MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

92% doanh nghiệp được kiểm tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế

05-11-2013 - 10:12 AM | Doanh nghiệp

Ngoài những vi phạm phổ biến như Thành lập DN “ma”, gian lận thương mại trong ký kết các hợp đồng ngoại thương, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, trốn thuế...

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, trung bình mỗi năm cơ quan Thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra được từ 18 đến 20% doanh nghiệp (DN) trong tổng số gần 450 nghìn DN đang hoạt động nhưng đã có tới 92% DN thuộc diện kiểm tra có dấu hiệu vi phạm về chính sách pháp luật thuế.

Đủ chiêu trốn thuế

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đặt câu hỏi: Trong 20% số DN được thanh tra, kiểm tramà số liệu đã như vậy thì có thể thấyvi phạm là rất cao. Trung bình mỗi năm ngành Thuế truy thu cho ngân sách tới 12.600 tỷ đồng (trong năm 2012) và trong 9 tháng đầu năm 2013 là 8.500 tỷ đồng. Như vậy, còn 80% số DN còn lại có vi phạm hay không?

Trong 5 năm (2007-2013), Tổng cục Thuế và Bộ Công an đã phối hợp trao đổi 27.516 công văn, tài liệu liên quan đến lĩnh vực thuế. Kết quả, cơ quan Công an đã khám phá và phối hợp với cơ quan Thuế xử lý hình sự 218 vụ; xử lý hành chính 10.155 vụ vi phạm trong lĩnh vực thuế. Hai đơn vị đã xử lý, thu hồi nộp ngân sách 782,6 tỷ đồng tiền trốn thuế, tiền phạt vi phạm hành chính về thuế.

CBCC Chi cục thuế Đống Đa kiểm tra việc chấp hành chính sách thuế tại DN. Ảnh: Đ.Chiến.

Trong đó, đã phát hiện rất nhiều vụ lợi dụng sự thông thoáng thành lập DN để mua bán hóa đơn, lợi dụng chính sách thuế... Nhiều đối tượng không tuân thủ các quy định về kế toán, mua bán vòng vèo, qua nhiều khâu trung gian, sử dụng hóa đơn của DN bỏ trốn để trốn thuế. Đơn cử như tại địa bàn Hà Nội, trong thời gian qua, cơ quan Thuế Hà Nội đã xử phạt gần 7.500 DN sử dụng hóa đơn có dấu hiệu bất hợp pháp để kê khai, khấu trừ thuế GTGT, trị giá 141 tỷ đồng.

Còn trên các địa bàn cả nước, lực lượng Công an và Thuế đã phanh phui và xử lý hình sự nhiều vụ mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Chẳng hạn như vụ: Nguyễn Văn Nhi cùng đồng phạm ở TP. Hồ Chí Minh phạm tội mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế. Nguyễn Văn Nhi đã thành lập 10 công ty để mua hóa đơn với doanh số sau thuế hơn 4.000 tỷ đồng, tiền thuế GTGT của Nhà nước thiệt hại hơn 390 tỷ đồng; Vụ án Nguyễn Văn Phui- Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hữu Tài (TP. Cần Thơ) đã sử dụng 136 hóa đơn GTGT, tổng doanh số hơn 44 tỷđồng, tiền thuế GTGT là 4,439 tỷ đồng của 17 công ty có trụ sở ở TP. Hồ Chí Minh để thực hiện khấu trừ đầu vào. Đồng thời, xuất bán 708 hóa đơn GTGT cho 109 công ty ở các tỉnh, thành phố, với tổng doanh số hơn 42,2 tỷđồng, gây thiệt hại về thuế GTGT vước tính ban đầu là 11 tỷ đồng; Vụ án Nguyễn Vũ Lê và đồng phạm ở TP. Hồ Chí Minh thành lập nhiều công ty để mua số lượng lớn hóa đơn GTGT đầu vào, tạo dựng hồ sơ đầu vào khống để hợp thức hóa nguồn quần áo may sẵn của nhiều cá nhân có nhu cầu xuất khẩu sang các nước Đông Âu, lập thủ tục xin hoàn thuế và chiếm đoạt tiền thuế GTGT của Nhà nước số tiền 9,851 tỷđồng…

Theo nhận định của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, con số phát hiện ra vi phạm về thuế mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Thực trạng vi phạm trong lĩnh vực thuế rất cao, nhiều bộ phận khá nghiêm trọng mà chưa bị phanh phui. Chỉ tính gần 55 nghìn DN có đăng ký kinh doanh nhưng không có hoạt động thì đây cũng là nhóm tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thực tế, thời gian qua, ngành Công an và Thuế mới tập trung đấu tranh vào lĩnh vực thuế GTGT, còn các lĩnh vực khác chưa đề cập sâu như thuế xuất nhập khẩu, thuế nhà đất. Ví dụ, các thủ đoạn lợi dụng tạm nhập tái xuất, buôn bán tiểu ngạch qua biên giới, tội phạm lợi dụng việc giao dịch điện tử hoặc thanh toán qua ngân hàng để thanh toán, khấu trừ, hoàn thuế.

Đặc biệt, hiện tượng chuyển giá trong các DN có vốn nước ngoài. Để nghi ngờ DN chuyển giá trốn thuế thì dễ, nhưng để tìm được bằng chứng thì không đơn giản. Dẫn tới, số vụ việc được khởi tố, điều tra không nhiều và tiến độ điều tra chậm làm giảm tác dụng răn đe và giảm hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thuế. Đặc biệt các vụ dây dưa nợ thuế là hành vi vi phạm pháp luật phổ biến hiện nay của các DN nhưng chưa được xử lý triệt để.

Tội phạm về thuế diễn ra phức tạp

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế- Bộ Công an, chính sách thuế trong điều kiện hội nhập có độ nhạy cảm cao về kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Trong khi đó, các văn bản pháp luật về thuế còn thiếu đồng bộ, có những sơ hở, thiếu sót, cơ chế quản lý thu thuế còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với sự phát triển chung của nền kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.

Lấy ví dụ như tình trạng thành lập DN quá dễ dàng khiến việc quản lý thuế gặp nhiều khó khăn. Theo đó, trong thời gian tới cần tiếp tục kiến nghị mạnh mẽ hơn nữa về vấn đề điều kiện thành lập DN. Để thành lập DN cần có ít nhất 3 điều kiện về nhân thân, cơ sở vật chất – tài chính và điều kiện tối thiểu về quản trị kinh doanh.

Dự báo trong thời gian tới, các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm về thuế sẽ diễn ra phức tạp. Ngoài những vi phạm phổ biến như Thành lập DN “ma”, gian lận thương mại trong ký kết các hợp đồng ngoại thương, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, trốn thuế… như hiện nay thì nhiều tội phạm mới sẽ xuất hiện như Gian lận thuế đối với hàng hóa XNK ở Khu kinh tế thương mại tự do, gian lận thuế trong ngành kinh doanh bảo hiểm, thuế nhà thầu, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh tư vấn pháp luật, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Từ đó đòi hỏi ngành Thuế tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát những vi phạm liên quan tới hóa đơn, chứng từ thông qua việc siết chặt quy định về tự in hóa đơn… Nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực thuế như: Quy định về cơ chế hạch toán, thủ tục hoàn thuế… Đồng thời, cơ quan Công an tăng cường phối hợp với ngành Thuế để tiến hành điều tra đối với những vụ việc vi phạm, trốn thuế có tính chất nghiêm trọng, tinh vi, có tổ chức để răn đe, phòng ngừa các đối tượng có ý định vi phạm pháp luật về thuế.

Theo Thu Hằng


thunm

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên