“Bài học của hội nhập là Doanh nghiệp đã biết liên kết”
Nhận xét trên được ông Trần Anh Vương (Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Trẻ Hà Nội) đưa ra bên lề Hội thảo Cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Hoa Kỳ trước thềm TPP, diễn ra chiều 9/3.
- 03-03-2015Cải thiện môi trường kinh doanh - Đòi hỏi tất yếu của tiến trình hội nhập
- 03-03-2015Hội nhập AEC: Điều gì đang chờ đợi các doanh nghiệp Việt Nam?
- 02-03-2015Năm hội nhập 2015: Ai hỗ trợ, thức tỉnh doanh nghiệp?
Ông Trần Anh Vương cho rằng, hiện có rất nhiều DN Việt nắm bắt và hiểu căn bản về hội nhập tới đây, đặc biệt về Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP sẽ là cơ hội rất lớn, nhưng có đến với từng DN hay không phụ thuộc vào chính họ. “Quả bóng đã đá về chân DN và anh phải chủ động, không còn ngồi đó kêu gào Chính phủ phải hỗ trợ nọ kia nữa. Đó là hiểu biết quan trọng nhất”, ông Vương nói.
Thời điểm này, ông cảm nhận thế nào về “sức nóng” từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam sắp tham gia?
Giờ không thể run, vì chắc chắn nó sẽ tới, vấn đề là hàng hóa của mình có đấu chọi được không, con người có bị thay thế không? Như khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, có thể nhiều công nhân lành nghề, kỹ thuật cao của Việt Nam sẽ sang Thái Lan làm việc; còn người Thái Lan sang Việt Nam sẽ là đội ngũ quản lý, doanh nhân… Do đó, sự chuẩn bị tốt nhất là các DN, đội ngũ doanh nhân phải cố gắng nhiều, cùng liên kết để cộng sinh.
Theo ông, khó khăn nhất các DN Việt gặp phải khi tham gia TPP là gì, đặc biệt với các DN nhỏ và vừa?
Việt Nam là một nền kinh tế có lẽ yếu nhất trong khối TPP, nên rào cản ở đây không phải từ quy định hay kỹ thuật. Rào cản sợ nhất là DN chúng ta nhỏ so với DN nước bạn, sẽ gặp yếu thế khi cùng chơi với nhau. Do đó, bắt buộc DN phải cố nhảy để hội nhập, cơ hội đấy nhưng nhiều DN chưa chắc có cố được không.
Đặc biệt, TPP quy định chặt chẽ về quy tắc xuất xứ nguyên liệu để được hưởng thuế suất ưu đãi, nên những mặt hàng lâu nay Việt Nam nhập nguyên liệu từ Trung Quốc sẽ khó khăn để tìm nguồn thay thế. Ngoài ra, DN cũng phải học cách đồng hành với luật sư để hạn chế các vướng mắc pháp lý gặp phải khi kinh doanh ở nước ngoài.
Ông nhận thấy các DN Việt có đủ tự tin khi tham gia TPP không?
Trước đây, khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và tới đây là Cộng đồng kinh tế ASEAN tôi thấy các DN chưa tự tin lắm và có phần thụ động. Riêng với TPP, các DN có phần tự tin hơn trong khả năng của mình.
Hiện cả DN và Chính phủ đã thấy và thật sự chuẩn bị cho quá trình hội nhập, không còn nói chơi nữa. Điều đó thể hiện rõ nhất qua chiến lược để phát triển DN hàng phụ trợ - công nghiệp nền tảng, tạo ra nguyên vật liệu đảm bảo quy định về xuất xứ. Đặc biệt, các DN cũng hiểu ra rằng, phải liên kết để cùng phát triển thay vì mạnh ai người đó làm như trước, cùng chia sẻ để phát triển, đó là thành công lớn nhất.
Xin cảm ơn ông!
Theo Lê Hữu Việt
Tiền phong