MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu kêu cứu

15-07-2020 - 11:41 AM | Thị trường

Ngày 14-7, tại TP HCM, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã gặp gỡ báo chí để thông tin về vụ việc 58 container hồ tiêu trị giá hơn 3 triệu USD bị kẹt tại Nepal.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), nguyên nhân xuất phát từ việc chính phủ Nepal cấm nhập khẩu 5 mặt hàng, trong đó có hồ tiêu từ ngày 6-4 (không áp dụng cho các lô hàng có tín dụng thư bảo đảm thanh toán mở trước ngày 29-3). Theo VPA, có đến 58 container (tương đương 1.300 tấn) của 13 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đang bị mắc kẹt ở cảng Birgunj (Nepal) và cảng Kolkata (Ấn Độ) từ 2-3 tháng mà không thể thông quan, cũng không thể tái xuất về Việt Nam.

Bà Trần Phước Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Trân Châu (TP HCM), cho biết DN của bà đã làm ăn với đối tác Nepal nhiều năm qua và họ rất uy tín. Từ tháng 2 đến ngày 25-3 (trước thời điểm Nepal có văn bản cấm), DN đã xuất khẩu 22 container hồ tiêu, trị giá hơn 1 triệu USD sang Nepal nhưng không được nhà nhập khẩu thanh toán với lý do họ không có giấy phép nhập khẩu. Chúng tôi muốn đưa hàng về để giảm thiểu thiệt hại nhưng không được. Rõ ràng trong vụ này DN không có lỗi nhưng lại gánh chịu hậu quả" - bà Hậu lo lắng.

Theo bà Phùng Thu Huyền, Giám đốc Công ty TNHH Nam International - một DN khác cũng ở TP HCM có hàng bị kẹt tại Nepal, bà đã mất ăn mất ngủ nhiều tháng nay. "Chúng tôi đang rất cần sự can thiệp của các cấp nhà nước nhằm giải cứu hàng hóa bị kẹt vì DN xuất khẩu đang gánh nặng hàng loạt chi phí lưu kho, lưu bãi. Bây giờ, nếu đưa được hàng về, DN cũng bị thiệt hại đến 50%" - bà Huyền bày tỏ.

Doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu kêu cứu - Ảnh 1.

Thu hoạch tiêu tại xã Ia Vê, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Ảnh: HOÀNG THANH

Đại diện một DN lý giải khi container đến cảng, hãng tàu sẽ cho nằm miễn phí từ 7-10 ngày, sau đó sẽ áp dụng theo bảng giá ngày càng tăng. Tuần đầu là 70 USD/ ngày/container, tuần thứ hai lên 100 USD và từ tuần thứ ba trở đi là 170 USD. Như cách tính trên, nếu hàng lưu bãi từ trên 3 tháng thì số tiền phải trả cho 1 container lên tới 16.000-17.000 USD. "Đây là số tiền quá lớn với DN giữa lúc kinh doanh khó khăn, thậm chí 2 tháng qua chúng tôi phải nợ lương công nhân vì vốn đã kẹt trong tiền hàng" - đại diện một DN bức xúc.

Các DN cho biết khi vụ việc xảy ra họ đã liên hệ Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) và VPA để nhờ hỗ trợ. Bộ Công Thương ngay sau đó đã gửi công hàm đề xuất phía Nepal cho thông quan các lô hàng hoặc tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hải quan cho DN tái xuất hàng về Việt Nam vì lệnh cấm không nhất quán với tinh thần tự do thương mại và cũng không được báo trước cho các bên có liên quan. Trong khi đó, IPC đã phối hợp với Đại sứ quán, VPA và những DN xuất khẩu gửi thư đề nghị chính phủ Ấn Độ và Nepal hỗ trợ giải quyết cho các lô hàng được tái xuất về Việt Nam. Đồng thời, IPC cũng hỗ trợ yêu cầu các hãng tàu xem xét cắt giảm chi phí lưu kho. Tuy nhiên, đã gần 1 tháng trôi qua nhưng vụ việc dường như vẫn giậm chân tại chỗ.

Trước vụ việc trên, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA, kiến nghị các cơ quan chức năng Việt Nam có biện pháp để chính phủ Nepal cho tái xuất 58 container trên. "Hiện các chi phí lưu kho, lưu bãi đã lên đến 35%-40% giá trị lô hàng. Nếu lô hàng còn tiếp tục mắc kẹt, thiệt hại sẽ còn lớn hơn nữa. Trong trường hợp lô hàng được tái xuất, VPA mong muốn các hãng tàu liên quan đến 58 container chia sẻ rủi ro với DN xuất khẩu bằng cách giảm 70% chi phí lưu kho bãi và đưa hàng về" - ông Hải đề xuất.

Theo ông Hải, 13 DN có lô hàng bị mắc kẹt ở Nepal đều là DN nhỏ và vừa, 3 triệu USD là số tiền rất lớn đối với họ, nhất là trong bối cảnh khó khăn do Covid-19. "Từ vụ việc trên, để tránh rủi ro, DN xuất khẩu phải tìm hiểu quy định của nước nhập khẩu ở từng thời điểm, không chỉ nghe theo thông báo của nhà nhập khẩu để tránh thiệt hại" - ông Hải cảnh báo.

Giá trị xuất khẩu giảm hơn 20%

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khối lượng hồ tiêu xuất khẩu tháng 6 ước đạt 22.000 tấn, trị giá 48 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu hồ tiêu 6 tháng đầu năm đạt 168.000 tấn và 358 triệu USD, giảm 4,8% về khối lượng và giảm 20,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Ngọc Ánh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên