MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cái tên mới mà cũ của ngành phân bón

06-11-2014 - 07:21 AM | Doanh nghiệp

CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình đang nắm 15% cổ phần của DAP Đình Vũ. Doanh thu xuất khẩu phân bón chiếm từ 60-80% và nhập khẩu hóa chất chiếm 10-20% doanh thu hàng năm của công ty.

Từ một quốc gia phải nhập khẩu cả đạm, phân lân, NPK, hiện nay Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ dư cung phân bón. Điều này đã phản ánh vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành khi doanh thu, lợi nhuận cũng như lợi nhuận biên sụt giảm mạnh.

Doanh nghiệp phân bón – triển vọng nhờ chính sách vĩ mô?

Thống kê kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành phân bón đang niêm yết trong 9 tháng đầu năm 2014 có thể thấy rõ điều này. Chỉ TSC với những yếu tố đặc biệt về tái cơ cấu nên mới tăng trưởng về lợi nhuận sau thuế dù doanh thu giảm mạnh.

Đối với ngành phân bón nói chung, nhu cầu phụ thuộc vào giá nông sản. Khi giá nông sản tăng, nhu cầu sử dụng phân bón của người nông dân sẽ tăng lên. Hiện tại, giá các loại nông sản thiết yếu như ngô, gạo, lúa mỳ … đang ở mức thấp so với giai đoạn 2011 - 2013 nhưng ở mức cao hơn nhiều so với giai đoạn 2000 – 2006 và đang có dấu hiệu phục hồi.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa thì trong nền kinh tế biến động hiện nay, ngành nông nghiệp sẽ được thúc đẩy mạnh bởi các Chính sách vĩ mô. Điều này sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của các công ty hoạt động trong lĩnh vực hóa chất nông nghiệp.

Có thể kể đến các chính sách nông nghiệp ảnh hưởng tới nhu cầu phân bón như chính sách thuế xuất khẩu phân bón của Trung Quốc, chính sách trợ giá phân bón đang được áp dụng ở Ấn Độ và đang được xem xét tại các quốc gia châu Phi tiểu sa mạc Sahara…

Vì vậy, các chuyên gia trong ngành đánh giá rằng giá phân bón thế giới đang phục hồi và thị trường phân bón Việt Nam với sự liên thông chặt chẽ với thị trường phân bón quốc tế cũng đang ấm dần lên.

Ông Trịnh Xuân Sơn – chuyên gia chứng khoán cho rằng nhóm cổ phiếu phân bón đang đưa ra tín hiệu tăng giá mạnh hơn VN-Index và có khả năng trở thành nhóm dẫn dắt thị trường.

Gương mặt mới mà cũ

Vào ngày 31/10 mới đây, Công ty TNHH MTV DAP – Vinachem (DAP Đình Vũ) đã IPO thành công, chào bán ra công chúng hơn 30,2 triệu cổ phiếu với giá đấu bình quân là 10.034 đồng/cổ phiếu.

Đây là một trong những doanh nghệp phân bón lớn nhất trực thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) với sản phẩm chính là phân bón DAP mang thương hiệu DAP Đình Vũ, công suất 330.000 tấn/năm.

Với việc IPO DAP Đình Vũ, trong ngành này còn một số doanh nghiệp lớn chưa được cổ phần hóa như Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau), Công ty TNHH MTV Phân đạm hóa và chất Hà Bắc. Trong đó, Đạm Cà Mau sẽ được IPO vào ngày 11/12 tới.

Một công ty khác trong ngành là CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (mã: QBS, vốn điều lệ 320 tỷ) đã được HOSE chấp thuận niêm yết vào ngày 4/11 và sẽ chính thức giao dịch vào ngày 13/11.

Đây vốn không phải là cái tên xa lạ trong ngành sản xuất kinh doanh phân bón. Tiền thân của QBS là CTCP Hảo Mỳ - một công ty đã hoạt động trong ngành 30 năm, chuyên xuất khẩu 2 loại phân bón gồm DAP và Urea. Hiện QBS đang nắm 15% cổ phần của DAP Đình Vũ.

Theo thông tin từ QBS, công ty này đang chiếm gần 20% thị phần xuất khẩu phân Urea và các loại phân còn lại của cả nước. Doanh thu xuất khẩu phân bón chiếm từ 60-80% và nhập khẩu hóa chất chiếm 10-20% doanh thu hàng năm của công ty.

Trong mảng kinh doanh nhập khẩu hóa chất, QBS là đơn vị đứng thứ 2 về phân phối lưu huỳnh và axít sunfuric tại Việt Nam.

Nếu như Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau là nhà sản xuất phân đơn thì QBS sản xuất phân hỗn hợp (tại nhà máy NPK). Tại buổi giới thiệu về cổ phiếu QBS, bà Nguyễn Thị Thanh Hương – chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của QBS đánh giá, càng ngày, người dân càng có xu hướng dùng 1 loại phân để bón hơn là dùng đến 3 loại, hay nói cách khác, phân hỗn hợp được sử dụng nhiều hơn. Bà Hương cho biết, do nhà máy NPK dùng cả 3 loại hóa chất để sản xuất nên khi giá nguyên liệu đầu vào giảm thì giá thành của nhà máy này sẽ giảm nhiều hơn các nhà máy khác.

Đứng trước sự suy giảm rất lớn của ngành phân bón, công ty này trong 3 năm từ 2011 – 2013 vẫn duy trì được doanh thu trên dưới 2.000 tỷ và tỷ suất lợi nhuận gộp trên dưới 4%. Từ năm 2013, QBS đã đưa nhà máy NPK công suất 55.000 tấn/năm vào hoạt động và còn có kế hoạch nâng gấp đôi công suất nhà máy này vào năm 2018.

Tuy nhiên, một vấn nạn mà ngành phân bón luôn phải đối mặt là nạn phân bón giả. Bình luận về điều này, Tổng giám đốc của QBS cho biết, công ty chỉ có thể tự bảo vệ mình bằng cách bảo vệ bản quyền, tăng cường truyền thông để người tiêu dùng nhận dạng đặc điểm của sản phẩm.

Và bên cạnh đó, sức ép của một thị trường bão hòa cũng là điều buộc doanh nghiệp phải có chính sách linh hoạt và hợp lý để đảm bảo mức lợi nhuận đã cam kết với cổ đông.

Bảo Ngọc

trangminh

Tài chính Plus

Trở lên trên