MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

An Phát Plastic: Kế hoạch lợi nhuận năm 2016 gấp 2,5 lần năm trước

17-03-2016 - 09:00 AM | Doanh nghiệp

Không ký hợp đồng chốt giá bán dài hạn như năm 2015, trong năm 2016, An Phát ký hợp đồng với điều khoản giá bán sẽ điều chỉnh theo tỷ lệ biến động tương ứng của giá nguyên liệu.

Theo tờ trình của HĐQT, năm 2016 này, An Phát Plastic (AAA) đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất lên tới 2.100 tỷ đồng – tăng 28% so với năm 2015 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 100 tỷ đồng – gấp 2,5 lần con số đạt được năm 2015. Dự kiến mức chi trả cổ tức từ 10 – 15% bằng tiền mặt.

Trong năm qua, sự biến động của giá dầu thô thế giới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá nhựa nguyên liệu, đẩy sự tiêu thụ sản phẩm của các đối tác của An Phát vào khó khăn. Công ty đã phải giảm giá bán để trợ giúp khách hàng, do đó làm giảm lợi nhuận trong quý I/2015. Từ quý II trở đi, An Phát đã phục hồi được đơn hàng và giá bán.

Ông Phạm Ánh Dương – Chủ tịch HĐQT của An Phát cho biết, rút kinh nghiệm từ năm 2015 về việc ký hợp đồng chốt giá bán dài hạn, năm 2016 Công ty đã đàm phán lại với khách hàng để ký các hợp đồng với những điều khoản có thể thay đổi linh hoạt.

Cụ thể, hợp đồng được ký với điều khoản nếu giá nguyên liệu có điều chỉnh +\ - 5% thì giá bán sẽ điều chỉnh theo tỷ lệ biến động tương xứng. Các hợp đồng được đàm phán ký ngắn hạn hơn, tránh kéo dài. Vì vậy giá dầu không thể ảnh hưởng tới kết quả hoạt động kinh doanh nhiều như trước được nữa.

Từ năm 2015, An Phát đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất số 6 tại Hải Dương với công suất thiết kế 37.000 tấn sản phẩm/năm, chuyên sản xuất sản phẩm cao cấp cho thị trường Nhật Bản. Dự kiến, nhà máy số 6 sẽ đi vào hoạt động từ tháng 6/2016.

Công ty cũng đã mua 15 000 m2 đất tại Cụm Công nghiệp An Đồng để đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất số 7 chuyên phục vụ thị trường Hoa Kỳ. Dự kiến tháng 10/2016 Nhà máy sẽ được xây dựng hoàn thiện. Hai Nhà máy này được xây dựng với kỳ vọng thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Ông Dương cho biết, hiện tại Thái Lan là đối thủ trực tiếp của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Nhật. Thái Lan có Công ty TPBI là đối thủ trực tiếp của An Phát với lợi thế thành lập lâu năm, có cả công nghiệp tái chế nhựa và sản xuất bao bì màng ghép. Sản lượng của họ khoảng 55 000 tấn/ năm và hiện là Công ty lớn nhất Đông Nam Á về sản xuất bao bì.

Tuy nhiên theo kế hoạch, sau khi nhà máy 6 và 7 đi vào hoạt động, chạy 100% công suất thì sản lượng của An Phát sẽ đạt khoảng 80 000 tấn/năm, vượt qua TPBI trở thành Công ty sản xuất bao bì màng mỏng lớn nhất Đông Nam Á.

Ông Dương đánh giá, trong thời gian tới, An Phát sẽ được hưởng lợi do Việt Nam gia nhập vào TPP. Các sản phẩm của An Phát đang được định hướng theo mục tiêu là sản phẩm công nghệ cao và thân thiện với môi trường nên chắc chắn sẽ ngày càng hiệu quả và bền vững.

Minh Trang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên