MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo cáo tài chính và quản trị công ty ở Việt Nam: Nỗi niềm của lãnh đạo

24-04-2014 - 14:38 PM | Doanh nghiệp

Kết quả kiểm toán cho thấy báo cáo kinh doanh của một số công ty ở Việt Nam không phản ánh đúng tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Các công ty giải thích sự khác biệt là do cách họ báo cáo các khoản phải thu, chi phí phải trả, lưu chuyển tiền tệ và dự phòng, các khoản đầu tư và tài sản dài hạn, báo cáo kịp thời các khoản thanh toán thuế, và hợp nhất báo cáo giữa công ty mẹ và công ty con.

Ví dụ, trong thư gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vào ngày 3/4/2014, Công ty Thủy Sản Mekong (AAM) giải thích sự khác biệt 5 tỷ đồng trong tài sản thanh khoản là do chậm báo cáo giấy chứng nhận 3 tháng tiền gửi.

Petroland (PTL) cho rằng tính toán tài chính của công ty khác với kiểm toán viên là do cách công ty báo cáo dự phòng tài chính để đối phó với các khoản lãi suất và thuế đang chưa thanh toán.

Do tính đa dạng của hoạt động kinh doanh, và tính phức tạp, liên tục thay đổi của một nền kinh tế quá độ, việc làm ra các báo cáo tài chính có chất lượng là một thách thức về mặt quản trị và kế toán.

Trong báo cáo năm 2012, Tổng công ty Tài chính Quốc tế (IFC) của Ngân hàng Thế giới đã kết luận rằng chất lượng báo cáo tài chính của 100 công ty hàng đầu Việt Nam được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM và Hà Nội đã sụt giảm xét trên tất cả các lĩnh vực quản trị công ty, bao gồm việc thông báo thông tin tới công chúng.

Các công ty đã không thể cung cấp cho nhà đầu tư thông tin kịp thời và có liên quan để giúp họ đưa ra quyết định đầu tư. "Thẻ điểm quản trị công ty" của IFC chấm 100 công ty này với điểm trung bình 42,5% , với 57,5 và 17,40 là điểm cao nhất và thấp nhất. Trong khi đó, các quốc gia láng giềng như Philippines và Thái Lan (hai thành viên thuộc Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế OECD) đạt 72% và 77% .

Nghiên cứu khoa học đã nhiều lần khẳng định rằng một báo cáo tài chính tốt sẽ giúp cải thiện việc kinh doanh, quản lý hoạt động, xây dựng lòng tin và uy tín của công ty, và ngược lại, báo cáo tài chính kém minh bạch, không chính xác dẫn tới việc mất lòng tin từ nhà đầu tư. Công ty thuỷ sản Hùng Vương (HVG), công ty liên kết của SSI, doanh thu năm 2012 về xuất khẩu đạt hơn 208 triệu USD, và liên tục có lãi.

Tới quý 04/2013 công ty bất ngờ báo lỗ, do đó, ảnh hưởng ít nhiều tới báo cáo hợp nhất của SSI. SSI ngay sau đó đã bán ra cổ phiếu của HVG, và HVG không còn là công ty liên kết trong hệ thống báo cáo hợp nhất của SSI sau động thái này. Như vậy, một báo cáo tài chính minh bạch là tiền đề để nhà đầu tư đánh giá mức độ rủi ro hơn đối với một doanh nghiệp, do đó công ty ít tốn kém hơn để vay vốn.

Đó là một lợi ích quan trọng đối với công ty đang tìm cách huy động vốn để cung cấp báo cáo tài chính đáp ứng yêu cầu kiểm toán.

Báo cáo tài chính là một hoạt động vô cùng phức tạp, mặc dù có các hướng dẫn pháp lý và bài học trước đó về tập quán kinh doanh tốt nhất. Có lẽ bước đầu tiên của các công ty niêm yết Việt Nam đang được kiểm toán sẽ là đầu tư nhiều hơn vào hệ thống thông tin quản lý (MIS) để giúp cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và phù hợp.

Bước tiếp theo là phát triển trong nội bộ tổ chức, từ quản lý cấp cao đến đội ngũ nhân viên, một văn hóa xem trọng dữ liệu kế toán như một tài sản giá trị đối với kinh doanh, và chất lượng thông tin tạo ra một lợi thế cạnh tranh thực sự.

Hiện nay, một số công ty Việt Nam chưa quen với việc cung cấp thuyết minh rõ ràng của báo cáo tài chính đã được công bố. Phải chăng lý do một phần đến từ sự không nhất quán của chính sách nhà nước giữa các năm, giữa khối tư nhân và khối doanh nghiệp nhà nước. Vấn đề này gây ra khó khăn trong việc kế toán và công bố thông tin.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Hội đồng báo cáo tài chính của (FRC) Vương quốc Anh đã ban hành một hướng dẫn được sử dụng rộng rãi cho cộng đồng kiểm toán viên tài chính. Hướng dẫn yêu cầu kiểm toán viên phải chú ý đặc biệt đến cách công ty đại chúng đo lường tính thanh khoản và lưu chuyển tiền tệ. FRC cũng khuyến nghị kiểm toán viên cần kiểm tra cẩn thận cách các công ty dự đoán lãi lỗ.

Các nước phát triển với chế độ kế toán mạnh hơn Việt Nam cũng đã gặp các vấn đề báo cáo kế toán. Những công ty tỷ đô ở Úc, Canada, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh như Enron, WorldCom, Lehman Brothers, Swissair và Ngân hàng Tín dụng và Thương mại Quốc tế (BCCI ) đã có các vấn đề báo cáo nghiêm trọng, dẫn đến phá sản.

Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) ban hành những chỉ thị mới vào tháng 12 năm 2013 về công bố thông tin của công ty đại chúng. Về mặt bản chất, SEC yêu cầu công ty niêm yết cần thuyết minh thêm trong báo cáo tài chính. Để hạn chế nguy cơ hiểu sai, công ty nên giải thích những gì đã xảy ra trong năm tài chính, và các yếu tố kinh doanh, kinh tế nào tác động lớn nhất tới kết quả hoạt động.

Ngoài ra, công ty phải báo cáo thanh khoản của công ty - tiền mặt đến từ đâu, và được sử dụng thế nào để tài trợ hoạt động hàng ngày. Công ty cũng cần tiết lộ bất cứ rủi ro tiềm tàng nào liên quan đến hoạt động kinh doanh và tài chính hiện tại của công ty.

Diễn đàn thị trường vốn ASEAN và Ngân hàng Phát triển Châu Á đã công bố vào năm 2013 Bảng điểm quản trị công ty của bảy nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Báo cáo lưu ý rằng sự khác biệt trong việc " quản lý" và "quản trị " vẫn chưa được nhận thức rõ ràng bởi các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam.

Mục tiêu của quản trị là để thiết lập tầm nhìn và tương lai của công ty một cách chiến lược, và cũng để đảm bảo rằng công ty hoạt động trong phạm vi luật pháp, thúc đẩy lợi ích công bằng và bình đẳng đối với tất cả các bên liên quan – đội ngũ nhân viên, cổ đông, khách hàng và cộng đồng.

Trong khi, mục tiêu của quản lý là để phân bổ nguồn lực đầy đủ và tiến hành hoạt động hàng ngày để đảm bảo rằng công ty đạt tầm nhìn và mục tiêu của mình. Điều quan trọng là quản lý hàng đầu và kế toán trưởng cần nhận ra rằng việc công bố kịp thời về hoạt động liên tục cho các bên liên quan như nhà đầu tư và công chúng giúp làm giảm các vấn đề trong tương lai. Đồng thời, cộng đồng nhà đầu tư, bao gồm nhóm lớn tập hợp các cổ đông nhỏ, nên tìm cách lên tiếng và gây áp lực với quản lý và ban giám đốc để yêu cầu cải thiện đáng kể cả báo cáo tài chính và phi tài chính.

Các tổ chức Việt Nam muốn thành công trong thời đại hội nhập kinh tế toàn cầu nên thay đổi suy nghĩ của mình về báo cáo tài chính. Bài học kinh nghiệm từ những công ty thành công ở các nền kinh tế ASEAN cho rằng quản trị công ty tốt bao gồm cả báo cáo và công bố tài chính tốt sẽ giúp công ty trở nên hiệu quả hơn, và quan trọng, thu hút đầu tư nhiều hơn từ thị trường vốn trong nước và nước ngoài. Sau tất cả, đó là nỗi niềm của những lãnh đạo có tầm nhìn.

GS. Tùng Bùi

Giám đốc Chương trình Vietnam Executive MBA, Đại học Hawaii

Nguyễn Thị Trà My, MBA-Tổng giám đốc CSC Việt Nam

cucpth

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên