MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BMI: Nặng gánh dự phòng tài chính

02-05-2013 - 16:06 PM | Doanh nghiệp

Dự phòng nợ khó đòi của ngành hàng hải từ 2007 đến nay rất cao. khoản này BMI đang phải xử lý, do các công ty vận tải biển đang rất khó khăn, thậm chí không có tiền trả lương nhân viên.

Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh (BMI) công bố biên bản và nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2013 đã diễn ra ngày 26/4/2013 tại Tp.HCM. 

Nặng gánh dự phòng tài chính

Trước câu hỏi của cổ đông đại diện cổ đông Greystanes Limited về khoản tiền gửi ALC II đã và sẽ được trích lập bao nhiêu, đồng thời chi tiết các khoản trích lập dự phòng khác, Tổng giám đốc Lê Văn Thành cho biết trong năm 2013 công ty có một số khoản nợ khó đòi phải trích lập tổng số đưa vào chi phí hoạt động tài chính lên 145 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu của Vinashin 40,7 tỷ đồng, trái phiếu Sông Đà Thăng Long 8,4 tỷ đồng, Nosco 160 triệu, ALC II 61 tỷ đồng và một số chứng chỉ quỹ như VF1 của Bảo Việt 6 tỷ đồng, VF2 3,2 tỷ đồng... Tổng cộng, năm 2013 BMI phải trích lập dự phòng 121 tỷ đồng. 

Dự phòng nợ khó đòi của ngành hàng hải từ 2007 đến nay rất cao. Khoản này BMI đang phải xử lý, do các công ty vận tải biển đang rất khó khăn, thậm chí không có tiền trả lương nhân viên. Tuy vậy, ông Lê Văn Thành từ chối công bố con số cụ thể nợ khó đòi của ngành hàng hải. 

Theo báo cáo kiểm toán 2012 của BMI, số dư khoản dự phòng các khoản phải thu khó đòi đạt 142 tỷ đồng, tăng 73,5 tỷ đồng so với số dư đầu năm. 

Năm 2013 tập trung nỗ lực giảm chi phí

Nếu như những khoản dự phòng là "chẳng đặng đừng" - các khoản chi phí hoạt động năm vừa qua cũng là chủ đề được các cổ đông quan tâm. 

Để thực hiện kế hoạch 2013 với LNST đạt 90 tỷ đồng (bằng 98% so với thực hiện 2012) trong điều kiện khó khăn đã nói ở trên, Tổng Giám đốc BMI đưa ra giải pháp quyết liệt: Tổ chức và tiết kiệm phải đưa ra được con số. Tất cả những khoản có thể giảm được, đều được đề xuất giảm. 

Chi phí bồi thường năm nay đặt ra mục tiêu bồi thường 47% doanh thu, theo ông Lê Văn Thành là giảm rất nhiều so với năm 2012. 

Đặc biệt, Ban điều hành đặt mục tiêu cho các đơn vị thành viên phải giảm chi phí, chi đúng. Năm tới, BMI có quy định cụ thể sẽ trừ vào tiền lương của Giám đốc đối với những đơn vị có khoản chi sai, chi vượt. 

10 công ty thành viên yếu kém được yêu cầu bắt buộc phải giảm chi phí và chỉ làm đại diện của Bảo Minh, không được khai thác những nghiệp vụ lỗ, cắt phân cấp, đưa ra mô hình kinh doanh chung chỉ có 1 Giám đốc và 1 Tổng hợp, còn lại khai thác. Ông Thành đưa ví dụ Bảo Minh Bến Thành có nghiệp vụ chăm sóc sức khỏe 2 năm liền lỗ, do đó sẽ không được khai thác nghiệp vụ này mà chuyển tập trung về Trung tâm bảo hiểm sức khỏe.

Năm 2013, BMI thực hiện tái cơ cấu tổ chức hoạt động kinh doanh của Bảo Minh từ trụ sở chính ddeeens các công ty thành viên để tạo mối liên kết chặt chẽ và phối hợp giữa các phòng ban của Trụ sở chính nhằm tăng cường công tác phục vụ khách hàng nội bộ và bên ngoài. 

Câu hỏi về cổ đông lớn AXA

Gần đây, trên thị trường có nhà đầu tư nước ngoài mua BMI nhiều. Việc này có các quỹ đầu tư nước ngoài mua, vì BMI đã niêm yết do đó việc mua bán thể hiện trên sàn giao dịch. BMI từ chối công bố tên nhà đầu tư này. Có cổ đông tỏ ra băn khoăn về việc AXA có tăng sở hữu cổ phần của BMI. 

Ông Jean Luc Costa, thành viên HĐQT, đại diện Tập đoàn AXA, cổ đông lớn thứ 2 của BMI cho biết AXA đã có thủa thuận với Bảo Minh và kết thúc vào tháng 9 năm 2010. AXA muốn tham gia nhiều hơn vào vấn đề điều hành của BMI nhưng chưa nhận được sự đồng ý. Do đó, AXA không ký thỏa thuận và cũng không tăng cổ phần tại BMI tại thời điểm này. AXA sẽ tăng khi BMI cho phép tham gia vào vấn đề điều hành của Bảo Minh. 

Xung quanh vấn đề cổ phiếu, BMI vẫn chưa có ý định mua lại cổ phiếu quỹ trong thời gian này, do phải đảm bảo lượng tiền mặt để chi trả bồi thường nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, mặc dù theo các cổ đông, định giá BMI hiện nay trên thị trường là rất thấp.



Minh Thư

thunm

HSX

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên