MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cảnh báo mối quan hệ không bình thường với doanh nghiệp

04-08-2013 - 09:33 AM | Doanh nghiệp

Quan hệ không bình thường giữa cán bộ đảng viên có chức quyền với doanh nghiệp sân sau là một dạng tham nhũng đã ở mức đáng báo động, trở thành nguy cơ đối với sự phát triển của đất nước.

Trong một đề tài nghiên cứu khoa học mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện đã cảnh báo một thực tế rất đáng lo ngại, đó là nhiều cán bộ đảng viên cấp Trung ương có quan hệ không bình thường với doanh nghiệp để trục lợi. Ở cấp tỉnh, thành và tương đương và sau đó là ở cấp huyện cũng có biểu hiện này, nhưng thấp hơn, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận diện đây là một dạng tham nhũng đặc biệt.

Tại tỉnh Bình Phước, những lô cao su nằm trong 323ha từng được thí điểm bán đấu giá để tạo quỹ làm đường Lộc Tấn - Bù Đốp. Ý tưởng lập quỹ làm đường từ việc khai hoang, trồng mới cây cao su vốn là chủ trương đột phá và đúng đắn của tỉnh, thế nhưng khi thực hiện lại mắc nhiều sai phạm.

Cụ thể là, UBND tỉnh đã ký quyết định bán số cao su này với giá bình quân 353 triệu đồng/ha, nhưng không lâu sau đó lại chấp thuận giảm 30% so với giá khởi điểm, làm thất thu cho ngân sách nhà nước trên 25 tỉ đồng. Việc tự ý giảm giá bán - theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra là tùy tiện vì đã không được bàn trong Thường trực UBND tỉnh và không báo cáo xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy.

Theo ông Hà Đức Chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh Bình Phước: “Quy định của Thường vụ Tỉnh ủy là từ 100ha đến dưới 500ha thì trong tập thể Ủy ban phải bàn bạc, sau đó phải báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy trước khi quyết định, còn từ 500ha trở lên thì trong tập thể UBND tỉnh phải bàn bạc thống nhất, sau đó phải báo cáo với Thường vụ Tỉnh ủy. Nhưng có một số trường hợp đã không thực hiện đúng theo quy định này, ai làm nấy biết, nhiều khi sai cả quy chế của cơ quan mình”.

Một câu chuyện khác cũng liên quan đến người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Phước, đó là UBND tỉnh có quyết định giao trạm thu phí và chỉ định thầu Quốc lộ 14 đoạn Đồng Xoài - Cây Chanh cho nhà đầu tư Đức Thành - Gia Lai trong khi nhà đầu tư này yếu kém về năng lực tài chính, kỹ thuật và có nhiều vi phạm trong quá trình quản lý tiền thu phí và thực hiện dự án.

Ông Vũ Minh Khương, Vụ trưởng Vụ địa phương 7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: “Giữa đại gia và đại quan họ kết hợp với nhau trong từng dự án cụ thể, nếu không có thì họ không bất chấp để cố ý làm trái quy định của pháp luật, cố ý làm trái Điều lệ Đảng ở một tỉnh với nhiều dự án, dẫn đến chuyện bị lũng đoạn, bị phá vỡ quy hoạch”.

Việc tự ý hạ giá bán cao su và chỉ định nhà thầu kém năng lực chỉ là hai trong số nhiều vụ việc nổi cộm, gây bức xúc dư luận. Đằng sau những quyết định sai nguyên tắc kia, dư luận nghi ngại về việc có mối quan hệ không bình thường ràng buộc giữa doanh nghiệp với cán bộ, đảng viên có chức quyền - vấn đề đã được các chuyên gia và cơ quan chức năng cảnh báo.

Theo kết quả khảo sát xã hội học do Thanh tra Chính phủ công bố năm 2012, có đến 40% doanh nghiệp đồng ý với việc có sử dụng các mối quan hệ với quan chức để trục lợi. Cho dù với mục đích tích cực, hay tiêu cực thì các nhóm lợi ích tác động nhiều nhất vào lãnh đạo UBND và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương. Nhiều doanh nghiệp còn lấy thước đo sự quen biết số lượng cán bộ càng có vị thế thì cơ may giành thắng lợi trong kinh doanh càng nhiều.

Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khẳng định: “Muốn làm cho nhanh, muốn làm cho thuận tiện thì họ phải “bôi trơn” - đưa tiền vào, tất nhiên điều này không thành văn nhưng gần như phổ biến ở tất cả các doanh nghiệp.

Đây là hiện tượng rất nhức nhối, làm cho đội ngũ cán bộ vi phạm luật pháp, luôn dùng hoạt động nghiệp vụ để lách, trốn tránh sự kiểm soát. Biểu hiện rất rõ trong mối quan hệ làm ăn hiện nay gọi là bôi trơn để được việc”.

Theo ông Lê Hồng Liêm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: “Quan hệ không bình thường giữa cán bộ đảng viên có chức quyền với doanh nghiệp sân sau là một dạng tham nhũng đã ở mức đáng báo động. Không nhận diện rõ điều này thì thực sự trở thành nguy cơ đối với sự phát triển đất nước, làm thay đổi, vẩn đục môi trường đầu tư, làm cho việc phân bổ ngân sách đầu tư và chính sách bị méo mó và chắc chắn hệ lụy là ảnh hưởng trực tiếp tới lòng tin của nhân dân và sự tín nhiệm của nhân dân”.

Trở lại với câu chuyện ở Bình Phước, một Phó bí thư Tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch UBND tỉnh đã phải nhận hình thức kỷ luật là cảnh cáo và cho thôi chức; 2 Giám đốc Sở Tư pháp kiêm giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá và Phó giám đốc Sở Tài chính cùng Giám đốc Quỹ Phát triển đất tỉnh này bị bắt tạm giam để phục vụ quá trình điều tra là bài học đắt giá về công tác cán bộ ở tỉnh này khi những cán bộ có chức, có quyền đã nhiều lần vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, điều hành làm thất thu ngân sách và gây hậu quả nghiêm trọng.

Và việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát đi cảnh báo về hiện tượng liên kết nhóm để trục lợi ngày càng có xu hướng tăng, tinh vi hơn và xảy ra với tất cả các loại hình và quy mô doanh nghiệp cũng là rất đáng để suy ngẫm.

Theo Ngọc Hà

cucpth

VTV

Trở lên trên