Bao bì Việt lo bị thâu tóm
Sản xuất bao bì có liên hệ mật thiết với hoạt động xuất khẩu hàng hóa, thế nhưng doanh nghiệp Việt đang bị lép vế trước sự lấn lướt của số đông doanh nghiệp nước ngoài.
- 20-07-2015Bao bì Dầu khí Việt Nam: Quý 2 lãi 3,9 tỷ đồng, 6 tháng vượt 39,6% kế hoạch cả năm
- 22-01-2015HNX đón tân binh mới của ngành dầu khí: Bao bì Dầu khí Việt Nam
- 30-12-2014Tái cấu trúc Masan Group: Bán Masan Agri và Bao bì Minh Việt
- 11-05-2012Thị trường nhựa, bao bì Campuchia: DN Việt có tiếng không có miếng
- 15-02-2012Bao bì thủy tinh: Rộng chỗ cho 2 DN Việt khoắng 'mỏ vàng '
Tại Triển lãm quốc tế chuyên ngành công nghiệp đóng gói bao bì và in ấn mới diễn ra tại TP.HCM, có đến 80% doanh nghiệp tham gia là doanh nghiệp nước ngoài, chủ yếu là Đài Loan và Trung Quốc. Thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp sản xuất bao bì trong nước là bị lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu, máy móc nhập khẩu.
Ngoại lấn lướt, nội phòng thủ
Tham quan triển lãm quốc tế nói trên, có thể hình dung phần nào sự phụ thuộc của ngành bao bì Việt Nam vào doanh nghiệp nước ngoài. Gian hàng của Sansin, một tập đoàn lớn chuyên cung cấp các loại máy móc thiết bị cho ngành in và bao bì của Trung Quốc, chiếm hơn 1/3 diện tích trưng bày tại triển lãm.
Đại diện hãng này cho biết, họ kỳ vọng sẽ tìm kiếm được nhiều khách hàng tiềm năng tại triển lãm, bởi ngành sản xuất bao bì Việt Nam đang có nhiều chuyển biến tích cực. Tương tự, Andrea Lai, đại diện bán hàng của SD, một trong hai doanh nghiệp cung cấp hộp đựng thực phẩm nhựa lớn nhất tại Đài Loan cho biết, SD nhìn thấy tiềm năng ngành bao bì tại Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, nên họ quyết định sang Việt Nam tham dự triển lãm và giới thiệu sản phẩm.
Việc hàng loạt doanh nghiệp ngoại nhảy vào Việt Nam phần nào hé lộ sự yếu thế của bao bì nội. Báo cáo của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2015, cả nước nhập khẩu hơn 796.323 tấn giấy các loại. Trong đó, nhập khẩu tăng nhiều nhất là giấy bao gói với tỷ lệ 118,8%, giấy Kraft Liner (chuyên dùng sản xuất thùng carton) tăng 78% và giấy in ấn, văn hóa và bao bì khác tăng 40%. Tính chung so với cùng kỳ năm 2014, nhập khẩu nhóm giấy bao bì các loại trong 6 tháng đầu năm 2015 tăng tới 108,49%.
Các doanh nghiệp bao bì đang tham gia vào thị trường nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau như: giấy, nhựa, màng kim loại, chai nhựa PET… Tuy nhiên, đa phần phục vụ cho nhóm đối tượng nhỏ lẻ. Trong khi đó, các doanh nghiệp bao bì có tên tuổi chiếm lĩnh hầu hết nhóm các khách hàng lớn.
Trong nhóm chai nhựa PET, Ngọc Nghĩa và Bảo Vân đang chiếm 80% thị phần, Nhựa Tân Tiến và Nhựa Rạng Đông nắm giữ thị phần bao bì nhựa thân thiện với môi trường được dùng trong đóng gói sản phẩm. Nhóm bao bì carton nằm trong tay của Kraft Vina (thuộc Tập đoàn SCG – Thái Lan), còn Tetra Pak (Thụy Điển) và Combibloc (Đức) đang chia nhau phân khúc bao bì giấy cho ngành sữa.
Trước sự tấn công mạnh mẽ của các công ty nước ngoài, nhiều công ty Việt Nam lên kế hoạch phòng thủ bằng cách đầu tư xây dựng nhà máy, củng cố năng lực sản xuất. Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre dự kiến xây dựng Nhà máy giấy Giao Long, với công suất thiết kế 80 nghìn tấn/năm, khởi công năm 2015 và sẽ đưa vào hoạt động từ năm 2017 với vốn đầu tư 400 tỷ đồng.
Mới đây, Nhựa Rạng Đông cũng đầu tư dây chuyền máy thổi năm lớp từ Đức, dùng trong sản xuất bao bì nhựa mềm cao cấp trị giá khoảng 2,25 triệu USD, công suất 40 tấn/ngày. Công ty Nhà Nhựa Việt Nam cho biết, họ đã đầu tư hơn 10 triệu USD để thành lập nhà máy đầu tiên sản xuất túi nhựa phân hủy sinh học. Năm 2014, Công ty TNHH Oai Hùng đã đầu tư 15 triệu USD xây dựng Nhà máy GMP – bao bì dược phẩm với hai dây chuyền sản xuất màng nhôm và in chất lượng cao.
Và nỗi lo bị thâu tóm
80 – 90% thị trường giấy bao bì trong nước do các công ty sản xuất bao bì nhập khẩu từ Thái Lan và Đài Loan
Các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng dồn dập mở rộng nhà máy, như Công ty TNHH Giấy Kraft Vina – công ty con của Tập đoàn SCG tại Việt Nam – đã ký thỏa thuận với những đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn kỹ thuật và công nghệ sản xuất giấy hàng đầu thế giới, để mở rộng năng lực sản xuất giấy tại Việt Nam.
Với việc rót thêm 180 triệu USD, dự kiến dây chuyền sản xuất mới sẽ đi vào hoạt động vào quý I/2017, đưa tổng công suất của Kraft Vina lên 500 nghìn tấn/năm và trở thành nhà sản xuất giấy lớn nhất Việt Nam.
Thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp sản xuất bao bì trong nước hiện nay là sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và máy móc nhập khẩu. Theo đánh giá của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), nguyên liệu sản xuất trong nước hiện chỉ đáp ứng được 20 – 30% nhu cầu với các sản phẩm chủ yếu gồm nhựa PVC, PET, PP, còn 70% nguyên phụ liệu còn lại của ngành đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Bà Lưu Vân Trang, Phó giám đốc Công ty Bao bì Sao Mai Việt, chia sẻ: “Điều tôi băn khoăn nhất là hiện nay hơn 80 – 90% thị trường giấy bao bì trong nước do các công ty sản xuất bao bì nhập khẩu từ Thái Lan và Đài Loan. Thực tế, thị trường bao bì, giấy carton của Việt Nam đang bị các công ty nước ngoài chiếm lĩnh”.
Không chỉ sản xuất nhỏ lẻ với giá trị thấp, doanh nghiệp nội cũng đứng trước nguy cơ bị thâu tóm, bởi doanh nghiệp ngoại có tiềm lực tài chính hùng mạnh muốn thống trị thị trường Việt Nam thông qua con đường M&A. Một chuyên gia trong lĩnh vực bao bì phân tích, trước đây khẩu vị của các doanh nghiệp ngoại khi lựa chọn “con mồi” để tiến hành M&A là các doanh nghiệp bao bì nhựa. Tuy nhiên, “miếng mồi ngon” hiện nay là doanh nghiệp sản xuất bao bì giấy.
“Nếu doanh nghiệp sản xuất bao bì của Việt Nam không đổi mới công nghệ để tự cứu mình, có khả năng rất cao là không ít doanh nghiệp sẽ bị xóa sổ khi nước ta hội nhập nhiều hơn với thế giới”, vị chuyên gia này cảnh báo.
Diễn đàn doanh nghiệp