MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Bị chó dữ đuổi, ắt phải chạy nhanh. Người giỏi cũng vậy, cùng tắc biến, biến tắc thông!"

21-09-2015 - 07:39 AM | Doanh nghiệp

Vấn đề thu hút, gìn giữ và phát triển nhân tài ngày càng trở thành vấn đề nóng bỏng và tạo sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Trong thời buổi hiện nay, vấn đề thu hút, gìn giữ và phát triển nhân tài ngày càng trở thành vấn đề nóng bỏng và tạo sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và chuẩn bị tự do hóa nguồn nhân lực trong cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015.

Đặc biệt, khối các doanh nghiệp Việt Nam luôn phải đứng trước sức ép lớn về khả năng thu hút và quản trị nhân tài so với các công ty đa quốc gia với thương hiệu, cơ chế đãi ngộ và môi trường làm việc vượt trội.

Vì vậy, để có thể thành công trong việc thu hút và phát triển nhân tài, các doanh nghiệp cần phải có chiến lược bài bản, cụ thể và những bài học kinh nghiệm sâu sắc từ những doanh nghiệp đã thành công.

Trước những vấn đề thách thức đặt ra, HR Network No.02 với chủ đề “Chiến lược quản trị nhân tài- Talent management strategy” đã diễn ra vào ngày 19/9 tại Hà Nội do Mạng xã hội nghề nghiệp Việt Nam- MyLink.vn và Hội đồng Anh phối hợp tổ chức nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo cũng như cá nhân làm nhân sự chuyên nghiệp có những lời giải cụ thể cho công tác quản trị nhân lực.

Thu hút nhân tài: Việt Nam không còn quá khác biệt với thế giới

Chia sẻ về sự khác biệt trong việc thu hút nhân tài ở Việt Nam so với các nước trên thế giới, bà Trần Thị Diệp Anh- Giám đốc nhân sự Carlsberg Việt Nam cho rằng sự khác biệt là có, nhưng đó là câu chuyện trước đây. Còn hiện tại, sự khác biệt trong vấn đề này của các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp trên thế giới là không còn quá khác biệt. Rất nhiều doanh nghiệp đang bị áp lực cạnh tranh rất mạnh đã dẫn tới sự chuyển biến trong công tác tìm kiếm, trọng dụng nhân tài.

Cũng theo bà Diệp Anh, các nước trên thế giới đã đi trước chúng ta rất lâu rồi, do đó các doanh nghiệp trong nước cần phải coi trọng việc thu hút nhân tài để thu hẹp khoảng cách.

15 năm trước, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã coi nhân tài là tất cả các thành viên trong công ty. Tuy vậy để áp dụng chúng ta cần chia nhân tài ra thành các nhóm để có chương trình, quản trị phù hợp. Hiện rất nhiều tổ chức coi nhân viên của mình đều là nhân tài, đây là điểm không khác biệt so với thế giới.

Điểm khác biệt đáng kể về thu hút nhân tài của Việt Nam so với các nước trên thế giới là bởi họ đã xây dựng được cách thức quản trị, thu hút nhân tài từ rất lâu, còn chúng ta điều này còn khá mới nên việc vận dụng đôi khi còn vấp phải một số khó khăn.

“Cùng tắc biến, biến tắc thông”

Cũng tại buổi hội thảo, giáo sư Hà Tôn Vinh- Chủ tịch Stellar Management cho biết chiến lược của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay là điều khá phức tạp, mang tính chất đột phá. Nhiều tập đoàn đã dùng khái niệm “Cùng tắc biến, biến tắc thông” để nói về chiến lược.

"Cùng tắc biến-Biến tắc thông" là thành ngữ được quen dùng với ý nghĩa: "Có cùng mới có biến, có biến mới có thông, có thông mới được lâu bền.

Một ví dụ khá vui được giáo sư Vinh đưa ra là khi một người bị chó dữ đuổi, người đó chạy rất nhanh, nhanh hơn rất nhiều so với những lúc bình thường để thoát khỏi bị cắn.

Ví dụ này đã được đưa vào quản trị kinh doanh với ý nghĩa doanh nghiệp nếu không chịu tác động cạnh tranh, thúc đẩy nào thì không thể vượt qua được những khó khăn.

Giáo sư Vinh cũng cho biết hiện nhiều doanh nghiệp trong nước có chiến lược rất linh hoạt, sẵn sàng tạo điều kiện để nhân viên đề xuất ý tưởng thoải mái và khi nhận thấy hợp lý, ban lãnh đạo sẽ có sự thay đổi ngay lập tức.

“Chiến lược có thể thay đổi dài hạn, có thể lâu dài nhưng phải đột biến để tạo ra sức mạnh và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và đó là điểm mới của chiến lược trong thời đại hiện nay” Giáo sư Vinh kết luận.

Nguyên Vũ

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên