Cách nào “răn đe“ hiệu quả doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm?
Việc khởi kiện các DN ra Tòa án qua các năm cho thấy các biện pháp mang tính chế tài hành chính và tài phán của cơ quan chức năng đối với những vi phạm pháp luật về BHXH bước đầu đã có tác dụng.
Trước thực tế vi phạm pháp luật về chế độ thu nộp bảo hiểm xã hội (BHXH) dù đã bị thanh tra xử phạt vi phạm, thậm chí có doanh nghiệp (DN) bị xử phạt nhiều lần, nhưng do mức xử phạt còn nhẹ, quan trọng hơn là hầu như chưa có biện pháp cưỡng chế đối với các DN không chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan có thẩm quyền, các địa phương, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đã có những biện pháp tích cực để đấu tranh chống lại những vụ vi phạm, bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Ở TP.HCM, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, số lượng DN phát triển nhanh thì tình trạng vi phạm pháp luật BHXH luôn diễn biến hết sức phức tạp. Số nợ đọng BHXH luôn chiếm trên 20% số nợ đọng BHXH của cả nước. Năm 2008, BHXH TP.HCM đã chủ động lập hồ sơ đồng loạt khởi kiện 8 DN chiếm dụng tiền BHXH ra Tòa án, trong đó có 6 DN 100% vốn đầu tư nước ngoài – quốc tịch Hàn Quốc. Ngay sau khi khởi kiện, đã có 4 DN khắc phục hết số nợ và cam kết chấp hành đầy đủ nghĩa vụ nộp BHXH theo quy định.
Từ năm 2010 đến hết tháng 6/2013, BHXH TP.Hà Nội cũng đã hoàn thiện hồ sơ và tiến hành khởi kiện ra Tòa án đối với 152 đơn vị, tổng số tiền nợ tại thời điểm khởi kiện là 187,042 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan Tòa án đã tiến hành các thủ tục xét xử (bao gồm cả hòa giải) là 53 đơn vị, tổng số tiền thu hồi được là 43,176 tỷ đồng.
Kết quả ban đầu được đánh giá là đã gây được tiếng vang lớn, được dư luận đồng thuận và đông đảo người lao động hoan nghênh. Việc khởi kiện các DN ra Tòa án qua các năm cho thấy các biện pháp mang tính chế tài hành chính và tài phán của cơ quan chức năng đối với những vi phạm pháp luật về BHXH bước đầu đã có tác dụng nhất định.
Tuy nhiên, số tiền thu hồi về cho Quỹ BHXH chiếm tỷ lệ còn thấp (tại TP.HCM là 41%, ở Hà Nội mới đạt 23,08%). Phó Giám đốc BHXH TP.HCM Nguyễn Đăng Tiến nhận định, việc giải quyết các vi phạm của DN bằng bản án dân sự của Tòa án còn thiếu hiệu quả vì trách nhiệm đã rõ ràng nhưng việc giải quyết lại không triệt để.
Phó Giám đốc BHXH TP.Hà Nội Huỳnh Thị Mai Phương thì nêu lên một số hạn chế của thực trạng khởi kiện ra Tòa các hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH cho người lao động trong DN. Chẳng hạn như, việc tiếp nhận hồ sơ tùy thuộc ý chí của từng Thẩm phán (yêu cầu cung cấp bảng lương, giấy phép hoạt động, có Tòa án không chấp nhận Giám đốc BHXH huyện đứng đơn khởi kiện; hết tháng 9, Tòa án không nhận đơn để xét xử các vụ đã tiếp nhận, tránh tồn đọng cuối năm...).
Để khắc phục tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng cần sửa Luật BHXH theo hướng tăng nặng các hình thức xử phạt đối với những đơn vị cố tình vi phạm Luật BHXH cũng như nâng mức phạt theo hướng tăng tỷ lệ phạt cao hơn và tính trên tổng số tiền nợ, đồng thời truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những chủ sử dụng lao động chiếm dụng Quỹ BHXH.
Ông Nguyễn Đăng Tiến đề xuất, nghiên cứu xác định hành vi vi phạm nghiêm trọng đến mức nào cần được truy cứu trách nhiệm hình sự và xây dựng tội danh đối với hành vi vi phạm pháp luật BHXH gây thiệt hại đáng kể cho xã hội để quy định tội danh trong Bộ luật Hình sự.
Bà Phương kiến nghị cho phép khoanh nợ đối với một số đơn vị (cho phép trích nộp số phát sinh cộng một phần nợ) để giải quyết quyền lợi cho người lao động; cho phép các đơn vị nợ đọng được giãn nộp (như giãn thuế), ưu tiên hạch toán BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp rồi mới hạch toán lãi.
Theo Thục Quyên