4 "khu vực" các startup cần làm chủ
Uber là một trong những startup được định giá cao nhất thế giới. Chiến lược thu hút và giữ chân nhân tài được xem là bí quyết làm nên thành công của ứng dụng chia sẻ chuyến đi. Chính chiến lược này đã tạo nên lợi thế cạnh tranh cho Uber trong bối cảnh thị trường ngày càng xuất hiện nhiều "tay chơi".
Gần đây, startup này còn "săn" cả các chuyên gia giải pháp bản đồ và địa lý không gian của Google. Các nhà điều hành và kỹ sư tài năng đổ xô đến Uber vì niềm tin công ty có tham vọng “thay đổi thế giới” nhưng không quá đề cao vai trò đội nhóm.
Trên trang Fortune.com, Giáo sư Jason Wingard tại Đại học Columbia, đồng thời là tác giả cuốn sách Learning to Succeed: Rethinking Corporate Education in a World of Unrelenting Change (Tạm dịch: Học tập để thành công: Tư duy lại Giáo dục ở doanh nghiệp trong thế giới không ngừng thay đổi) đã có bài phân tích về những vấn đề quan trọng đối với một doanh nghiệp nhưng trên thực tế lại thường bị các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các startup xem nhẹ trong giai đoạn đầu xây dựng công ty.
Theo Giáo sư Wingard, đầu tư vào nguồn vốn con người là phần hay bị các startup bỏ qua. Người ta thường cho rằng ở giai đoạn khởi đầu, sự tập trung vào kỹ năng lãnh đạo và phát triển môi trường chuyên nghiệp chưa thật sự cần thiết và không hiệu quả.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất chứng minh rằng những yếu tố quan trọng nhất để có thể xây dựng được đội ngũ nhân sự ưu tú là phải giữ vững cam kết, tạo sự gắn kết và khả năng hiện thực hóa cam kết ở mức cao nhất.
Kỳ vọng của nhân tài ngày nay là một môi trường để họ phát triển sở trường của mình Ở Thung lũng Silicon, các startup thường dành nhiều thời gian cho việc gây vốn. Uber lại đi ngược xu hướng ấy. Với họ, xây dựng một doanh nghiệp quan trọng hơn, bởi vì sau các vòng huy động vốn, các startup sẽ phải đối mặt với những kỳ vọng cao của các nhà đầu tư, mà những yêu cầu từ họ có thể phá vỡ tiêu chí hoạt động được xây dựng từ đầu của doanh nghiệp vốn nhờ đó mà thu hút được tài năng.
Trong bối cảnh thị trường hiện tại, các startup cần tập trung làm chủ 4 "khu vực" nhằm tạo lợi thế cạnh tranh từ ban đầu. Đó là:
1. Thấu hiểu sự thay đổi kỳ vọng của nhân tài
Trong quá khứ, nhân viên đề cao giá trị cơ hội thăng tiến, quyền lợi vật chất và sự ổn định. Ngày nay, thế hệ 8X, 9X - thành phần chiếm tỷ lệ cao nhất của lực lượng lao động toàn cầu hiện nay - bị thu hút bởi những điều khác. Họ thường tìm đến những công ty có môi trường để họ phát triển sự nghiệp cá nhân, nơi họ có cơ hội phát triển các kỹ năng sở trường của mình, trong hiện tại bây giờ và cả tương lai.
Công ty cũng cần chuẩn bị cho nhân sự những vị trí mới khi doanh nghiệp mở rộng quy mô. Luân chuyển nội bộ luôn tốt hơn thay đổi tài năng chủ chốt.
2. Xây dựng nền tảng văn hóa phù hợp
Văn hóa công ty có tính hai mặt, phụ thuộc vào sự phù hợp của nó. Theo đó, văn hóa có thể là rào cản sự ứng dụng tính chuyên nghiệp vào việc thực hiện chiến lược của công ty, nhưng nó cũng có thể trở thành động lực cho nhân sự phát huy lợi thế cạnh tranh của công ty.
Theo hướng thứ hai, thay vì chỉ là nơi làm việc, công ty sẽ thành một nơi nhân viên cảm thấy tràn đầy động lực khi được tạo điều kiện phát triển khả năng cá nhân.
Đó chính môi trường cho “tư duy ngoài chiếc hộp” phát triển, thúc đẩy việc học tập liên tục, từ đó thúc đẩy khả năng sáng tạo của cá nhân và tích hợp thành tích cá nhân để tạo ra sức mạnh tập thể.
Nền tảng văn hóa này sẽ giúp lãnh đạo công ty giám sát tốt hơn, vừa đánh giá đúng sự tiến bộ của nhân viên, vừa cung cấp cơ hội cho nhân viên phát huy hiệu quả làm việc trong khi vẫn xác định được các khu vực cần để giúp họ nắm vững kỹ năng mới.
3. Nâng cao hiệu quả quản lý
Trong quá khứ, các startup và những nhà quản lý doanh nghiệp nhỏ tồn tại bằng cách đáp ứng các nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, sự thụ động đó sẽ làm công ty tự hạn chế nội lực của chính mình.
Khi các nhà quản lý liên tục nghiên cứu để phát triển các chiến lược tăng trưởng ngắn, trung và dài hạn, họ sẽ sáng tạo được những mô hình hoạt động có khả năng nâng cao lợi thế cạnh tranh của công ty. Một chiến lược hoạt động rõ ràng sẽ sinh ra kế hoạch phát triển tài năng đồng bộ giúp không chỉ thành phần chủ chốt của doanh nghiệp mà cả các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả hơn.
4. Thúc đẩy phát triển thương hiệu
Các tài năng luôn đánh giá cao và tìm kiếm những công ty có môi trường làm việc chuyên nghiệp. Trong một môi trường vừa làm việc vừa được liên tục trau dồi kiến thức và kỹ năng, họ sẽ có nhiều động lực để gắn kết với công ty. Họ chính là những "đại sứ thương hiệu" của công ty, góp phần đưa giá trị của công ty đến nhân viên mới và cả nhà đầu tư tiềm năng.
Ngày nay, người ta gọi nhân tài là một loại "tài sản" của doanh nghiệp. Không những thế, đó còn là tài sản giá trị nhất. Do vậy, khoanh vùng, chủ động phát triển và có chiến lược hiệu quả để bảo vệ tài sản này là một trong những việc quan trọng nhất các startup phải quan tâm ngay từ đầu. Đó cũng là con đường đưa Uber đến thành công hôm nay.
Doanh nhân Sài Gòn