MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán hàng đa cấp: Loại bỏ những doanh nghiệp bất chính

28-07-2014 - 07:47 AM | Doanh nghiệp

Người tiêu dùng sẽ được bảo vệ khi họ hiểu đúng và đủ về BHĐC, các cơ quan quản lý có tiêu chuẩn để giám sát chặt chẽ hoạt động của ngành.

Nhiều ý kiến nhằm phát triển và quản lý hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) được đưa ra tại buổi tọa đàm “Hành lang pháp lý trong ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại Nha Trang (Khánh Hòa) vào ngày 25.7.

Ràng buộc rõ trách nhiệm của doanh nghiệp và người tham gia BHĐC

Tại buổi tọa đàm, ông Phan Đức Quế, Trưởng phòng Điều tra xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương) cho biết từ năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 110 để quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp. Tuy nhiên, trước sự phát triển của kinh doanh đa cấp, vừa rồi, Chính phủ giao cho Bộ Công thương soạn thảo Nghị định 42 thay thế Nghị định 110. Sau khi chính thức có hiệu lực vào đầu tháng 7 vừa qua, cơ quan quản lý, doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng đều kỳ vọng hành lang pháp lý mới với nhiều điểm tiến bộ sẽ giúp ngành BHĐC pháp triển minh bạch.

Nghị định 42 ra đời dựa trên nền tảng của Nghị định cũ và sự đánh giá toàn diện ngành BHĐC tại Việt Nam. Với nhiều điểm mới tích cực, Nghị định này không chỉ quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, giám sát nghiêm ngặt hoạt động của doanh nghiệp mà còn ràng buộc trách nhiệm của họ đối với người tham gia BHĐC. Theo đó, doanh nghiệp phải thường xuyên giám sát hoạt động của người tham gia BHĐC để bảo đảm người tham gia BHĐC thực hiện đúng quy tắc hoạt động, chương trình trả thưởng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải quản lý người tham gia BHĐC qua hệ thống thẻ thành viên theo quy định.

Theo ông Phạm Quốc Toàn - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - Nghị định 42 với nhiều điểm mới và minh bạch sẽ giúp xã hội hiểu đúng hơn bản chất và đóng góp tích cực của ngành BHĐC chân chính trong phát triển kinh tế xã hội.

Bán hàng đa cấp: Loại bỏ những doanh nghiệp bất chính
Toàn cảnh buổi tọa đàm

Hành lang pháp lý mới giúp xã hội thay đổi cách nhìn về BHĐC

Việc xây dựng hành lang pháp lý mới này, ngành BHĐC sẽ đi vào đúng quỹ đạo và được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực hơn nữa vào nền kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, Nghị định 42 sẽ giúp người tiêu dùng có cái nhìn đúng đắn và khách quan hơn về ngành từ đó xã hội sẽ có cái nhìn khách quan hơn về BHĐC.

Ông Bạch Văn Mừng- Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) - cho biết Nghị định 42 được xây dựng, đánh giá, phát triển trên cơ sở nhìn nhận khách quan ngành BHĐC, nhằm giúp các doanh nghiệp chân chính có cơ hội phát triển bền vững. Những doanh nghiệp BHĐC bất chính sẽ bị đào thải và người tiêu dùng sẽ được bảo vệ.

Người tiêu dùng sẽ được bảo vệ khi họ hiểu đúng và đủ về BHĐC, các cơ quan quản lý có tiêu chuẩn để giám sát chặt chẽ hoạt động của ngành. Đó là những mục tiêu mà Nghị định này muốn hướng đến. Tuy nhiên, để Nghị định phát huy, đi vào cuộc sống thì cần phải có sự trợ giúp của nhiều cơ quan ban ngành, nhất là các cơ quan truyền thông để cho người tiêu dùng hiểu được hết các nội dung của Nghị định và để cơ quan nhà nước, người dân phải tuân thủ các quy định, ông Mừng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chính các doanh nghiệp trong ngành cần phải tự giác tuân thủ đúng Nghị định để góp phần thay đổi nhận thức xã hội về ngành. Ông How Kam Chiong - Tổng giám đốc công ty TNHH Amway Việt Nam- cho biết Nghị định 42 về BHĐC là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp BHĐC chân chính phát triển. Nhưng để tận dụng tốt cơ hội này, cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và chính những người tham gia BHĐC.

>> Sẽ cấm được Doanh nghiệp bán hàng đa cấp dụ dỗ, lôi kéo khách hàng?

Theo Trung Hiếu


thunm

Thanh niên

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên