MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị khởi tố hình sự, Vinaconex có được chọn làm giai đoạn 2 đường ống nước sông Đà?

04-08-2014 - 12:14 PM | Doanh nghiệp

Sự cố vỡ ống nước giai đoạn 1 là trách nhiệm thuộc về Vinaconex, đồng thời đơn vị này cũng đã cam kết tự bỏ vốn để đầu tư giai đoạn 2-phân kỳ 1, dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng.

Với tuyến ống dài 45,8km tuyến ống nước sạch sông Đà chuỗi đô thị Sơn Tây - Hoà Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông, tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, mới 3 năm hoạt động tuyến đường ống này đã xảy ra sự cố vỡ tới 9 lần.

Sau sự cố các cơ quan chức năng đã vào cuộc làm rõ nguyên nhân. Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, đường ống nước Sông Đà bị vỡ liên quan đến ống Composit cốt sợi thủy tinh có chất lượng không đồng đều, ống có hiện tượng bong rộp, tách lớp; Kết quả thí nghiệm chỉ tiêu độ cứng vòng của mẫu bị vỡ ở cấp nén B (biến dạng 15%) không đạt yêu cầu thiết kế…Thanh tra Chính phủ cũng đã vào cuộc.

Đáng chú ý, sáng 29/7/2014 tại trụ sở Vinaconex, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an đã đến làm việc với Tổng công ty và công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến việc thiết kế, phê duyệt, sản xuất và xây lắp tuyến ống truyền tải.

Đã có chủ trương giao cho Vinaconex đầu tư giai đoạn 2

Sự cố đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân Thủ đô bởi lượng nước cung cấp về thành phố chiếm tới 30% lượng nước thương phẩm của TP. Các lãnh đạo Vinaconex những ngày qua đã có động thái xin lỗi người dân về sự cố này, đích thân chủ tịch Vinaconex Nguyễn Thành Phương cũng đã viết tâm thư gửi cán bộ lãnh đạo, toàn thể nhân viên Vinaconex bày tỏ sự đáng tiếc khi sự cố xảy ra, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những sai lầm khuyết điểm của mình để sửa chữa, nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của tập thể.

Vì thế, giai đoạn 2 của dự án đường ống nước sạch sông Đà có ý nghĩa rất quan trọng đối với cuộc sống của người dân Thủ đô, cũng như đảm bảo quy hoạch nước sạch của Thành phố.

Mới đây, Tp Hà Nội đã có chủ trương tiếp tục giao cho Vinaconex làm chủ đầu tư giai đoạn 2 của dự án. Tại văn bản mà UBND TP Hà Nội vừa báo cáo “hỏa tốc” lên Văn phòng Chính phủ, Hà Nội cho biết đã giao các cơ quan chức năng nghiên cứu 2 phương án đầu tư tuyến ống số 2:

Phương án 1, Tổng Công ty Vinaconex khẩn trương đầu tư tuyến ống số 2 theo quy hoạch, Thành phố mua nước sạch tại điểm cuối là vành đai 3.

Phương án 2, trong trường hợp Vinaconex không đủ năng lực tài chính và không thể huy động vốn để đầu tư tuyến ống, Thành phố sẽ giao cho Công ty nước sạch Hà Nội phối hợp với các doanh nghiệp khác để thu hút xã hội hóa đầu tư tuyến ống; Trong đó nghiên cứu làm đường ống khẩn cấp đường kính 700-1000mm, khái toán khoảng 1000 tỷ đồng, thời gian thi công nhanh nhất khoảng 6 tháng.

Trong khi đang xem xét 2 phương án trên thì Bộ Xây dựng cũng đã chỉ đạo Vinaconex nhanh chóng triển khai dự án giai đoạn 2 theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, Vinaconex đã đề nghị Hà Nội triển khai giai đoạn 2 bằng nguồn vốn của Công ty và vốn huy động (ngoài ngân sách), đồng thời cam kết về tiến độ thời gian, chất lượng công trình.

Cần xem xét lại năng lực của Vinaconex

Vì thế, UBND TP Hà Nội đã thống nhất để Vinaconex triển khai giai đoạn 2. Có 4 lý do mà Hà Nội đã đưa ra làm cơ sở cho việc lựa chọn này.

Một là, đây là một trong các giải pháp để khắc phục sự cố vỡ ống nước giai đoạn 1 mà trách nhiệm thuộc về Vinaconex, để kịp thời cũng cấp ổn định nước sạch cho người dân.

Hai là, thực hiện đúng chủ trương và quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ về duyệt

Ba là, Vinaconex cam kết tự bỏ vốn đầu tư đảm bảo tiến độ thời gian (ngân sách Thành phố không phải đầu tư). Theo Vinaconex, dự án đầu tư giai đoạn 2 tuyến ống truyền tải từ Quốc lộ 21 về Vành đai 3 – phân kỳ 1 thuộc Dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Hà Nội – Hà Đông dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của doanh nghiệp chiếm 20% (khoảng 240 tỷ đồng), vốn vay 80% (khoảng 960 tỷ), ngày 14/7, Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Cầu Giấy đã có văn bản cam kết cho vay  80% vốn để thực hiện dự án với Thời gian cho vay dự kiến là 18 năm.

Bốn là, đảm bảo được sự đồng bộ của cả dự án do Vinaconex là chủ đầu tư gồm nhà máy và tuyến ống, sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư và vận hành sử dụng sau này.

Tuy nhiên, sau khi có lệnh khởi tố hình sự Vinaconex, tại công văn “hỏa tốc” gửi Văn phòng Chính phủ do Phó chủ tịch TP Nguyễn Ngọc Tuấn ký báo cáo chi tiết về sự cố giai đoạn 1 và công tác đầu tư giai đoạn 2, cho biết về việc Vinaconex triển khai giai đoạn 2 của dự án phải được xem xét cụ thể về năng lực, các điều kiện để thực hiện dự án và quy định của pháp luật.

Trong trường hợp Vinaconex không được phép triển khai dự án, UBND TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng giao cho Hà Nội thực hiện các cơ chế đặc thù, chỉ đạo Công ty nước sạch Thành phố triển khai dự án trong thời gian sớm nhất và theo đúng quy định, kịp thời cung cấp nước sạch cho người dân.

Và trong trường hợp này xảy ra thì Thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Vinaconex và Viwasupco đảm bảo an toàn khai thác đường ống số 1, khắc phục nhanh nhất sự cộ nếu tiếp tục xảy ra.

Vinaconex có tiếp tục được chọn để triển khai dự án giai đoạn 2 hay không, hay Thành phố giao cho Công ty nước sạch Hà Nội đảm nhận, vừa được TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng xem xét quyết định.

>>>Vụ vỡ ống nước Sông Đà: Chủ tịch Vinaconex xin lỗi người dân, “bơm” 1.200 tỷ đầu tư giai đoạn 2

>>>Khởi tố vụ án liên quan đến đường ống nước sông Đà

Kiều Thuật

thuatvk

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên