đơn vị với xăng ở miền Bắc đã lên tới 1.100 đồng/lít xăng và 2.300 đồng/lít dầu tùy địa bàn và số km vận chuyển.
Theo báo cáo của nhiều Sở Công Thương địa phương, đã có nhiều cây xăng bán lẻ ở nhiều địa phương vẫn dừng hoạt động, đóng cửa với nhiều lý do khác nhau, trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là thua lỗ kéo dài và chiết khấu xăng dầu quá thấp khiến doanh nghiệp không đủ chi phí để hoạt động. Tình trạng này được ghi nhận nhiều chủ yếu ở chuỗi doanh nghiệp bán lẻ ở khu vực phía Nam, miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản số 0125 gửi Văn phòng Chính phủ nêu loạt kiến nghị sửa Nghị định về kinh doanh xăng dầu với nhiều điểm nhất liên quan đến Quỹ Bình ổn giá, chiết khấu, quyền của thương nhân phân phối, bán lẻ và cả việc doanh nghiệp cần được tự quyết giá bán.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Văn Công Thật - Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc, TPHCM - cho rằng, với doanh nghiệp bán lẻ đã kêu cứu một thời gian dài, việc không có chiết khấu đang là sức ép rất lớn khi họ phải chịu cảnh bán lỗ một năm qua. Thị trường xăng dầu có lỗ hổng rất lớn trong quản lý, đặc biệt là ở khu vực thương nhân phân phối. Các đầu mối, thương nhân phân phối thường dựa vào giá thế giới, tồn kho và xu hướng điều hành giá của cơ quan quản lý để đưa ra mức chiết khấu không cố định với doanh nghiệp bán lẻ nên họ rất thua thiệt.
Góp ý cho dự thảo sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, Trà Vinh - cho rằng, Nhà nước nên có quy định mức chiết khấu tối thiểu. “Nếu không có quy định, dù cho phép doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng ở 3 nguồn khác nhau nhưng các nhà cung cấp có thể bắt tay ngầm với nhau để hạ chiết khấu xuống thấp và bán lẻ vẫn sẽ bị lỗ”, ông nói.
Tiền phong