MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu chuyện nội lực - hiện thực từ các đại gia sữa

15-06-2014 - 11:09 AM | Doanh nghiệp

“ Trong thách thức có cơ may”... Giảm sự phụ thuộc nguyên liệu và thị trường của nước ngoài... là vấn đề thời sự nóng hổi trên các diễn đàn. Thực tế, nhìn vào ngành sản xuất sữa, hiện thực đã ló dạng.

Từ chỗ nhập khẩu một lượng lớn sữa nên mỗi khi giá sữa thế giới “hắt hơi” thì giá sữa trong nước cũng rục rịch tăng theo. Thế nên hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) nội bắt đầu đẩy mạnh tổ chức nguồn nguyên liệu sữa.

Từ  Vinamilk, người dẫn đầu “liều lĩnh”

Trước năm 2000, hoạt động chế biến sữa Việt Nam được biết đến như là ngành sản xuất sữa đặc có đường, phần còn lại là sữa bột nhập khẩu. Năm 2007, Vinamilk tung ra sản phẩm sữa tươi Vinamilk UHT có thành phần 100% nguyên liệu sữa tươi. Điều này đã làm thay đổi nhận thức, kích thích người tiêu dùng (NTD) mua sữa tươi rất nhiều.

Tuy nhiên, lúc đó Việt Nam chưa có ngành chăn nuôi bò sữa thực sự, nguồn sữa từ các hộ nhỏ lẻ không đủ cung cấp cho thị trường. Năm 2009 trở đi có những DN đầu tư vào thị trường sữa tươi với các trang trại quy mô ứng dụng công nghệ cao.

Nếu như năm 2006, Vinamilk xuất phát với hơn 500 tỉ đồng đầu tư nguyên liệu sữa tươi thì năm 2013 tăng đến 1.600 tỉ đồng. Tính đến thời điểm này, Vinamilk có năm trang trại ở Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Lâm Đồng với tổng đàn bò gần 10.000 con. Trong kế hoạch năm 2014-2015, thêm bốn trang trại quy mô lớn sẽ được xây dựng và đưa vào hoạt động, nâng tổng số đàn bò của các trại lên 20.000 con.

Cũng đầu tư vào ngành sữa tươi, ông Ngô Minh Hải, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn TH, cho biết TH đầu tư trang trại với quy mô vốn 1,2 tỉ USD, giai đoạn 1 đã hoàn thành 450 triệu USD. Tổng đàn bò là 137.000 con nhưng hiện tại có trên 30.000 con. Đất để triển khai dự án là 137.000 ha và hiện tại là 8.100 ha đất.

Bất ngờ mới đây, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cũng rẽ sang ngành sữa tươi khi hợp tác với Nutifood, Vissan trong dự án chăn nuôi bò sữa với số vốn đầu tư lên 6.300 tỉ đồng. Giai đoạn 2014-2015 sẽ đầu tư 3.150 tỉ đồng. Giai đoạn 2 hoàn thành vào năm 2017 với số vốn 3.150 tỉ đồng. Dự kiến tổng đàn bò sữa lên đến 120.000 con.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL, rất tự tin khẳng định sự thành công của dự án này bởi HAGL đang có 100.000 ha đất tại Việt Nam, Lào, Campuchia.

Cuộc “chạy đua” công nghệ

Điều quan trọng mà HAGL quan tâm bậc nhất chính là áp dụng công nghệ cao. Đại diện HAGL cho biết kinh nghiệm và thành tích trong năm năm qua ở ngành mía đường, ngành bắp cho thấy công nghệ có khả năng tăng năng suất lên gấp đôi.

“Cái khó nhất ở Việt Nam trong chăn nuôi bò sữa chính là quỹ đất và thức ăn, có quỹ đất mới tạo ra thức ăn, đây mới là cốt lõi vấn đề. Có thức ăn thì giá thành mới rẻ được” - ông Đức nhấn mạnh.

Thế nên HAGL để sẵn 30.000 ha đất trồng cỏ, trồng bắp phục vụ cho nông nghiệp, cung cấp thức ăn chăn nuôi. HAGL cho hay dù không mua thức ăn gia súc bên ngoài nhưng DN này vẫn đang có đầy đủ điều kiện phát triển đàn gia súc lên đến 300.000 con. Điều này rất quan trọng trong việc cạnh tranh về giá vì theo bầu Đức, thức ăn chiếm đến 75%-80% giá thành sản phẩm.

Hợp tác cùng HAGL, ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Nutifood, cho biết sẽ khởi công xây dựng nhà máy chế biến sữa tươi 100% vào tháng 9, nằm tại Khu công nghiệp Trà Đa. Ở nhà máy này thì công nghệ, máy móc thiết bị nhập từ Đức, Thụy Điển, sử dụng nguyên liệu là sữa bò tươi của trang trại bò sữa HAGL. Tổng vốn đầu tư của dự án là 5.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Như Hằng, Giám đốc điều hành Vinamilk, cũng cho hay sản xuất sữa muốn đạt lợi nhuận cao phải áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, quản lý chặt hiệu quả vì nhiều loại thức ăn, thuốc thú y phải nhập khẩu.

Muốn giảm chi phí, tăng lợi nhuận thì việc chủ động nguồn thức ăn thô xanh là biện pháp quan trọng. Tuy nhiên, quan trọng hơn là phải đảm bảo phòng bệnh, chuồng trại phù hợp để tối ưu khả năng sản xuất của bò sữa. Việc chăn nuôi bò sữa phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan nên sẽ nhiều rủi ro. Vì vậy công nghệ là yếu tố then chốt cho việc đảm bảo sản xuất hiệu quả.

Mở rộng vùng nguyên liệu ở nước ngoài

Bà Hằng cho hay bên cạnh nguồn sữa nguyên liệu đầu tư trong nước, Vinamilk còn chú trọng đầu tư tại các nước có ngành chăn nuôi bò sữa tiên tiến như New Zealand. Nhà máy Miraka (New Zealand) chuyên sản xuất sản phẩm bột sữa nguyên kem với công suất 32.000 tấn/năm. Và nhà máy này có khả năng chế biến 210 triệu lít sữa nguyên liệu hằng năm. Sản lượng sữa từ nhà máy tại New Zealand sẽ là nguồn sữa nguyên liệu chất lượng cao, góp phần đảm bảo cho việc chủ động nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sữa của Công ty Vinamilk tại Việt Nam.

Cùng tư duy “hợp tác nước ngoài”, đại diện HAGL cho hay cuối năm 2014 sẽ nhập 10.000 con bò sữa về nuôi ở Lào, Campuchia, Gia Lai. Đến khoảng quý III-2015 thì HAGL sẽ cho ra dòng sữa tươi đầu tiên.

Ông NGUYỄN XUÂN DƯƠNG, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi:

Tăng tự chủ vào năm 2020


 
Năm 2013, tổng đàn bò là 165.000 con, sản lượng cung cấp cho thị trường là 385.000 tấn, chiếm 28% nhu cầu, 72% còn lại phải nhập khẩu. Như vậy nhu cầu và tiềm năng phát triển chăn nuôi bò sữa là rất lớn. Vì lý do này mà Chính phủ đã ban hành Nghị định 210/2013 đưa ra nhiều chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, trong đó có khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa.

Bộ NN&PTNT cũng đã trình Chính phủ chính sách riêng về phát triển chăn nuôi bò sữa, phát triển các mô hình chăn nuôi bò sữa, đặc biệt là các nông hộ lớn... Dự kiến đến năm 2020, trong nước sẽ tự túc 60% nguồn nguyên liệu.

Ông TRẦN QUANG THẮNG, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM:

Chủ động thu lợi


 
Người dân trên thế giới chủ yếu dùng sữa tươi, trong khi trẻ em Việt Nam lại đang chủ yếu uống sữa bột. Thế nên khi nhu cầu tăng cao, giá sữa ngoại có thể tăng 4-9 lần so với giá nhập khẩu như báo chí đã đăng tin trong thời gian qua.

Dự kiến 2014 sẽ là năm “tiền mua sữa ngoại” vượt ngưỡng 1 tỉ USD, nghĩa là một dòng đô la cực lớn trong ngành sữa chảy ra nước ngoài chưa hề giảm. Trong khi nếu chuẩn bị kỹ thì DN nội hoàn toàn có khả năng thu được nguồn lợi khổng lồ này.

Ông LÝ TRƯỜNG CHIẾN, Phó Viện trưởng Viện Quản trị chiến lược và marketing (SMI):

Tìm giải pháp cạnh tranh


 
Thực tế khi có nhiều DN tham gia vào thị trường sữa tươi thì áp lực sẽ đè lên các DN đi trước. Thế nhưng đây là điều tích cực vì các DN buộc phải năng động sáng tạo tìm ra giải pháp tốt nhất để cạnh tranh. Việc tăng cường yếu tố sáng tạo và khoa học công nghệ là rất quan trọng.

Các DN lưu ý không nên đem toàn bộ công nghệ nước ngoài sao chép máy móc vào điều kiện Việt Nam, vì điều kiện thức ăn, khí hậu… có thể có những sự khác biệt trong ngành chăn nuôi bò sữa, hay lớn hơn là ngành nông nghiệp nói chung.

Ông TRẦN THANH HẢI, Tổng Giám đốc Nutifood:

Nhu cầu ngày càng tăng


 

Nhu cầu NTD mỗi ngày mỗi tăng, bình quân tiêu thụ sữa theo đầu người hiện còn thấp (15 lít/người). Năng lực đáp ứng nhu cầu trong nước có giới hạn nên mình làm không bao giờ chậm. Quan trọng hơn khi dòng sữa HAGL ra tốt rồi thì giảm sự phụ thuộc nhập nguyên  liệu.

 

Ông ROBERT TRẦN, Giám đốc điều hành Robenny Corporation:

Giá sẽ rẻ hơn


 
Thị trường sữa Việt Nam còn nhiều tiềm năng, vì vậy người đến sau vẫn có cơ hội. Cũng giống như ngành bia, dù thị trường đang cạnh tranh khốc liệt nhưng vẫn có hãng bia nước ngoài muốn đưa sản phẩm vào hoặc xây dựng nhà máy ở Việt Nam.

Người trưởng thành của Việt Nam không còn thói quen uống sữa nhưng ở Mỹ và Canada người dân vẫn có thói quen uống sữa cho đến cuối đời.

Duy trì uống sữa sẽ giúp giảm bệnh tật, tăng sức đề kháng. Nếu y tế cộng đồng của Việt Nam truyền thông tốt hơn, thị trường sữa còn mở rộng hơn, giá sữa sẽ rẻ hơn.

Theo Tú Uyên

thanhhuong

Pháp luật TP.HCM

Trở lên trên